Tạo vị thế cho hàng Việt

Sau hơn 2 năm kể từ khi Bộ Chính trị chính thức đưa cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” vào cuộc sống, cuộc vận động đã và đang được các cấp, các ngành, người dân hưởng ứng mạnh mẽ. Trong kế hoạch kinh doanh của các nhà phân phối trong nước còn không quên gắn với việc hỗ trợ, tạo điều kiện phát triển hàng Việt. Còn với các cơ quan truyền thông, bằng nhiều cách làm cũng có hẳn các chương trình truyền thông riêng cho hàng Việt. Đã có một phong trào “người Việt, hàng Việt” nhằm ủng hộ các nhà sản xuất trong nước và vượt lên tất cả đó là ý thức trước sự sống còn của hàng Việt trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu.

Trên thị trường hàng tiêu dùng, hàng Việt Nam đã chiếm tỷ lệ nhất định tại các trung tâm thương mại và đã chen chân vào được một số trung tâm siêu thị lớn. Tuy vậy, sau bao nhiêu năm xây dựng thương hiệu, nỗ lực cạnh tranh, hàng Việt Nam vẫn chưa có thế đứng vững chắc với các tiêu chí: chất lượng, giá cả hợp lý, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng xanh… Tại nhiều ngành hàng trong các chợ truyền thống ở khu vực miền Bắc, hàng Việt hiện chỉ chiếm từ 5% - 10%; khu vực miền Nam tình hình có khá hơn nhưng hàng Việt chưa thật sự tạo ra vị trí riêng cho mình.

Dù VN đã trở thành một trong những nước có thế mạnh trong việc gia công giày dép, quần áo cho nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới nhưng ở nhiều phân khúc hàng hóa như giày dép, quần áo dành cho trẻ em hoặc dành cho nhu cầu tiêu dùng cao cấp thì hàng ngoại lại chiếm thế độc tôn. Trong lĩnh vực tiêu dùng, nhiều mặt hàng mang “hồn Trương Ba, da hàng thịt”, từ kem đánh răng, xà bông, dầu ăn, vỏ xe máy, quạt máy và gần đây là những chiếc máy tính bảng, điện thoại di động… tuy mang nhãn hiệu Việt nhưng thực chất là hàng liên danh, hàng lắp ráp mà ruột của sản phẩm là hàng nước ngoài đội lốt. Việc thiếu vốn đầu tư vào máy móc thiết bị, công nghệ, tay nghề… khiến chúng ta phải trả giá cho những sản phẩm tuy chất lượng không phải cao cấp nhưng vẫn không phải made in Việt Nam 100%.

Hàng nhập ngoại trên khía cạnh nào đó là tiêu cực nhưng cũng có mặt tích cực. Hàng ngoại nhập có mẫu mã phong phú, công nghệ sản xuất mới và chất lượng dễ chấp nhận làm các nhà sản xuất VN phải học hỏi, phải tiếp cận nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh. Chúng ta không thể lấy tinh thần dân tộc để giành lợi thế trong cạnh tranh khi mà chất lượng, giá cả chưa thắng được hàng nhập. Do vậy, điều trọng yếu vẫn là phải thay đổi công nghệ, giảm chi phí giá thành và xây dựng chiến lược kinh doanh tốt. Xem ra, chúng ta kinh doanh chưa theo một chiến lược lâu dài và bền vững.

Nhìn lại chiến lược kinh doanh, các nhà sản xuất VN chưa chọn được nhóm hàng, mặt hàng khai thác được lợi thế về vật tư, nguyên liệu, kỹ thuật và chất lượng phù hợp nhằm tạo ra vị thế cho hàng hóa. Nhóm mặt hàng từ nguyên liệu sẵn có, sản xuất trong nước như cao su, gỗ, gốm sứ, vải, kính, da… vẫn thiếu sức cạnh tranh. Có thể đưa ra các ví dụ về quần áo, túi xách, bình trà, bàn ghế, tủ... Cái thiếu của khả năng cạnh tranh là gì, chưa ai làm rõ được. Vì thế, vị thế của sản phẩm Việt Nam cần được các nhà chiến lược kinh doanh khẳng định dưới góc độ kỹ thuật chứ không phải là khẩu hiệu chung chung.

Làm gì để hàng Việt thắng trên sân nhà? Đây là vấn đề trăn trở, nỗi mong chờ khắc khoải không chỉ của riêng cộng đồng DN mà còn của nhiều người. Bởi lẽ, trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, bản thân các nước không ngừng dựng lên các hàng rào kỹ thuật để bảo hộ sản xuất trong nước thì việc kêu gọi người dân ủng hộ hàng trong nước là cần thiết nhưng chưa đủ. Dùng hàng trong nước không chỉ đơn thuần là góp phần kích thích sản xuất, duy trì công ăn việc làm cho người lao động, ổn định an sinh xã hội. Người tiêu dùng còn đòi hỏi ở chất lượng sản phẩm phải ngày càng tốt hơn, mẫu mã đẹp hơn, chế độ hậu mãi tốt và giá cả cũng phải “mềm” hơn. Phải làm được việc này mới có thể nâng cao vị thế của hàng Việt trên thị trường trong nước và thế giới.

Uyển Chi

Tin cùng chuyên mục