Tập trung nhiều giải pháp quyết liệt bình ổn giá

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải: Xử lý nghiêm hành vi găm hàng
Tập trung nhiều giải pháp quyết liệt bình ổn giá

Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải: Xử lý nghiêm hành vi găm hàng

(SGGP).- Ngày 9-11, trước những diễn biến phức tạp của thị trường vàng, tiền tệ và hàng hóa tiêu dùng hiện nay, Bí thư Thành ủy TPHCM Lê Thanh Hải đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng, Ban Cán sự Đảng UBND TP và các đoàn thể chính trị xã hội tăng cường các biện pháp bình ổn giá cả thị trường.

Theo đó, UBND TP tập trung vào các giải pháp như tiếp tục các chính sách hỗ trợ lãi suất để bình ổn những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu; các quận, huyện ủy chỉ đạo tất cả các ngành tích cực kiểm tra, kiểm soát thị trường, cương quyết xử lý nghiêm, kịp thời những hành vi vi phạm về quản lý giá, tăng cường các biện pháp chống đầu cơ tích trữ, thu gom, găm hàng không bán tạo khan hiếm hàng hóa giả tạo.

Cùng ngày, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã giao Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố chủ trì thông báo đến các cơ quan thông tin của trung ương và TP về các chủ trương, chính sách đảm bảo ổn định tiền tệ của Chính phủ để ổn định tình hình kinh tế - xã hội TP. UBND TP đã giao Sở Công thương, Chi cục Quản lý thị trường phối hợp Công an thành phố, Cục Hải quan TP, các sở ngành liên quan và UBND các quận, huyện tích cực đấu tranh, ngăn chặn kịp thời các tổ chức, cá nhân có hành vi đầu cơ, kích giá, buôn lậu vàng, đô la..., tung tin đồn nhảm gây hoang mang trong xã hội.

Tại cuộc họp với lãnh đạo các cơ quan báo chí của TP chiều 9-11, ông Hồ Hữu Hạnh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại TPHCM khẳng định: Việt Nam không phá giá đồng tiền và không có chuyện đổi tiền như dư luận đồn thổi.

L.Nam

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng: Liên kết chặt “4 nhà” để ngăn tăng giá

Giá cả hàng hóa đang diễn biến rất phức tạp. PV Báo SGGP đã phỏng vấn Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng (ảnh) về các biện pháp đối phó với giá cả để bình ổn thị trường TPHCM từ nay đến cuối năm.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thị Hồng

- PV: Phó Chủ tịch nhận định như thế nào về tình hình giá cả những ngày qua?

Phó Chủ tịch UBND TP NGUYỄN THỊ HỒNG: Trong tháng 10 vừa qua, tình hình thị trường đang diễn biến bất lợi cho việc cung ứng hàng hóa. Thiên tai xảy ra liên tiếp ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung, dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn còn, thời tiết không thuận lợi cho sản xuất, cây trồng; giá vàng và ngoại tệ tăng đã tác động mạnh đến việc cung ứng hàng hóa cũng như giá cả các mặt hàng trên địa bàn TPHCM. Với tình hình này, thời gian tới giá cả hàng hóa sẽ còn diễn biến phức tạp hơn nữa vì Tết Nguyên đán đang đến gần. TPHCM hiện không chỉ lo nguồn hàng cho 10 triệu người dân của TP, mà còn là đầu mối cung ứng một lượng hàng hóa rất lớn đi các tỉnh. Nếu chúng ta không có biện pháp với tình hình này, sẽ rất khó ứng biến với giá cả.    

- Bà có thể nói cụ thể hơn về các giải pháp kiềm chế giá của TPHCM hiện nay?

Giải pháp hiệu quả nhất hiện nay, phải nắm bắt thông tin kịp thời, phân tích và đánh giá tình hình một cách đầy đủ. Để làm được việc này, UBND TP đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở ngành và các quận huyện, hơn lúc nào hết các đơn vị này phải thể hiện rõ chuyên môn, trách nhiệm của mình trong công việc.

