Tết của “lưu dân” vùng biên

Những ngày cuối năm, chúng tôi dạo một chuyến dọc theo tuyến đường biên giới của tỉnh Long An (dài 137,7km) qua các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và Đức Huệ. Những ngày này, không khí đón tết của người dân nơi đây (phần nhiều là dân từ nơi khác đến) không được “xôm tụ” như ở những thị trấn, thị xã hay ở thành phố.
Tết của “lưu dân” vùng biên

Những ngày cuối năm, chúng tôi dạo một chuyến dọc theo tuyến đường biên giới của tỉnh Long An (dài 137,7km) qua các huyện Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa và Đức Huệ. Những ngày này, không khí đón tết của người dân nơi đây (phần nhiều là dân từ nơi khác đến) không được “xôm tụ” như ở những thị trấn, thị xã hay ở thành phố.

Anh Nguyễn Thanh Phương tranh thủ đóng bao, chở lúa về nhà để kịp ăn tết.

Anh Nguyễn Thanh Phương tranh thủ đóng bao, chở lúa về nhà để kịp ăn tết.

Sát tết mà người dân vẫn còn lúi húi ngoài đồng để lo cho cây lúa đông xuân: người lo bơm nước, người lo xịt thuốc trừ sâu… Còn miếng ruộng nào lúa chín sớm thì tranh thủ thu hoạch rồi cày ải, xuống giống tiếp vụ hè thu sớm để kịp làm 3 vụ, né lũ. Ruộng ở đây phần nhiều là những cánh đồng lớn, rất xa nhà dân, rồi cũng có một số chủ ruộng từ xã khác đến “xâm canh”, nên ai cũng tranh thủ làm xong chuyện đồng áng rồi mới về nhà, rửa tay mà ăn tết.

Như anh Nguyễn Thanh Phương, một nông dân ở xã Hưng Điền huyện Tân Hưng, qua xã giáp ranh Hưng Điền B xâm canh 42ha. Dù cái nắng giữa trưa ở vùng biên giới nóng như lửa đốt, nhưng anh vẫn cùng với nhóm nhân công của mình tranh thủ chuyển lúa từ ruộng xuống ghe để kịp chở về nhà. Mặt mày nhễ nhại mồ hôi nhưng anh vẫn cười tươi, cho biết: “Tuy cực nhưng sướng. Vụ đông xuân này hên nên lúa trúng, kiếm khoảng 7 - 8 tấn/ha. Tết này tui “bỏ túi” cũng được khoảng 300 tấn lúa”.

Theo tính toán của anh Phương, với giá lúa hiện nay (IR 50404 giá 4.500 đồng/kg, Jasmin 5.000 đồng/kg, nếp tươi 6.500 đồng/kg), tuy có giảm so với cùng kỳ năm rồi khoảng 1.000 đồng/kg, nhưng sau khi trừ chi phí đầu tư (khoảng 18 - 20 triệu đồng/ha), anh còn lời khoảng 1 tỷ đồng. Khi hỏi sao không để qua tết hãy thu hoạch, anh cười bảo: “Biết là tết đã sát đít, nhưng cũng phải tranh thủ thu hoạch, vì lúa chín là phải cắt, chứ để qua tết là nó chín rục, hao hụt dữ lắm”.

Không chỉ anh Phương, mà nhiều người dân chúng tôi gặp, hình như họ quan tâm đến cây lúa ngoài đồng hơn là lo chuẩn bị chuyện tết trong nhà. Có nhiều nhà, vì chuyện đồng áng tất bật nên họ cũng không chăm chút trang hoàng lại nhà cửa, thậm chí họ cũng không thèm lặt lá cây mai trước sân nhà để nó có cơ hội trổ bông đúng tết.

Như nhà anh Thành ở xã Khánh Hưng huyện Vĩnh Hưng, vì tập trung lo cho 7ha lúa ở cánh đồng mẫu lớn nên anh không thèm dòm ngó gì tới cây mai trước nhà. “Hai đứa con của tui nó còn nhỏ nên chỉ lặt lá được những nhánh nhỏ dưới thấp, nên tết này chắc có được vài bông mai dưới gốc cho vui” - anh Thành nói vui.

Hay chị Loan, nhà ở ấp Gò Vồ Nhỏ xã Bình Thạnh, huyện Mộc Hóa, đã 26 Tết rồi mà chị vẫn còn đi rải phân cho 4ha lúa. Chị bảo, ăn tết trễ hay muộn gì cũng được, chứ lúa mà rải phân trễ là không được, năng suất sẽ thấp. Chị quê gốc ở Bến Tre, lên đây lập nghiệp đã hơn 20 năm nay. Theo chị Loan, nhờ 4ha đất này mà vợ chồng chị mới có tiền lo cho hai đứa con ăn học. Chị khoe đứa con nhỏ của chị đang học cấp 2, còn đứa lớn thì đang học đại học. “Tui nói với ba tụi nhỏ, có chết ngoài đồng cũng phải ráng làm để nuôi hai đứa nhỏ đi học. Bởi hồi nhỏ cha mẹ nghèo khó nên mình bị dốt, nay phải cho con ăn học để đỡ khổ về sau”.

Có lẽ cùng có suy nghĩ như vậy, nên ở đây, phần lớn các gia đình đều chí thú làm ăn, nhất là ai cũng cố gắng lo cho con ăn học. Bởi xã Bình Thạnh vốn là nơi an cư của những lưu dân đến từ nhiều nơi. Như dân từ Bến Tre đến, Tiền Giang lên, từ Đồng Tháp, An Giang qua… Phần lớn họ là những người nghèo, không đất sản xuất. Họ về đây để cùng góp phần khai phá vùng đất hoang Đồng Tháp Mười. Nhờ vậy mà hàng trăm ngàn héc ta đất hoang nhiễm phèn nặng của vùng này được khai phá.

Từ đó, mấy chục năm qua họ cũng trở thành thổ địa ở đây. Đời sống của họ cũng ngày một khá hơn. Những căn nhà tre lá tạm bợ ngày nào giờ đã được thay thế bằng những căn nhà tường kiên cố… Điện, đường, trường, trạm, nước sạch ở đây cũng tốt hơn trước đây.

Theo ông Trương Đông Hồ, Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Điền: “Cũng như các xã biên giới khác, phần nhiều dân trong xã là người từ nơi khác đến rồi định cư ổn định ở đây. Họ rất chú trọng đến việc học hành của con cháu. Cái đáng quý nữa là dù nghèo khó hay giàu có, họ không có thói quen phô trương hay chơi sang dù là vào dịp lễ tết”.

Còn nói theo lời lão nông Ba Thành ở huyện Thạnh Hóa: “Tết thì tết, nhưng trước hết phải lo cho ruộng lúa nó ổn rồi mới an tâm ăn tết được. Bởi dân tụi tôi ở đây chủ yếu là làm lúa nên mần ăn thuận lợi, trúng mùa, trúng giá là dân tụi tui vui như tết rồi. Còn mần ăn mà lập bập, thất mùa, rớt giá thì có 8 cái tết đến cũng vui không nổi”.

Đăng Nguyên

Tin cùng chuyên mục