Trên địa bàn TPHCM, tình trạng một số hãng taxi thương hiệu thường xuyên đậu kín các tuyến đường trước cổng những bệnh viện lớn đã trở nên quen thuộc. Tuy nhiên, nếu để ý quan sát kỹ, chắc hẳn không ít người sẽ tự đặt câu hỏi, liệu có gì bất ổn quanh vấn đề này? Bởi rõ ràng, một hoặc hai thương hiệu taxi liên tục “ôm” bệnh viện cả ngày lẫn đêm dẫn đến tình trạng người tiêu dùng không có nhiều sự lựa chọn.
Ghi nhận tại Bệnh viện Hùng Vương (đường Hồng Bàng, quận 5), phần lớn hãng taxi đón trả khách gồm Vinasun, Mai Linh. Các chị em có con nhỏ, thai phụ hoặc thân nhân người bệnh… vừa bước ra khỏi phòng khám liền được đội ngũ tài xế của 2 hãng trên đợi sẵn, trờ tới đón lên xe. Để tạo thuận lợi một cách tối đa, bảo vệ cho phép các taxi được chạy thẳng vào trong khuôn viên bệnh viện, chứ không phải đứng đợi ngoài cổng.
Chị Nguyễn Thị Hà (ngụ tại đường Dương Thị Mười, quận 12), chăm người nhà tại Bệnh viện Hùng Vương, chia sẻ: “Tôi vừa bế cháu nhỏ bước ra khỏi sảnh bệnh viện, liền được tài xế taxi Mai Linh mở cửa sẵn, đón lên xe. Hai thương hiệu Vinasun, Mai Linh thường luân phiên nhau đón trả khách tại đây. Có hôm hãng này đứng ở cổng Hồng Bàng, hôm khác hãng còn lại đón đợi phía cổng Lý Thường Kiệt. Các thương hiệu taxi khác hầu như không thấy”.
Tương tự, dọc phía cổng trước và cổng sau Bệnh viện Nhi đồng 1 (quận 10), tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai (chạy dọc theo Bệnh viện Từ Dũ, quận 1)… là điểm đậu, chờ khách thường xuyên của 2 hãng taxi Mai Linh và Vinasun. Dù rằng, đây chỉ là các điểm được phép dừng tạm thời, nhưng không ít lần người dân vẫn thấy các tài xế để đèn xi-nhan chiếu lệ rồi xuống xe hút thuốc, còn mắt thì dáo dác canh chừng cảnh sát giao thông xử phạt. Bên cạnh đó, trên tuyến đường Lý Tự Trọng (cổng sau Bệnh viện Nhi đồng 2), cũng thường xuyên xuất hiện hàng dài taxi đậu sẵn chờ khách của Vinataxi.
Theo tài xế xe ôm Ngô Quang Hào (đón khách trên tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3), thì các hãng taxi phủ một lượng lớn xe túc trực sẵn trước cổng bệnh viện tạo ra ưu thế cạnh tranh đặc biệt. Khách hàng chỉ có thể chọn hoặc không.
Hiện nay, tại các tuyến đường “nóng” thường xảy ra tình trạng kẹt xe, lấn chiếm lòng lề đường… vẫn có lực lượng chức năng địa phương từng quận, huyện của TPHCM ra quân tuần tra, xử phạt. Nhưng việc xử lý sai phạm cũng chỉ ở mức độ hẹp, như phạt lỗi dừng đỗ sai quy định gây nguy cơ ùn tắc, mất an toàn giao thông; chiếm dụng lòng đường trái quy định… Thực tế cho thấy, việc kiểm tra, xử phạt còn khá lỏng lẻo, đôi khi mang nặng tính phong trào (ra quân vào các ngày lễ lớn, các dịp thi đua, phát động…). Riêng việc taxi có độc quyền đón trả khách lại là câu chuyện khác, dường như không thuộc thẩm quyền của địa phương.
Theo một vị cán bộ công tác lâu năm trong ngành dịch vụ vận tải hành khách trên địa bàn TPHCM, việc các “ông lớn” đi cửa sau để được ưu ái, độc quyền kinh doanh, khai thác dịch vụ ở một nơi cụ thể nào đó đã râm ran từ lâu. Nên hiển nhiên người dân không có quyền lựa chọn đi hãng taxi nào mà mình ưa thích, ngoài các hãng có xe đậu kín ở vị trí đón khách.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần kiểm tra tình trạng độc quyền khai thác này. Bởi nó vi phạm quyền được lựa chọn của người tiêu dùng và cũng để đảm bảo sự minh bạch và cạnh tranh sòng phẳng hơn trên thị trường vận tải.
THI HỒNG