Cụ thể, Sở Công thương phải có nhiệm vụ theo dõi và đánh giá sát diễn biến thị trường, đảm bảo cân đối cung cầu, trong đó chú ý lượng hàng hóa hóa, giá cả, chất lượng hàng hóa đưa vào thị trường; theo dõi điều tiết hàng hóa kịp thời, không được để hàng hóa thiếu cục bộ, không để tư thương găm hàng, nâng giá. Cùng với các sở, ngành tăng cường kiểm tra thường xuyên việc chuẩn bị các mặt hàng thiết yếu của các DN tham gia chương trình bình ổn giá, mạng lưới phân phối, chất lượng hàng hóa, đồng thời làm việc với các quận huyện để bố trí địa điểm bán 8 mặt hàng bình ổn tại các chợ truyền thống và các khu dân cư. Giao Sở Tài chính phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường kiểm tra, kiểm soát giá trên thị trường, có kế hoạch kiểm tra từ nay đến sau tết. Xây dựng kế hoạch kiểm tra các đơn vị phải đăng ký, kê khai giá, trong đó đặc biệt lưu ý đến các đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng sữa. Đối với các quận huyện, TP đã giao nhiệm vụ theo dõi sát cung cầu, biến động về giá cả hàng hóa.

Mặt khác, các quận huyện cần chỉ đạo và giao ban quản lý các chợ có nhiệm vụ theo dõi và giám sát việc thực hiện niêm yết và bán đúng theo giá niêm yết của tiểu thương. Chủ tịch UBND các quận, huyện phải chịu trách nhiệm về việc theo dõi, chỉ đạo công tác kiểm soát giá cả; không để xảy ra thiếu hàng cục bộ, giá cả tăng đột biến…

- Trên thực tế, việc kiểm soát giá cả hiện nay rất khó khăn vì tình hình thiên tai, dịch bệnh đang xảy ra trên diện rộng và một số mặt hàng phải nhập khẩu, giá cả thế giới đang tăng?

Đúng như vậy. Nhưng khó không có nghĩa chúng ta không làm được. Ngoài những công cụ về hành chính, TPHCM đã và đang triển khai đồng bộ chương trình bình ổn giá quanh năm đối với 8 mặt hàng lương thực - thực phẩm. Với lượng hàng bình ổn dự kiến sẽ chi phối khoảng từ 20%-40% tùy từng thời điểm, đã tạo được sức lan tỏa về giá không chỉ tại TPHCM mà còn tại nhiều tỉnh thành khác.

- Phó Chủ tịch có thể đánh giá sơ bộ về chương trình bình ổn giá hàng thiết yếu trong năm 2010?

Qua 5 tháng triển khai thực hiện chương trình, nhìn chung các DN bình ổn đều thực hiện tốt các quy định về giá bán, bán đúng giá hoặc thấp hơn giá đã cam kết. Điều này thể hiện rất rõ qua các đợt biến động giá vừa qua, các DN tham gia đã thể hiện tính chuyên nghiệp trong điều phối, xử lý tăng cường nguồn hàng và tăng các đợt bán hàng lưu động tại nhiều điểm của TP để kịp thời bình ổn giá cả. Ngoài việc đảm bảo mức giá bán như đã cam kết, các DN còn chủ động giảm thêm từ 5%-10% đối với một số mặt hàng như thực phẩm tươi sống và chế biến, trứng và thịt gia cầm…

Một số DN như Công ty TNHH Ba Huân đã tiến hành in giá bán trực tiếp lên bao bì sản phẩm để khắc phục tình trạng các điểm bán tự ý nâng giá bán… Dù còn một số vấn đề cần chấn chỉnh để chương trình ngày càng hoàn thiện, nhưng không thể phủ nhận những nỗ lực của các DN đã góp phần làm cho CPI trong tháng 10 vừa qua chỉ tăng ở mức 0,45%, thấp hơn nhiều so với mức tăng của cả nước lên tới 1,01%.

- Như Phó Chủ tịch đã nói, hàng hóa phục vụ thị trường không thiếu và sẽ không có chuyện khan hiếm hàng hóa. Vấn đề đặt ra là tăng cường điều tiết và quản lý giá?

Đúng như vậy. UBND TP đã giao Sở Tài chính phối hợp với các sở ngành chức năng kiểm tra việc hạch toán vào giá thành các chi phí không hợp lý, hợp lệ; xử lý nghiêm theo quy định của Pháp lệnh giá và các quy định của pháp luật có liên quan đối với hành vi vi phạm như liên kết găm hàng, nâng giá, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.

