Tàu vỏ thép NĐ-67 bị hư hỏng, chuyên gia Hàn Quốc vào cuộc

Các chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp tháo máy tàu vỏ thép BĐ 99245-TS của ngư dân Trần Đình Sơn bị hỏng máy chỉ sau 6 ngày hạ thủy. 

Ngày 25-5, tại Cảng Hải đoàn Biên phòng 48, đóng tại TP Quy Nhơn (Bình Định), các chuyên gia Hàn Quốc cùng đại diện nhà cung cấp máy tàu (Công ty Doosan) đã trực tiếp mổ máy con tàu vỏ thép (NĐ-67) đầu tiên để tiến hành kiểm tra thẩm định, tìm nguyên nhân khiến tàu hư hỏng.

Tàu vỏ thép NĐ-67 bị hư hỏng, chuyên gia Hàn Quốc vào cuộc ảnh 1 Các chuyên gia Hàn Quốc trực tiếp kiểm tra sự cố tàu cá vỏ thép mang số hiệu BĐ 99245 TS của ngư dân Trần Đình Sơn
Trước đó, vào ngày 25-3-2017 tàu cá BĐ 99245-TS của ngư dân Trần Đình Sơn (xã Mỹ An, huyện Phù Mỹ, Bình Định) hạ thủy và vươn khơi đánh bắt được 6 ngày thì bị hỏng máy, ông Sơn phải gọi điện cho các bạn thuyền để nhờ kéo con tàu vào bờ.

Tàu cá vỏ thép của ngư dân Trần Đình Sơn là tàu cá đầu tiên trong số 200 tàu lắp máy do Công ty  Doosan cung cấp có vấn đề về mặt động cơ.

“Khi tàu về cảng, Công ty Doosan hứa sẽ nhanh chóng khắc phục các sự cố để tàu ra biển tiếp. Tôi cùng 11 bạn thuyền đợi 25 ngày để công ty này sửa chữa. Đến ngày 28-4, tàu được sửa và chúng tôi tiếp tục ra khơi đánh bắt, nhưng đến ngày 6-5 tàu tiếp tục bị hỏng máy, lênh đênh trên biển 2 ngày mới liên hệ được tàu bạn ra lai dắt về đến cảng vào sáng ngày 8-5; mỗi tàu lai dắt tôi phải trả chi phí 60 triệu đồng (120 triệu đồng/2 tàu lai dắt)", ngư dân Trần Đình Sơn cho biết.

Ông Sơn cho biết thêm: Trong thời gian nằm bờ rất may là đã có chi phí nhà nước hỗ trợ, tuy vậy việc nằm bờ tổn thất rất lớn. Không ra được biển để đánh bắt thì lấy tiền đâu mà trả lãi cho ngân hàng.

Các chuyên gia Hàn Quốc đã xuống tận hầm máy của tàu BĐ 99245-TS tiến hành mổ máy, đo đạc thông số kỹ thuật, kiểm tra toàn bộ con tàu. Chuyên gia Hàn Quốc đưa ra nguyên nhân ban đầu, do con tàu bị hỏng trục chính và lốc máy.

Tàu vỏ thép NĐ-67 bị hư hỏng, chuyên gia Hàn Quốc vào cuộc ảnh 2 Tất cả các bộ phận, máy móc trên tàu vỏ thép được các chuyên gia Hàn Quốc tháo dỡ để thẩm định, tìm hiểu nguyên nhân hư hỏng
Ông Sơn cho biết ngoài lỗi ở máy, vỏ tàu cũng bị bung sơn, bong tróc do khi lắp ráp không thực hiện phun cát kỹ. Tuy vậy, ông Sơn khẳng định, riêng về vỏ thép đóng tàu rất tốt là thép Hàn Quốc như trong hợp đồng, nên khi vận hành cấu trúc của tàu ổn định, không bị rung lắc gì.
“Hiện tại Công ty Doosan hứa sẽ khắc phục mọi sự cố. Chúng tôi yêu cầu công ty này thay lại máy mới tất cả các con tàu để ngư dân chúng tôi yên tâm vươn khơi bám biển, chứ cứ ra biển tàu lại hỏng máy thì chỉ còn nước bỏ biển…”, ông Sơn nói.
Tàu vỏ thép NĐ-67 bị hư hỏng, chuyên gia Hàn Quốc vào cuộc ảnh 3 Ngư dân Trần Đình Sơn tham gia cùng đoàn kiểm tra kiểm tra máy tàu
Trao đổi với PV Báo SGGP, ông Bùi Thanh Hải, Giám đốc Công ty TNHH Ô tô Đông Hải, đại diện quyền phân phối máy Doosan tại Việt Nam cho biết: "Sau khi tàu cá gặp sự cố về máy, chúng tôi báo cáo với Sở NN&PTNT Bình Định và đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu phối hợp để kiểm tra toàn bộ các tàu lắp đặt máy Doosan… Chúng tôi đã mời chuyên gia Hàn Quốc đến để kiểm tra, đánh giá nguyên nhân sự cố. Nhà cung cấp và Công ty Nam Triệu đã có hỗ trợ cụ thể cho ngư dân. Chúng tôi cam kết bảo hành miễn phí hoàn toàn cho ngư dân".

