Tây Nguyên sẽ trở thành “thủ phủ” bơ

Trái bơ có nhiều chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, được nhiều nước ưa chuộng nhập khẩu. Hiện nay, chỉ vùng đất Tây Nguyên có thổ nhưỡng phù hợp nhưng sản lượng, công nghệ sau thu hoạch vẫn chưa đạt tiêu chuẩn để hướng đến xuất khẩu bền vững. Vì vậy, chính quyền địa phương đang ứng dụng khoa học kỹ thuật để cho ra trái quanh năm và kêu gọi các doanh nghiệp tạo thành chuỗi liên kết.
Tỉnh Đắk Nông xúc tiến quảng bá hình ảnh trái bơ đến thị trường trong và ngoài nước
Tỉnh Đắk Nông xúc tiến quảng bá hình ảnh trái bơ đến thị trường trong và ngoài nước

Trồng xen canh hiệu quả cao

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Nông, tính đến tháng 5-2018, diện tích cây bơ toàn tỉnh có 2.583ha. Trong đó, cây bơ trồng xen trong các vườn cây công nghiệp dài ngày có 1.859ha. Sản lượng năm 2017 toàn tỉnh đạt 4.253 tấn quả và năm 2018 ước đạt 11.164 tấn quả. Hiện toàn tỉnh có 4 đơn vị được cấp chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 32,7ha. Qua các đợt khảo nghiệm, nhiều giống bơ cho trái quanh năm (từ tháng 1 đến tháng 11) và chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng quả tươi, thị trường trong nước chiếm khoảng 80% tổng sản lượng sản xuất. 

Còn tỉnh Đắk Lắk có 4.308ha trồng cây bơ, đạt sản lượng trung bình 174 tạ/ha. Phần lớn cây bơ được trồng xen canh trong vườn cà phê hoặc cây công nghiệp khác, còn diện tích trồng thuần không nhiều. Hiện nay, trái bơ Đắk Lắk đã có thương hiệu và xuất hiện tại các hệ thống siêu thị, kênh phân phối lớn trong cả nước cũng như xuất khẩu sang thị trường Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hà Lan, Pháp… Trái bơ đã thực hiện kiểm soát chuỗi giá trị theo mô hình sản xuất, liên kết giữa doanh nghiệp với 100 hộ trồng trên diện tích 114ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP. Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Đắk Lắk, đến năm 2020, diện tích cây bơ sẽ giảm còn 4.000ha, nhưng có 1.000ha sản xuất ứng dụng công nghệ cao; năm 2030, đạt 6.000ha trong đó 3.000ha ứng dụng công nghệ cao.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng, diện tích cây bơ toàn tỉnh có 3.773ha. Trong đó, diện tích trồng thuần 38ha (chiếm 1,01%), diện tích trồng xen 3.735ha (chiếm 98,99%). Toàn tỉnh có 35 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây bơ với năng lực sản xuất 323.500 cây giống/năm và có 25 mô hình sản xuất đạt chứng nhận VietGAP.

Theo các tỉnh trên, cây bơ trồng xen canh vừa làm cây che bóng mát vừa thu sản phẩm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Hàn Quốc là thị trường chính nhập khẩu bơ trái của Việt Nam. 

Nâng cao chất lượng

Theo Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI), bơ là loại trái cây có dưỡng chất cao, chứa 14 loại vitamin và các khoáng chất như canxi, sắt, đồng… rất tốt cho sức khỏe. Bơ không chứa cholesterol, có tác dụng ngăn ngừa việc hình thành tác nhân gây ung thư, lão hóa da và có lợi cho mắt. WASI đã bảo vệ thành công một số giống bơ đạt chuẩn quốc gia, chất lượng vượt trội, được nhân giống rộng rãi, phù hợp với những vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau. 

Theo WASI, trái bơ có rất nhiều công dụng nhưng chỉ một vài khu vực trên thế giới mới đủ điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu như Mexico, Trung Mỹ, Indonesia… và Việt Nam có vùng đất Tây Nguyên phù hợp trồng cây bơ. Đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất bơ Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu tiềm năng. Tuy nhiên, các giống bơ hiện trồng phân tán một cách tự phát, biện pháp thu hoạch chưa đảm bảo đúng kỹ thuật và độ chín, tiêu thụ chủ yếu qua thương lái nên giá thành không ổn định. Đa số các nhà máy chế biến quy mô nhỏ chưa có vùng nguyên liệu, việc liên kết giữa sản xuất, bảo quản và chế biến còn nhiều hạn chế, đổi mới công nghệ chế biến còn chậm nên xuất khẩu chưa bền vững.

Ngoài tiêu thụ bơ ở dạng tươi, các tỉnh cần tính đến các giải pháp nâng cao giá trị gia tăng, nghiên cứu ứng dụng các công nghệ tiên tiến để chế biến các sản phẩm bơ phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu như dầu bơ, các loại mỹ phẩm, bột bơ, kem bơ… nhằm đa dạng hóa sản phẩm, giảm thiểu rủi ro trong quá trình sản xuất.

Về quy hoạch, các tỉnh nên phát triển giống bơ có chất lượng cao, năng suất tốt, cho trái rải vụ, phù hợp với nhu cầu thị trường tiêu thụ. Đồng thời, khuyến khích phát triển thành vùng chuyên canh một giống bơ để sản xuất hàng hóa đủ số lượng, chất lượng cung cấp cho thị trường ổn định. Áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh hình thành các liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu. Xây dựng chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa, thương hiệu sản phẩm, nhãn mác hàng hóa đảm bảo dễ truy xuất nguồn gốc nhằm xây dựng lòng tin với người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục