Tây Nguyên là vùng đất có nhiều lợi thế, tiềm năng để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNCNC). Những năm gần đây, các tỉnh trong khu vực đã chú trọng kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này để cải thiện, nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhưng để đưa ngành nông nghiệp của khu vực phát triển bền vững, Tây Nguyên phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, nhất là vấn đề biến đổi khí hậu.
Sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao để cung ứng cho các siêu thị
đang là hướng phát triển của nông dân Đà Lạt. Ảnh: Đoàn Kiên
Nhiều lợi thế, lắm thách thức
Tây Nguyên được Đảng và Nhà nước ta xác định là 1 trong 6 vùng kinh tế lớn của cả nước với nhiều tiềm năng và thế mạnh để phát triển NNCNC. Toàn vùng có 2 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp (gồm 850.000ha đất trồng cây hàng năm và 1,15 triệu ha đất trồng cây lâu năm). Với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí địa lý khá thuận lợi cho phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất lớn và NNCNC nên Tây Nguyên đã trở thành vùng chuyên canh lớn cây công nghiệp của cả nước. Trong đó, có nhiều loại sản phẩm nông nghiệp đang là sản phẩm chủ lực trong xuất khẩu của nước ta như: cà phê có 576.000ha (chiếm 89,4% diện tích cả nước), hồ tiêu 53.900ha (chiếm 55,2%), cao su 258.900ha (chiếm 26,4%), điều 68.500ha (chiếm 23,5%) và chè 22.400ha (chiếm 16,6%).
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, nông nghiệp Tây Nguyên đã bước đầu phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hình thành vùng sản xuất tập trung cao với một số loại nông sản như: cà phê, hồ tiêu, cao su… có thế mạnh trên thị trường trong nước và thế giới. Nhưng ngành nông nghiệp khu vực này còn gặp nhiều vướng mắc và hạn chế. Liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp đã bước đầu hình thành đối với một số sản phẩm nhưng còn nặng tính tự phát, mới dừng ở khâu sản xuất và chế biến thô. Trong khi đó, giá trị gia tăng để lại cho Tây Nguyên trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp còn thấp và bắt đầu có xu hướng giảm. Các lợi thế về đất, rừng dù rất lớn nhưng mới tập trung khai thác ở bề rộng, chưa có chiều sâu để phát huy hiệu quả. Tây Nguyên là vùng sản xuất nông lâm nghiệp có tiềm năng lớn nhưng chỉ có khoảng 5% doanh nghiệp nơi đây thuộc khu vực nông lâm nghiệp. Các doanh nghiệp trong khu vực lại có quy mô nhỏ, ứng dụng công nghệ cao chưa nhiều và mới dừng ở mức sơ chế nên không đem lại giá trị gia tăng cao.
Yêu cầu cấp bách
Theo ông Trần Đức Thanh, Phó Vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, trong giai đoạn từ nay tới năm 2020, các tỉnh Tây Nguyên vẫn cần tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề có thế mạnh là phát triển nông lâm nghiệp, sản xuất hàng hóa lớn kết hợp với công nghiệp chế biến một số sản phẩm chủ đạo. Nhưng việc thu hút đầu tư sẽ thuận lợi hơn khi có sự liên kết giữa các tỉnh trong vùng để tận dụng các lợi thế so sánh, kết hợp và bổ trợ lẫn nhau, hình thành các khu công nghiệp có tính liên vùng. “Cùng với hiện tượng biến đổi khí hậu trên cả nước, vừa qua Tây Nguyên phải đối mặt với nhiều đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong vòng 30 năm qua và ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, yêu cầu phát triển NNCNC trên vùng đất này đang trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Điều đó không chỉ nhằm mục đích gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp mà còn để đối phó với thời tiết ngày càng diễn biến cực đoan và bất thường”, ông Thanh chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Đức Phong, Ủy viên chuyên trách Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, cho rằng, để phát triển ngành nông nghiệp Tây Nguyên đạt giá trị cao và bền vững, cần cụ thể hóa các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư tư nhân trong và ngoài nước đến từng lĩnh vực, chuyên ngành và địa phương. Xây dựng chính sách thông thoáng và ưu đãi để thu hút doanh nghiệp. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp cần có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ giữa 4 nhà (nhà nông - nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, các tỉnh trong khu vực cũng phải thực hiện tốt công tác quy hoạch, bố trí đất đai để phát triển NNCNC thu hút các đối tác chiến lược, dự án lớn. Các bộ, ngành Trung ương cũng phải hỗ trợ các tỉnh Tây Nguyên kết nối với các đối tác là nhà đầu tư cung cấp, chuyển giao công nghệ cao ở các nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Israel, Úc, Singapore, Hà Lan…
| |
CÔNG HOAN