Ông Hải cho biết thêm: Kết quả phải đợi các chuyên gia kiểm tra tất cả các hạng mục, từ thiết kế boong tàu, lắp đặt máy, dầu nhớt liên quan, vấn đề vận hành… "Chúng tôi sẽ họp với cơ quan hữu quan và bà con ngư dân để công bố kết quả kiểm tra. Chúng tôi cũng rất muốn có đại diện của cơ quan đăng kiểm cùng tham gia cho khách quan".

Ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cho biết: Sau sự cố một số tàu vỏ thép do đơn vị này đóng bị hỏng máy, Công ty TNHH MTV Nam Triệu đã phối hợp với đơn vị cung cấp máy tàu là Công ty TNHH Ô tô Đông Hải (Hà Nội) mời một số chuyên gia Hàn Quốc về máy tàu của công ty Doosan trực tiếp đến kiểm tra từng bộ phận của máy chính để tìm nguyên nhân.

Ngoài việc kiểm tra, khắc phục sự cố máy tàu, các chuyên gia Hàn Quốc sẽ gặp gỡ bà con ngư dân để hướng dẫn, tập huấn thêm về vận hành máy tàu để đảm bảo việc sử dụng máy bền lâu. Dự kiến, buổi gặp gỡ giữa các chuyên gia Hàn Quốc và ngư dân sẽ được tổ chức vào sáng 26-5 tại Chi cục Thủy sản Bình Định.

Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN tỉnh Bình Định cho biết cũng trong sáng nay, đoàn công tác của Tổng Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) do ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khai thác dẫn đầu cũng đã về Bình Định để kiểm tra những tàu vỏ thép đóng theo NĐ 67 bị gỉ sét, hỏng máy tại Cảng cá Đề Gi nằm trên địa bàn xã Cát Khánh (huyện Phù Cát, Bình Định).

Thời gian qua, tại Bình Định, Phú Yên và một số tỉnh, thành khác xảy ra sự việc nhiều tàu vỏ thép của ngư dân được đóng theo NĐ 67, khi hạ thủy đưa vào hoạt động thì liên tiếp gặp các sự cố về máy móc, thiết bị khiến nhiều ngư dân không thể tiếp tục bám biển; nhiều tàu cá bị hỏng máy phải nằm bờ chờ sửa khiến ngư dân hết sức hoang mang, thất vọng trong khi đó nỗi lo lãi suất ngân hàng ngày càng khiến họ lo lắng; các doanh nghiệp tại địa phương thì né bán bảo hiểm cho các chủ tàu này.

Tại Bình Định, trước đó có 10 đơn của ngư dân có tàu vỏ thép đóng theo NĐ-67 kiến nghị về việc tàu bàn giao chưa được 1 năm đã bị xuống cấp, thân tàu rỉ sét, máy hư hỏng phải nằm bờ sửa chữa. Đoàn kiểm tra sau đó đã tiến hành kiểm tra 7 tàu cá theo đơn phản ánh thì có 4 tàu của Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) bị hư hỏng vỏ thép, do phá vỡ hợp đồng đánh tráo từ thép Hàn Quốc sang thép Trung Quốc; 3 tàu do Công ty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) bị hỏng hóc, gặp sự cố ở máy; hiện còn 3 tàu cá đang đánh bắt xa bờ chưa về nên chưa thể xác định được sự cố.

Mới đây, từ những thông tin mà báo chí đã nêu, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ NN&PTNT chủ trì, kiểm tra, làm rõ các vấn đề báo chí phản ánh; kịp thời đề xuất xử lý nghiêm sai phạm. Cùng với đó, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến tàu cá vỏ thép, vỏ gỗ, vỏ vật liệu mới để đảm bảo chất lượng, an toàn cho tàu cá khi hoạt động đánh bắt thủy sản trên biển; chỉ đạo các tỉnh, thành phố ven biển trực thuộc Trung ương tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67.

Tin cùng chuyên mục