Tàu Delhi Metro của Ấn Độ đã trở thành hệ thống tàu đầu tiên trên thế giới mở dịch vụ buôn bán hạn ngạch khí thải khi tiết kiệm tối đa lượng khí thải carbon tại thủ đô New Delhi (ảnh).
Hệ thống tàu này sẽ nhận khoảng 9,5 triệu USD/năm tiền bán hạn ngạch khí thải tính từ năm 2011 đến 2018. Theo ước tính của LHQ, Delhi Metro giảm thiểu 630.000 tấn khí thải carbon hàng năm tại New Delhi. Tuyến metro vận hành từ năm 2002 là phương tiện vận chuyển thường xuyên của 1,8 triệu người dân trong thành phố.
P.NAM
- Trẻ mẫu giáo được trang bị GPS
Trẻ em tại các nhà trẻ và trường mẫu giáo ở Thụy Điển vừa được trang bị áo khoác có gắn GPS và một số thiết bị định vị khác để giáo viên giữ trẻ có thể theo dõi các em qua màn hình trong các buổi dạo chơi trong vườn hay đi du ngoạn.
Mặc dù các nhà trẻ cho rằng thiết bị này sẽ giúp bảo vệ trẻ an toàn, nhưng có nhiều ý kiến cho rằng bắt trẻ con mang thiết bị định vị trong người là không phù hợp. Đối với phụ huynh, họ cũng không vui vẻ khi các trung tâm giữ trẻ thay thế con người bằng công nghệ kỹ thuật.
CH.H.
- Xe Nano bốc cháy
Hãng xe hơi Tata của Ấn Độ vừa mở cuộc điều tra vì sao có thêm một chiếc xe hơi Nano, xe rẻ nhất thế giới với 2.500 USD, tự bốc cháy. Loại xe hơi này trình làng năm 2008 được xem là mang tính cách mạng vận tải của Ấn Độ. Chiếc xe nói trên bốc cháy tại New Delhi ngày 26-9. Năm 2010, hãng Tata đã phải nâng cấp độ an toàn miễn phí với các khách hàng mua Nano sau khi một số xe bốc cháy.
K.MINH
- Đổi rác lấy thực phẩm
Các sinh viên Trường Đại học Brunei Darussalam, Brunei, vừa có sáng kiến dùng gạo và mì phân phát cho các gia đình nghèo để đổi lấy rác thải, nhất là những thứ có thể tái chế. Cứ 1kg rác họ sẽ nhận được 1,5 kg gạo (ảnh).
Các sinh viên này thuộc nhóm “Hướng tới cộng đồng” muốn vừa giảm nghèo, vừa nâng cao ý thức bảo vệ môi trường. Chỉ trong một ngày chủ nhật 25-9, tại một ngôi làng, nhóm đã thu về hơn 1 tấn rác thải tái chế. Nhóm hy vọng sẽ sớm nhân rộng mô hình này trong cả nước Brunei.
K.MINH