Chúng ta ý thức được rằng, khi chấp nhận kinh tế thị trường, hội nhập trở thành một bộ phận kinh tế quốc tế thì phải chịu sự biến động giá cả của thị trường thế giới. Vì thế giá xăng dầu ở thị trường thế giới tăng liên tục là nỗi lo chung của người hoạch định chính sách vĩ mô, người chỉ đạo điều hành, doanh nghiệp (DN) làm ăn chân chính và từng người dân, nhất là người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, chúng ta không thể bù lỗ bao cấp cho giá xăng dầu mãi vì không đủ tiềm lực.
Nhìn lại, thời gian vừa qua Nhà nước bù lỗ giá xăng dầu thì ai được hưởng lợi nhiều hơn? Thử làm một ví dụ, người giàu đi xe hơi, đi 100 km tốn 15 lít xăng, vô hình trung được hưởng bù lỗ 67.500 đồng (15 x 4.500 đồng). Trong khi ấy người đi xe gắn máy cũng bằng ấy cây số chỉ được hưởng 13.500 đồng (3 x 3.500 đồng) bù lỗ.
Còn người đi xe đạp, người nghèo, không được bù lỗ gì cả! Các chủ DN vận tải, taxi có vài trăm xe chạy suốt ngày đêm thời gian qua đã được nhà nước bù lỗ một số tiền không nhỏ, nếu không muốn nói là khổng lồ, so với mức thuế mà các DN này phải đóng. Giờ đây đã đến lúc, tuy có hơi muộn, chính họ phải cùng Chính phủ và người tiêu dùng chia sẻ trong giai đoạn khó khăn.
Thời điểm nhạy cảm này, Chính phủ, những nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đều thống nhất rằng: phải bình ổn giá cả tiêu dùng, kiểm soát chặt chẽ tiền tệ, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế, kiên quyết không cho phép tăng giá cả không có cơ sở, các dịch vụ mang tính phục vụ công cộng, thuốc tây...
Thế nhưng, trên thực tế nhiều DN, người buôn bán lớn, nhỏ... lợi dụng tình trạng tăng giá xăng dầu để tăng giá vô tội vạ, rất bất hợp lý. Thí dụ như nhiều hãng taxi quyết định tăng 1 km thêm 2.000 đến 2.500 đồng (tăng 20% - 25%). Dẫu biết rằng, người dân đi taxi thường xuyên là đối tượng có thu nhập khá, chịu đựng nổi. Tuy nhiên nếu phân tích, tính toán kỹ sẽ thấy sự tăng giá taxi như vậy rất bất hợp lý, móc túi người tiêu dùng.
Thử làm bài toán: giá xăng dầu tăng 4.500 đồng/lít và trung bình 1 lít xăng, taxi chạy được 10 km. Nhà nước tăng 4.500 đồng/lít xăng thì 1km tiền xăng tăng 450 đồng. Cho rằng cứ 1 km chạy có khách cộng thêm 1 km chạy không khách hàng, chỉ phải trả cao lắm là 900 đồng. Như vậy, DN taxi “ẵm gọn” của khách 1.000 – 1.500 đồng đối với mỗi kilômét chạy! Làm như vậy xem như “tát nước theo mưa, mượn gió bẻ măng”.
Chúng ta đồng ý quy luật “nước lên thì thuyền lên”, bình ổn giá không chốt chặt giá cả theo những quyết định hành chính phi kinh tế, nhưng cũng không chấp nhận lợi dụng tình hình để tăng giá vô tội vạ, phi thực tế. Giá taxi tăng 10% - 12% là hợp lý. Các DN taxi làm giá như vậy coi như đi ngược lại quyền lợi của cộng đồng, không giúp Chính phủ bình ổn giá! Lúc này hơn lúc nào hết, các hiệp hội ngành nghề taxi, vận tải, sắt thép, xi măng… nên vào cuộc đồng hành với cộng đồng, với Chính phủ, quyết tâm bình ổn giá.
Diệp Văn Sơn
Các tin, bài viết khác
-
Hạn chế xe cá nhân để giảm khí thải
-
Cần thấu tình, đạt lý
-
Cần xử lý nghiêm tình trạng “xe dù, bến cóc”
-
Trồng rừng cũng bị thu hồi
-
Phố đi bộ kết hợp tổ chức lại không gian vỉa hè
-
Cần quản chặt rượu tự nấu, tự ngâm
-
Nghiêm trị thói côn đồ khi tham gia giao thông
-
Đảm bảo an toàn khi đưa đón trẻ
-
Nhan nhản nón bảo hiểm kém chất lượng
-
Không nên lạm dụng camera phone