Như tôi đã nói, giá cả hiện nay đã và đang trở thành vấn đề nóng bỏng. Để điều hành và quản lý giá thành công, nếu chỉ có sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và DN thôi vẫn chưa đủ, cần có sự tham gia của 4 nhà, đó là: Nhà nước (đóng vai trò kiểm tra và điều hành), nhà doanh nghiệp (chuẩn bị và dự trữ nguồn hàng tốt), nhà truyền thông (thông tin giá cả đúng sự thật) và người tiêu dùng (biết lựa chọn mua những mặt hàng có chất lượng với mức giá hợp lý). Nếu chúng ta hợp tác và làm tốt được những việc này, tôi tin TPHCM sẽ bình ổn được thị trường giá cả, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ kinh tế chính trị và ổn định an sinh xã hội trên địa bàn TP.

Thúy Hải (thực hiện)

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Vũ Viết Ngoạn: Có yếu tố đầu cơ

Giá vàng trong nước liên thông với quốc tế nên tất nhiên bị ảnh hưởng giá thế giới, nhưng có thêm đặc điểm là người dân tích trữ vàng và USD khá nhiều, nên tác động tâm lý của dân hết sức lớn. Ngoài ra, còn có yếu tố đầu cơ trong mua bán vì khối lượng lưu thông khá nhiều. Một số nhà kinh doanh có thể cũng tạo yếu tố tâm lý để đẩy giá lên, nên có lúc giá trong nước còn tăng cao hơn thế giới.

Lúc này, nên có hai yếu tố đảm bảo đồng bộ. Thứ nhất, phải có chính sách cân đối ngoại tệ trên thị trường chính thức liên ngân hàng; thời gian qua cầu ngoại tệ đang lớn nên cần phải đáp ứng. Thứ hai, phải có biện pháp giảm bớt sức ép cung cầu ngoại tệ để dân tin vào giá đồng Việt Nam, chênh lệch lãi suất hợp lý để dân tin, không chuyển VND sang ngoại tệ. Cần tuyên truyền để người dân tin vào sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Giá vàng trên thế giới tách biệt với hàng hóa khác, nó chỉ ảnh hưởng một phần nào đó, chỉ tác động đến ai tích trữ vàng thôi, còn hàng hóa khác thì không ảnh hưởng nhiều, nên cần có thông tin tuyên truyền bên cạnh giải pháp kinh tế.

Kinh tế vĩ mô tuy có tiềm ẩn bất ổn nhưng ở mức độ vừa phải và không có gì căng thẳng. Nhà nước đang có hướng điều chỉnh, tập trung kiểm soát lạm phát, không phá giá đồng tiền Việt Nam, ổn định đồng tiền chứ không như nhiều người lo phá giá. Nhiều người cho rằng lạm phát tăng cao, nên lo tích trữ, đầu cơ. Ứng xử như thế không có lợi cho chính bản thân họ. Cần phải hiểu rõ, chính sách Nhà nước tập trung cho sự ổn định, chứ không có sự thay đổi.

Tôi hoàn toàn ủng hộ các chính sách của Chính phủ vừa qua. Đó là tạo ra chênh lệch lãi suất hợp lý, tăng cung ngoại tệ, cho nhập khẩu vàng để điều hòa, cân bằng giá trong và ngoài đảm bảo ổn định; một số biện pháp để hạn chế cung tiền trong nền kinh tế, giảm sức ép lạm phát duy trì lãi suất đồng Việt Nam ở mức hợp lý… Các giải pháp đó đúng, hợp lý và cần thiết.

Bảo Minh ghi

Người dân đang lo lắng trước biến động của giá thực phẩm. Ảnh: Đức Thành

Người dân đang lo lắng trước biến động của giá thực phẩm. Ảnh: Đức Thành

Các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu đã có giải pháp bình ổn giá. Ảnh: Cao Thăng

Các mặt hàng phục vụ nhu cầu thiết yếu đã có giải pháp bình ổn giá. Ảnh: Cao Thăng

Thông tin liên quan

 Cho nhập vàng để bình ổn thị trường

Tin cùng chuyên mục