Tây Nguyên: Thổ cẩm mò mẫm lối ra

Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên. Nhưng hiện nay, nhiều nơi, khung cửi bỏ chỏng chơ, người dệt vải không còn mặn mà với nghề, các hợp tác xã dệt thổ cẩm lay lắt, không tìm được lối ra.
Tây Nguyên: Thổ cẩm mò mẫm lối ra

Dệt thổ cẩm là một trong những nghề truyền thống có từ lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số các tỉnh Tây Nguyên. Nhưng hiện nay, nhiều nơi, khung cửi bỏ chỏng chơ, người dệt vải không còn mặn mà với nghề, các hợp tác xã dệt thổ cẩm lay lắt, không tìm được lối ra.

  • Đìu hiu làng nghề

Trong ngôi nhà nằm khuất sau những hàng cà phê ở làng Phung 1, xã Biển Hồ, TP Pleiku (tỉnh Gia Lai), chị Rơ Lan Pel, nghệ nhân dệt thổ cẩm, chủ nhiệm CLB dệt thổ cẩm xã Biển Hồ đang trầm ngâm sắp xếp lại khung cửi và những cuộn chỉ đủ sắc màu.

Đã quá đầu giờ chiều nhưng “xưởng dệt” của chị vắng vẻ, im lìm. Trên vách tường và kệ tủ, nơi trưng bày sản phẩm chỉ có một chiếc túi xách và tấm khăn choàng nằm lẻ loi. Như đọc được suy nghĩ trong mắt chúng tôi, chị cười ngượng nghịu: “Nhiều tháng nay không có ai đặt hàng nên mình ít ngồi vào khung cửi lắm. Thỉnh thoảng mình dệt cái túi xách, tấm khăn choàng cho đỡ nhớ nghề thôi”.

Như những cô gái Jrai khác, lên 10 tuổi, Rơ Lan Pel đã tự mình dệt được những chiếc túi xách, bộ váy áo cho mình và gia đình. Theo thời gian, những sản phẩm chị làm ra ngày càng nhiều và thêm phần sắc sảo. Rơ Lan Pel đã mang ra chợ và ký gửi cho những cửa hàng lưu niệm bán giúp để có tiền trang trải cuộc sống.

Chỉ cần 4 ngày Rơ Lan Pel có thể dệt xong một bộ váy áo, mỗi sản phẩm như vậy có giá bán từ 150.000 đồng đến 1 triệu đồng. Tuy nhiên, không phải lúc nào hàng chị làm ra cũng bán được. Hàng hóa ký gửi ở chợ và các cửa hàng lưu niệm thỉnh thoảng mới có khách hỏi mua. Còn lại chị dệt theo đặt hàng của người dân các làng thiểu số khác đến mua về mặc trong những ngày lễ hội, nhưng lượng khách này không nhiều. Vì thế, chị phải nuôi thêm con heo, con gà, trồng thêm vài sào cà phê để trang trải cho cuộc sống gia đình.

Nghề dệt thổ cẩm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên đang gặp khó khăn.

Nghề dệt thổ cẩm trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên đang gặp khó khăn.

Cũng như Rơ Lan Pel, nhiều chị em khác có nghề dệt thổ cẩm ở tỉnh Gia Lai đành tạm thời chia tay với khung cửi vì sản phẩm làm ra không thể tiêu thụ được.

Cùng số phận như dệt thổ cẩm ở Gia Lai, tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum, các nghệ nhân dệt thổ cẩm đã và đang quay lưng với chính nghề truyền thống của mình. Số người còn bám khung cửi cũng chỉ hoạt động cầm chừng.

Trên địa bàn TP Kon Tum (tỉnh Kon Tum) có 3 tổ, nhóm và hợp tác xã dệt thổ cẩm, với khoảng 200 hội viên. Mỗi tháng, các chị làm ra hàng trăm sản phẩm, nhưng số lượng sản phẩm được tiêu thụ chỉ dừng ở con số vài chục.

Chị Y Linh (dân tộc Ba Na), trú ở làng Kon H’ra Chót, phường Thống Nhất (TP Kon Tum) thở dài ngao ngán: “Không sống được với nghề đâu, mình tham gia hợp tác xã dệt thổ cẩm chủ yếu để giữ nghề truyền thống của đồng bào mình thôi”.

