Để đảm bảo nhân dân đón Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 an toàn và được cấp cứu kịp thời khi xảy ra ngộ độc, tai nạn, đau ốm…, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa có chỉ thị yêu cầu các đơn vị y tế đảm bảo công tác trong dịp tết. Tại TPHCM, các bệnh viện: Nhân dân 115, Cấp cứu Trưng Vương, Đa khoa Sài Gòn, Chấn thương chỉnh hình TPHCM và cả các bệnh viện quận, huyện… cũng đã lên kế hoạch cấp cứu trong những ngày nghỉ tết.
Ứng phó ngộ độc, tai nạn
Với đặc thù là bệnh viện (BV) nằm ngay địa bàn trung tâm TP, BV Nhân dân 115 đã lên kế hoạch chuẩn bị túc trực những ngày tết sớm hơn mọi năm. Tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, Phó Giám đốc BV, cho biết việc cấp cứu những ngày tết hàng năm đều có kế hoạch nhưng do tết năm nay được nghỉ dài ngày (9 ngày) nên phải bố trí lực lượng, thiết bị, xe cộ ứng cứu chi tiết hơn.
Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Phú, hiện BV đã lên lịch cho khoảng 50 y, bác sĩ thay ca trực cấp cứu trong dịp tết, dự phòng cả trăm đơn vị máu cũng như đội xe cứu thương sẵn sàng xuất phát khi có yêu cầu. Qua kinh nghiệm mọi năm, TS Nguyễn Đình Phú cho biết dịp tết các trường hợp cấp cứu thường là ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, tai nạn thương tích do té xe...
“Xác định nhiều khả năng do ăn tết dài ngày nên số ca cấp cứu sẽ tăng nên BV đã dự trù cả cơ số thuốc, dịch truyền cũng như bố trí y, bác sĩ chu đáo. Thậm chí đã có kế hoạch cho tình huống nếu xảy ra thảm họa sẽ ứng phó kịp thời cùng các đơn vị y tế khác”, TS Nguyễn Đình Phú cho biết.
Dịp tết năm nào BV Chấn thương chỉnh hình TPHCM cũng tiếp nhận khá nhiều trường hợp nhập viện. Bác sĩ Nguyễn Tiến Linh, Phó Giám đốc BV, cho biết ngày tết thường xảy ra nhiều vụ tai nạn gây thương tích, tai nạn giao thông làm gãy tay, gãy chân, gãy xương đùi nên BV phải lên kế hoạch cấp cứu cho người dân. Năm nay, BV Chấn thương chỉnh hình TP tăng cường thêm nhân sự cho khoa Cấp cứu với gần 30 bác sĩ thường trực và ứng trực thêm chừng ấy bác sĩ nữa.
Như vậy, tính ra bộ phận cấp cứu của BV Chấn thương chỉnh hình TP luôn sẵn sàng trên 60 bác sĩ để cấp cứu cho người dân. Ngoài ra, khoa Huyết học của BV cũng đã chuẩn bị đủ số đơn vị máu dự kiến với mỗi nhóm máu 20 đơn vị.
Về cấp cứu bệnh nhi trong dịp tết, lãnh đạo 2 BV Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, cho biết đã triển khai kế hoạch chi tiết xuống các khoa, phòng. Mỗi khoa đều phải bố trí bác sĩ và điều dưỡng túc trực chăm lo cho các bệnh nhân đang nằm điều trị tại BV không về nhà ăn tết được và sẵn sàng tiếp nhận các bệnh nhân mới.
Theo các bác sĩ, trong dịp tết thường gặp nhất ở trẻ là các trường hợp cấp cứu về đường tiêu hóa như ngộ độc thức ăn, tiêu chảy cấp. Cùng với đó là các trường hợp hóc hạt dưa, hạt bí, xương cá hoặc tai nạn gây thương tích như bị bỏng nước sôi, té ngã…
“Chốt” ở khu vui chơi 24/24 giờ
Hiện trên địa bàn TPHCM đã khai trương nhiều hội chợ, hội hoa xuân với dự kiến hàng ngàn lượt người dân tụ tập vui chơi, mua sắm. Nhằm ứng cứu trong trường hợp xảy ra tai nạn, cháy nổ, thảm họa, Sở Y tế TPHCM đã giao BV Cấp cứu Trưng Vương làm đầu mối phối hợp cùng các đơn vị y tế khác bố trí xe cấp cứu tại các địa điểm trên 24/24 giờ.
Đối với các điểm bắn pháo hoa trong đêm giao thừa theo dự kiến của UBND TPHCM, BV Cấp cứu Trưng Vương làm đầu mối phối hợp với các BV quận, huyện có địa điểm tổ chức bắn pháo hoa để ứng cứu, cấp cứu cho người dân. Nếu BV quận, huyện nào gặp khó khăn về nhân sự, trang thiết bị, xe cứu thương cần thông báo ngay cho BV Cấp cứu Trưng Vương để được hỗ trợ.
Theo lãnh đạo khoa Cấp cứu ngoại viện - BV Cấp cứu Trưng Vương, ở mỗi điểm bắn pháo hoa có một xe cấp cứu với đầy đủ nhân lực, trang thiết bị ứng cứu khi cần. Trong trường hợp xảy ra giẫm đạp, xô đẩy khiến nhiều người thương vong sẽ điều phối các cơ sở y tế gần nhất vào cuộc nhanh nhất.
Sở Y tế TP cũng đã giao cho BV Cấp cứu Trưng Vương làm đầu mối phối hợp cùng các đơn vị y tế khác bố trí xe cấp cứu 24/24 giờ tại các địa điểm vui chơi tập trung đông người. Cùng với ứng cứu tại các địa điểm đông người, BV Cấp cứu Trưng Vương vẫn phải đảm bảo hệ thống cấp cứu 115 tới tận nhà người dân cũng như cấp cứu nội viện.
Để đảm bảo cấp cứu người dân trong các ngày tết, Sở Y tế TPHCM đã có công văn yêu cầu toàn bộ các BV đóng trên địa bàn TPHCM tổ chức trực cấp cứu 24/24 giờ, đảm bảo tốt việc điều trị và tổ chức cấp cứu cho bệnh nhân, không để các trường hợp đáng tiếc xảy ra…
Đề phòng dịch bệnh
Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng vừa chỉ đạo các cơ sở y tế tăng cường công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong dịp tết. Đặc biệt, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Cục đề nghị các BV, sở y tế dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu, khám chữa bệnh trong những ngày tết.
“Bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời, không được từ chối hoặc xử trí chậm trễ bất cứ trường hợp cấp cứu nào. Nếu trái tuyến, trái chuyên khoa cũng phải xử lý cấp cứu ban đầu ổn định, giải thích đầy đủ cho người bệnh, người nhà người bệnh trước khi chuyển đi cơ sở y tế khác. Trong trường hợp cần phải chuyển tuyến, việc chuyển tuyến phải được thực hiện theo đúng quy chế hiện hành”, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh Lương Ngọc Khuê chỉ đạo.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng đã có chỉ thị về bảo đảm công tác y tế trong dịp Tết Giáp Ngọ 2014. Trong đó, Bộ Y tế nhấn mạnh tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh cúm A(H7N9), bệnh cúm A(H5N1), tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota, các bệnh dịch lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa khác có nguy cơ bùng phát trong mùa đông-xuân, nhất là dịp Tết Nguyên đán, mùa lễ hội.
| |
TƯỜNG LÂM