Tất tả rời quê trở lại phố làm việc

Ngày 1-2 (mùng 5 Tết), đông đảo người lao động, sinh viên sau kỳ nghỉ tết đã rời quê quay lại các thành phố lớn để tiếp tục học tập, làm việc vào mùng 6 Tết. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, dọc các tuyến quốc lộ ở miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL rất đông người chờ bắt xe về TPHCM. Với tâm lý đi sớm cho đỡ kẹt xe, nhiều người từ các tỉnh ĐBSCL tay xách nách mang, rồng rắn các tuyến quốc lộ về TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.
Tất tả rời quê trở lại phố làm việc

Ngày 1-2 (mùng 5 Tết), đông đảo người lao động, sinh viên sau kỳ nghỉ tết đã rời quê quay lại các thành phố lớn để tiếp tục học tập, làm việc vào mùng 6 Tết. Theo ghi nhận của PV Báo SGGP, dọc các tuyến quốc lộ ở miền Trung, Tây Nguyên và ĐBSCL rất đông người chờ bắt xe về TPHCM. Với tâm lý đi sớm cho đỡ kẹt xe, nhiều người từ các tỉnh ĐBSCL tay xách nách mang, rồng rắn các tuyến quốc lộ về TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai.

TPHCM: Đường đông nhưng không tắc

Đến 18 giờ ngày 1-2 tại các cửa ngõ ra vào TPHCM người đông nhưng không xảy ra hiện tượng ùn tắc giao thông. Điều này có lẽ xuất phát từ việc ngày 2-2, theo quy định mọi cán bộ công chức sẽ phải trở lại công sở làm việc nhưng lại là ngày giữa tuần nên nhiều người đã tranh thủ xin nghỉ phép đến hết tuần. Chưa kể, hầu hết các trường đại học đều cho sinh viên nghỉ tết đến hết ngày 5-2.

Theo ông Lê Hoàng Minh, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, đến ngày 1-2 chưa có địa phương nào yêu cầu TPHCM hỗ trợ thêm phương tiện để đưa người dân trở lại thành phố làm việc như nhiều năm trước. Lượng phương tiện vận tải của nhiều địa phương vẫn đảm bảo đủ để phục vụ hành khách. Sở GTVT TPHCM vào ngày 4 và 5-2, người dân mới trở lại làm việc nhiều.

Theo lãnh đạo Bến xe miền Đông, số người về bến tính đến khuya 1-2 ước đạt 31.000 người, tăng 63% so với ngày thường. Số xe về bến khoảng 1.300 xe tăng 24% so với ngày thường, chủ yếu là xe của các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước, Phan Thiết… Lãnh đạo Bến xe miền Tây cho biết, lượng hành khách về bến trong ngày 1-2 ước khoảng 38.000 người tăng 44% so với ngày thường. Số xe về bến cũng tăng khoảng 45% so với ngày thường với con số cụ thể 1.670 xe.

Khoảng 18 giờ 30 trở đi trên quốc lộ 1A hướng từ miền Tây về TPHCM, lượng người đổ về bắt đầu đông và vài nơi đã xảy ra ùn ứ cục bộ. Cụ thể, trên quốc lộ 1A (đoạn qua huyện Bình Chánh), hàng ngàn phương tiện, chủ yếu là xe máy nối đuôi nhau hướng về thành phố. Tại các đoạn đường hẹp, từng đoàn xe máy xếp hàng dài di chuyển rất chậm. Tại bến phà Cát Lái (quận 2), rất đông người dân ở tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu trở lại thành phố để làm việc, học tập nhưng cũng không có cảnh xếp hàng dài để chờ qua phà.

Cùng ngày khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất cũng tấp nập người qua lại. Ghi nhận tại một số tuyến đường như Trần Quốc Hoàn (đoạn từ Phan Thúc Duyện đến Lăng Cha Cả), Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Văn Trỗi… từ 10 giờ sáng đến trưa, từ 16 giờ đến 18 giờ, số lượng người dân, các phương tiện giao thông đổ về sân bay tăng nhẹ, nhưng mật độ lưu thông vẫn kém xa các ngày cuối tuần bình thường. Tại khu vực sân bay, xe taxi, dịch vụ các loại chờ đón khách khá đông đúc…

Một chiến sĩ cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ trên tuyến đường Cộng Hòa (quận Tân Bình) nhận định, lượng người và xe cộ lưu thông quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất vào chiều mùng 5 Tết không nhiều. Theo dự báo, khả năng kẹt xe quanh khu vực sân bay vào cuối tuần này rất cao.

Theo đại diện Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV) khu vực phía Nam, từ ngày 20-1 đến 10-2, tổng sản lượng hành khách tại 21 cảng trực thuộc ACV ước đạt khoảng 9 triệu lượt. Trong đó, tính riêng tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt trên 2,5 triệu lượt.

Tấp nập ra Bắc vào Nam

Ghi nhận của PV Báo SGGP tại Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh người đón tàu, xe ra Bắc vào Nam bắt đầu đông. Tại tuyến đường tránh TP Thanh Hóa, các điểm ngã ba, ngã tư, các quán nước bên đường trở thành nơi ngồi chờ xe của mọi người.