Cũng vì lý do đó, đến thời điểm này, nhiều hợp tác xã dệt thổ cẩm được thành lập nhiều năm trước đây ở tỉnh Đắc Lắc, giờ cũng lay lắt, eo sèo. Có nơi đóng cửa mấy năm nay như hợp tác xã dệt thổ cẩm Dăm Ye nằm ngay cửa ngõ TP Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắc Lắc); còn hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông, xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) đang hoạt động cầm chừng. Mỗi tháng, một xã viên làm được chừng 1-2 sản phẩm (khăn tay, túi xách), sau đó gom lại đem đi bán dạo, hoặc nhờ người quen tiêu thụ giúp, nhưng vẫn chẳng ăn thua gì.

Ở Lâm Đồng, nghề dệt thổ cẩm của bà con dân tộc Kho, Châu Mạ cũng có từ lâu đời. Song đến giờ, các làng cũng vắng bóng khung dệt. Thôn BNớ C, xã Lát, huyện Lạc Dương cũng nổi tiếng với nghề dệt thổ cẩm, nhưng lâu nay, các bà, các chị cũng nghỉ, có dệt cũng chỉ cầm chừng mấy thứ: túi đựng điện thoại, băng đô, vòng tay…, bán dạo cho khách ở Khu du lịch Lang Bian thôi, chứ cũng không thể sống bằng nghề này.

  • Nan giải lối ra

Trước nguy cơ mai một của nghề dệt thổ cẩm, các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều giải pháp nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển nghề dệt thổ cẩm truyền thống.

Sở Công thương tỉnh Gia Lai đã mở hàng chục lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại các địa phương trong tỉnh. Tuy nhiên, các lớp truyền dạy dệt thổ cẩm này mới dừng lại ở việc giảng dạy những kiến thức, phương pháp cơ bản để giúp chị em có thể làm ra được những sản phẩm, góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.

Còn việc duy trì, tìm hướng phát triển cho nghề dệt thổ cẩm hiện đang là vấn đề nan giải. Những sản phẩm làm ra cũng chủ yếu tiêu thụ tại chỗ hoặc ký gửi ở các nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch… (nhưng cũng chỉ ở dạng trưng bày chứ ít khi tiêu thụ được). Vì thế, chỉ một thời gian sau, nhiều chị em đành ngậm ngùi chia tay với nghề dệt thổ cẩm để quay về với… nương rẫy.

Để sống được, một số hợp tác xã thổ cẩm đã mạnh dạn xây dựng kế hoạch phục hưng nghề dệt thổ cẩm bằng cách kết hợp ngành nghề truyền thống này với hoạt động du lịch văn hóa tại địa phương.

Một xã viên của hợp tác xã dệt thổ cẩm Tơng Bông (tỉnh Đắc Lắc) kể: “Trong các đợt hội chợ hay các lễ hội du lịch, chị em mình thường tranh thủ giới thiệu sản phẩm với du khách để quảng bá và bán sản phẩm. Nhiều du khách tỏ ra thích thú thật sự, nhờ vậy một số mặt hàng chủ lực và công phu nhất như váy, khố, áo, tấm đắp… được bán với giá khá cao. Thế nhưng, cơ hội đó không nhiều, một năm thi thoảng đôi lần. Vì thế mô hình các hợp tác xã dệt thổ cẩm kết hợp với du lịch hiện nay vẫn chưa tìm được lối ra ổn định.

Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Minh Túc - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, Sở đã phối hợp với nhiều nghệ nhân dệt thổ cẩm có tay nghề cao nghiên cứu, đào tạo nâng cao tay nghề cho những người thợ để đa dạng hóa sản phẩm, nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Phòng Xúc tiến Thương mại (Sở Công thương tỉnh Gia Lai) cũng đã mang những sản phẩm thổ cẩm trưng bày tại các hội chợ trong và ngoài nước nhằm tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, việc phát triển ngành nghề truyền thống này vẫn còn ở mức độ manh mún, nhỏ lẻ, tự phát. Cho đến nay, chưa có doanh nghiệp lớn nào trong tỉnh nhận bao tiêu sản phẩm, chủ yếu người thợ phải tự mình tìm kiếm đầu ra. 

ĐỨC TRUNG

Tin cùng chuyên mục