Tết Giáp Ngọ 2014: Hàng bình ổn phủ kín thị trường, dẫn dắt giá cả

Lượng hàng hóa bình ổn phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường và tăng bình quân 69,4% so với kế hoạch thực hiện mùa tết năm 2013 với giá bán ổn định liên tục trong 2 tháng trước và sau tết. Tết Giáp Ngọ 2014 cũng đánh dấu sự phát triển vượt bậc, sâu rộng của hệ thống phân phối hàng hóa dưới nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, góp phần tạo sự lan tỏa chung về mặt bằng giá hàng tết.

Lượng hàng hóa bình ổn phục vụ Tết Giáp Ngọ 2014 tăng từ 2 - 3 lần so với tháng thường và tăng bình quân 69,4% so với kế hoạch thực hiện mùa tết năm 2013 với giá bán ổn định liên tục trong 2 tháng trước và sau tết. Tết Giáp Ngọ 2014 cũng đánh dấu sự phát triển vượt bậc, sâu rộng của hệ thống phân phối hàng hóa dưới nhiều loại hình kinh doanh khác nhau, góp phần tạo sự lan tỏa chung về mặt bằng giá hàng tết.

Điều tiết hàng hóa, giá cả

Gặp chúng tôi tại cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Công ty Vissan, đặt tại đường Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TPHCM, chị Đoàn Thị Lê, ngụ tại quận Gò Vấp phấn khởi, cho biết: “Tất cả các nhóm hàng bình ổn thị trường đều có trong mâm cỗ ngày tết của gia đình tôi. Việc tổ chức tốt chương trình bình ổn của TPHCM thật sự góp phần nâng cao chất lượng bữa ăn cho mỗi gia đình, giúp tiết kiệm trong tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn”.

Theo chị Lê, năm nay gia đình chị không phải dự trữ quá nhiều thực phẩm trong những ngày tết vì ngay sáng mùng 2 Tết, nhiều cửa hàng, siêu thị và các chợ đã mở cửa hoạt động trở lại. Không giống như những năm trước, giá hàng hóa sau tết, nhất là nhóm hàng thực phẩm tươi sống thường có biến động do tâm lý “làm giá” của nhiều tiểu thương, nhưng Tết Nguyên đán năm 2014 tình hình đã khác. Giá bán hầu hết các mặt hàng vẫn tiếp tục ổn định, thậm chí một số mặt hàng như rau củ quả còn giảm nhẹ do mức cầu còn thấp.

Nguyên nhân chính khiến mặt bằng giá chung trên thị trường ổn định là do tất cả các nhóm hàng bình ổn đều đã được chốt giá liên tục trong 2 tháng trước và sau tết. Mặt khác, ngoài mức giá luôn thấp hơn so với giá thị trường từ 5% - 10%, Tết Nguyên đán năm 2014, các DN trong chương trình bình ổn thị trường tiếp tục liên kết để giảm giá bán sâu hơn đối với nhiều mặt hàng thực phẩm tươi sống ngay trong 2 ngày cao điểm mua sắm giáp tết là 29 và 30 Tết đã tác động mạnh mẽ, sâu rộng đối với giá bán trên thị trường, từng bước đẩy lùi tình trạng “té nước theo mưa” trong mỗi dịp tết đến tại các chợ bán lẻ. Chẳng hạn, giá bán các loại thịt heo trong chương trình bình ổn giảm 6.000 đồng/kg; đối với các loại thịt heo không nằm trong chương trình bình ổn sẽ có mức giảm giá tới 10.000 đồng/kg; các loại thịt gia cầm giảm bình quân 2.000 đồng/kg; trứng gia cầm giảm từ 1.000 - 2.000 đồng/chục…

Các mặt hàng rau củ quả, các DN như Saigon Co.op, HTX Nông nghiệp Thỏ Việt; HTX Phước An… cung ứng đầy đủ lượng rau VietGAP cho các siêu thị, cửa hàng và bán hàng lưu động với giá cả thấp hơn giá thị trường ít nhất từ 10%… Chính nhờ giá bán ổn định và luôn thấp hơn giá thị trường nên giá các mặt hàng bình ổn như trứng gia cầm, thịt heo, thịt gia cầm đã trở thành giá tham chiếu đối với đại đa số người tiêu dùng. Thực tế cũng cho thấy, nhiều người dân TP đã “nằm lòng” giá bán đối với nhiều nhóm hàng bình ổn thiết yếu.