Tại một số nơi, các xe khách đã “phối hợp” với các hàng quán lớn để tấp vào đợi đón khách. Khoảng sân và đường vành đai phía trước siêu thị Big C Thanh Hóa trở thành “bến xe” để các nhà xe vào đón khách. Lợi dụng tình thế ngày áp chót trước khi trở lại công việc nên các nhà xe ép giá khách, kêu giá “trên trời”.

Giá vé từ TP Thanh Hóa đi Hà Nội bình thường khoảng 100.000 đồng thì nay được hét lên 200.000 - 300.000 đồng, tùy loại xe. Còn xe vào Sài Gòn được hét giá 900.000 - 1.200.000 đồng. Thỉnh thoảng, tại khu vực phía trước siêu thị Big C Thanh Hóa lại xảy ra cảnh tranh giành khách của một số nhà xe.

Khu vực trước siêu thị BigC Thanh Hóa trở thành bến xe để đón, bắt khách. Ảnh: DUY CƯỜNG

Các điểm như ngã ba Yên Lý, Diễn Châu, Quán Hành (Nghệ An); thị trấn Xuân An, hai điểm đầu đường tránh Thị xã Hồng Lĩnh (Hà Tĩnh)… lượng người chờ xe vào Nam ra Bắc khá đông. Ghi nhận tại Bến xe Vinh, lượng vé đi tuyến TPHCM vẫn còn nhiều, trong khi đó vé đi Hà Nội chỉ còn nhiều chỗ ở các nhà xe nhỏ. Một số xe chạy tuyến Vinh - TPHCM đã tăng giá vé bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng, như Hợp tác xã B.M., H.K.,… tăng giá từ 700.000 lên 980.000 đồng/khách.

Ông Nguyễn Đàm Văn, Giám đốc Công ty Du lịch Văn Minh, cho biết: “Dù công ty đã đầu tư 24 xe giường nằm nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu cho khách đi tuyến Hà Nội. Công ty chúng tôi đã hết vé các ngày sau tết”.

Ông Nguyễn Văn Sỹ, Tổ trưởng Tổ quản lý hành khách Bến xe Vinh, cho hay: “Đến ngày mùng 5 Tết (tức ngày 1-2) lượng hành khách so với năm 2016 giảm hơn 15%. Hiện ở Bến xe Vinh chủ yếu là xe chính chuyến, chưa thấy có nhà xe thông báo tăng cường xe. Tính từ ngày mùng 2 Tết đến nay, lượng xe làm lệnh xuất bến cả nội tuyến và ngoại tuyến ở Bến xe Vinh là 280 xe/ngày, ngày cao điểm lên đến 300 chuyến”.

Giải thích lý do lượng hành khách tại Bến xe Vinh ít hơn so với cùng kỳ năm 2016, ông Sỹ cho rằng, do nhiều tuyến huyện đã có nhà xe đi thẳng TPHCM, Hà Nội. Ngoài ra, năm nay các công ty tại các khu công nghiệp lớn của cả nước có xe đưa đón công nhân viên nên lượng hành khách ra bến đi xe ít hơn. Trong khi đó, một lãnh đạo Cảng hàng không Vinh cho biết, thời điểm trước và sau tết tại sân bay Vinh lượng hành khách tuy nhiều nhưng chưa quá tải. Những ngày này, các hãng hàng không như Vietnam Airline, Jetstar đã tăng 5 chuyến/ngày để phục vụ hành khách.

Ông Phạm Xuân Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe Huế, cho biết đang huy động tất cả nhân viên bán vé phục vụ hành khách 24/24 giờ. Giá vé tăng từ 20%-40% so với ngày thường và đều bán theo giá niêm yết. Ngoài ra, đơn vị đã có phương án huy động 50 phương tiện tăng cường khi thiếu xe cũng như tăng cường công tác kiểm tra xe chở quá số người quy định, xe sang nhượng khách, chạy không đúng tuyến, tranh giành khách, đón trả khách không đúng nơi quy định.

Nhiều hành khách ngồi co ro trên đường luồng trong xe từ Bình Thuận vào TPHCM. Ảnh: THANH HẢI

Tại Bình Thuận, rất nhiều người đang chờ bắt xe. Hầu như tất cả các xe chạy hướng vào TPHCM không còn chỗ trống. Hầu hết những xe từ bến chạy ra đều chật kín người ngồi nhưng vẫn cố rước khách. Đứng khá lâu, nhiều xe khách tấp vào hỏi chúng tôi đi đâu, rồi báo giá 200.000 đồng/vé không có ghế ngồi. Trên xe hành lang như đã chật kín người. Đếm trên xe đã có 12 khách đang ngồi ở hành lang. Theo lộ trình trên chạy tuyến cố định có dán trên xe này thì chạy quốc lộ 1A, quốc lộ 13 rồi vào Bến xe miền Đông. Tuy nhiên tài xế chuyển hướng cho xe chạy cao tốc Dầu Giây - Long Thành - TPHCM để né tránh lực lượng chức năng.

Trong 2 ngày mùng 4 và mùng 5 Tết, rất nhiều người dân từ các tỉnh ĐBSCL đổ dồn lên TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai… làm việc, sau thời gian về quê nghỉ Tết Đinh Dậu 2017, đã gây ra kẹt xe ở một số nơi, trong đó cầu Rạch Miễu (Bến Tre) bị kẹt nhiều nhất…

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục