Tàu Anh chở lô plutonium từ Nhật Bản tới Mỹ

Tàu Anh chở lô plutonium từ Nhật Bản tới Mỹ

(SGGPO).- Lô 331 kg plutonium đủ để chế hàng chục quả bom hạt nhân, được 2 tàu Anh Pacific Egret và Pacific Heron do Công ty Pacific Nuclear Transport điều hành, vận chuyển tới Mỹ lưu trữ theo một thỏa thuận song phương.

Pacific Egret, một trong 2 tàu Anh cập cảng Tokai, Đông Bắc Tokyo, Nhật Bản, để bốc plutonium sáng 21-3-2016. Ảnh: Kyodo

Theo Kyodo News, sáng 21-3, 2 tàu Anh trang bị súng hải quân và nhiều biện pháp bảo vệ khác đã cập cảng tại làng ven biển Tokai, Đông Bắc Tokyo, nơi đặt cơ sở nghiên cứu hạt nhân chính của Nhật Bản là Cơ quan Nguyên tử và Năng lượng Nhật Bản.

Sau nhiều giờ bốc hết các thùng chứa 331 kg plutonium, 2 tàu sẽ chở lô plutonium đến Savannah River Site, một cơ sở của Chính phủ Mỹ ở bang South Carolina, theo một thỏa thuận Mỹ - Nhật Bản năm 2014. Plutonium này, chủ yếu nguồn gốc từ Mỹ và một số từ Pháp, đã được sử dụng cho các mục đích nghiên cứu.

Giới chức Nhật Bản từ chối xác nhận thông tin chi tiết vì lý do an ninh.

AP cho biết, kho dự trữ hạt nhân của Nhật Bản và tham vọng tái chế plutonium đã sử dụng để làm nhiên liệu cho các nhà máy điện là một vấn đề an ninh gây quan ngại quốc tế.

Nhật Bản đã tích lũy kho dự trữ plutonium khổng lồ - 11 tấn tại Nhật Bản và 36 tấn đã được tái chế tại Anh và Pháp đang chờ trả về cho Nhật Bản - đủ để chế khoảng 6.000 quả bom hạt nhân.

Các kế hoạch của Nhật Bản và Trung Quốc tái chế plutonium đã sử dụng để làm nhiên liệu cho các nhà máy điện, một công nghệ mà Hàn Quốc cũng muốn sở hữu, làm Washington ngày càng lo ngại, cho rằng điều đó gây nguy cơ an ninh và phổ biến hạt nhân.

Vào đầu những năm 1990, Nhật Bản hợp tác công ty nhà nước Pháp Areva bắt đầu xây dựng Rokkasho, một nhà máy lớn tái chế nhiên liệu hạt nhân. Dự án gặp khó khăn đã bị trì hoãn và thời điểm khai trương tháng 11-2015 đã bị dời lại đến năm 2018 để tiến hành nhiều nâng cấp an toàn và thanh sát.

Theo các chuyên gia, nhà máy Rokkasho sẽ không mang lại nhiều hiệu quả vì Nhật Bản có rất ít hy vọng đạt được một chương trình tái chế nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng.

Monju, lò phản ứng tái sinh nhanh plutonium của Nhật Bản, đình chỉ hơn 20 năm, hiện đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa do hồ sơ an toàn kém và các vấn đề kỹ thuật. Trong khi đó, các kế hoạch tùy chọn nhiên liệu hỗn hợp uranium-plutonium cho các lò phản ứng thông thường đã bị trì hoãn từ sau cuộc khủng hoảng tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima năm 2011 do bị động đất, sóng thần phá hủy. Hiện chỉ có 2 trong số 43 lò phản ứng đủ điều kiện của Nhật Bản đang hoạt động.

THIỆN NGUYỄN

Tin cùng chuyên mục