Tây Nguyên - Đông Nam bộ: Rừng suy giảm liên tục

Mất rừng tràn lan
Tây Nguyên - Đông Nam bộ: Rừng suy giảm liên tục

“Trong 5 năm qua (2006 - 2010), diện tích rừng tại các tỉnh Tây Nguyên - Đông Nam bộ liên tục suy giảm với tổng diện tích 158.000ha, chiếm 31,6% diện tích rừng bị suy giảm trong toàn quốc”. Đó là con số báo động do Bộ NN-PTNT đưa ra tại hội nghị “Thực trạng và giải pháp chủ yếu quản lý, bảo vệ rừng tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên - Đông Nam bộ” vừa được tổ chức ở TP Buôn Ma Thuột, Đắc Lắc.

Nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên bị tàn phá.

Nhiều cánh rừng ở Tây Nguyên bị tàn phá.

Mất rừng tràn lan

Trong số diện tích rừng bị suy giảm ở khu vực Tây Nguyên - Đông Nam bộ, chủ yếu do chuyển đổi mục đích để trồng cao su. Trong 5 năm qua, khu vực này đã chuyển đổi mục đích sử dụng 95.497ha rừng, chiếm 60,1% diện tích rừng bị suy giảm.

Cùng thời gian, tình trạng khai thác rừng trái phép ở khu vực này đã làm mất 9.700ha rừng (chiếm 6,1% diện tích rừng bị suy giảm), bình quân mỗi năm mất 2.000ha. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Hà Công Tấn cho rằng: “Ở những trọng điểm phá rừng nghiêm trọng, chính quyền địa phương chưa thực hiện hết trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng, thiếu giải pháp đồng bộ và phó mặc cho kiểm lâm hoặc chủ rừng. Trong lúc đó, hầu hết các chủ rừng không đủ năng lực bảo vệ rừng, thiếu kinh phí cho hoạt động bảo vệ”.

Những năm gần đây, các tỉnh Tây Nguyên và Bình Phước cho phép khảo sát, cấp phép nhiều dự án chuyển đổi rừng làm xuất hiện tâm lý sợ hết đất trong nhân dân địa phương nên họ tổ chức đông người phá rừng. Còn nhiều chủ dự án lại thiếu năng lực tài chính, thiếu trách nhiệm bảo vệ rừng và để rừng bị phá, bị xâm canh…

Xử lý nghiêm hành vi phá rừng

Ông Nguyễn Duy Hải, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, cho rằng: “Hiện nay, việc xử lý các hành vi phá rừng của chúng ta chưa nghiêm, trong lúc lại có nhiều quy định chồng chéo, nên địa phương không biết xử lý theo hướng nào. Theo quy định, chẳng hạn việc khai thác gỗ trắc trên 5m3 mới bị xử lý hình sự, lâm tặc biết quy định đó nên cứ thế khai thác dưới 5m³ dù có bị phạt hành chính”.

Ông Hải đề nghị, khi xử lý khai thác gỗ quý trái phép phải xử lý theo Điều 189 Bộ luật Hình sự: Trị giá gỗ trên 50 triệu đồng sẽ bị xử lý hình sự. Mặc dù Tòa án tối cao cho phép xử theo cách này, nhưng hiện nay, Bộ NN-PTNT vẫn chưa đồng ý.

Còn ông Nguyễn Đức Luyện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông, góp ý: “Chúng ta cần phải tổng rà soát lại toàn bộ diện tích rừng để xác định rõ đã mất bao nhiêu và còn bao nhiêu để giữ. Bởi trên thực tế, nhiều nơi rừng không còn nữa nhưng trên giấy tờ vẫn có, làm cho địa phương khó khăn trong việc xác định diện tích rừng bị phá. Bên cạnh đó, phải đẩy nhanh việc cổ phần hóa các công ty lâm nghiệp, vì hiện nay, các công ty này không đủ năng lực bảo vệ rừng”.

Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát yêu cầu các địa phương ưu tiên và coi trọng việc bảo vệ rừng. Bộ trưởng đề nghị các địa phương chủ động rà soát lại diện tích rừng hiện có, giao trách nhiệm cho các chủ rừng bảo vệ rừng và xử lý nghiêm các hành vi phá rừng. Bên cạnh đó, bộ cũng sẽ đề nghị Chính phủ ban hành lại quy định giấy phép lập xưởng cưa có điều kiện, để quản lý việc chế biến, khai thác lâm sản.

“Đối với những xưởng cưa gần rừng, yêu cầu các địa phương phải kiên quyết di dời ra khỏi rừng”, Bộ trưởng Cao Đức Phát chỉ đạo.

"Tôi đã đọc những thông tin do Báo SGGP phản ánh tình trạng phá rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn trong thời gian gần đây. Để xảy ra phá rừng liên tục như thế, chắc chắn có phần trách nhiệm lớn của giám đốc và lãnh đạo Vườn quốc gia Yok Đôn. Bộ đang xem xét việc xử lý kỷ luật giám đốc cũng như những cán bộ có liên quan. Còn với Dự án Thủy điện 6 và 6A tại Vườn quốc gia Cát Tiên, bộ vẫn đang xem xét chứ chưa đưa ra quyết định có làm hay không. Sau khi kiểm tra và lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, bộ sẽ có kiến nghị chính thức gửi Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng Thủy điện 6 và 6A".

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát

Công Hoan

Tin cùng chuyên mục