Áp đảo thị trường

Theo nhận định của Sở Công thương TPHCM, năm 2013 là năm đầu tiên TPHCM không thực hiện việc ứng vốn ngân sách cho DN vay với lãi suất 0% để chuẩn bị hàng hóa, phục vụ tết. Nhưng với sự vào cuộc mạnh mẽ, kịp thời của 5 ngân hàng thương mại, thông qua việc cung ứng vốn với lãi suất ưu đãi (ngắn hạn 6%/năm, trung và dài hạn 10%/năm), cộng với nguồn vốn sẵn có của mình, các DN trong chương trình bình ổn đã thực hiện rất tốt công tác chuẩn bị hàng hóa, đảm bảo cung - cầu thị trường với giá bán ổn định. 

 Theo đó, tổng giá trị hàng hóa của các DN chuẩn bị cho 2 tháng trước và sau Tết Giáp Ngọ 2014 là 7.581,7 tỷ đồng, tăng 2.184,5 tỷ đồng so với Tết Quý Tỵ 2013; trong đó, tổng giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là 4.901 tỷ đồng, tăng 1.879 tỷ đồng. Nhiều mặt hàng như trứng gia cầm, thịt gia cầm, thịt gia súc, thực phẩm chế biến... đã đáp ứng đủ nhu cầu mua sắm vào cao điểm tết và có xu hướng áp đảo thị trường.

Bên cạnh nguồn hàng, năm 2013, lãnh đạo TP đã yêu cầu các DN trong chương trình tập trung phát triển nhanh và mạnh mạng lưới phân phối đến với mọi tầng lớp người dân, trong đó ưu tiên cho khu vực ngoại thành, khu chế xuất, khu công nghiệp. Tại các kênh phân phối hiện đại, hàng bình ổn cũng đã xuất hiện dày đặc trên các quầy kệ. Ngay cả siêu thị có yếu tố nước ngoài như Lotte Mart, Giant, Big C… hàng bình ổn cũng được bố trí thành những khu vực riêng, dễ nhìn, dễ thấy.

Nhìn nhận về kết quả triển khai chương trình bình ổn thị trường Tết Nguyên đán 2014, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM Lê Ngọc Đào, cho biết tết năm nay thị trường TPHCM không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến các mặt hàng thực phẩm thiết yếu do thiếu hụt nguồn cung cục bộ. Hàng bình ổn đã phủ kín hệ thống siêu thị trong khu vực nội thành nên trong những ngày cao điểm mua sắm không còn tình trạng chen lấn mua sắm quá tải như những năm trước. Qua đó, cũng phần nào chia sẻ bớt áp lực với các chợ truyền thống, giúp ổn định giá cả thị trường. Ở khu vực ngoại thành, do hệ thống siêu thị, cửa hàng phân bổ còn ít, Sở Công thương TP cũng đã chỉ đạo các DN tăng cường những chuyến bán hàng lưu động, đảm bảo hàng hóa cung ứng dồi dào đến tay người tiêu dùng với giá cả hợp lý. Thành quả này có được là nhờ các cơ quan quản lý nhà nước và DN cùng phối hợp thực hiện để phục vụ cộng đồng, xã hội, góp phần thực hiện tốt chủ trương của TP trong việc tạo điều kiện cho người dân hưởng tết “đoàn kết, phấn khởi, an toàn và tiết kiệm”.

Tính đến ngày 31-12-2013, TPHCM đã phát triển được gần 7.800 điểm bán hàng bình ổn, tăng 850 điểm so với đầu chương trình năm 2013 (tức từ ngày 1-1-2013), đồng thời tổ chức 967 chuyến bán hàng lưu động đến các vùng sâu, vùng xa của TP. Hàng bình ổn đã được phủ kín tại 24 quận, huyện của TP.

Theo kế hoạch, 1 tháng trước tết (từ ngày 1-1-2014 đến ngày 30-1-2014), các DN thực hiện 182 chuyến bán hàng lưu động nhưng trên thực tế, các DN đã thực hiện tổng cộng 199 chuyến, tăng 17 chuyến so với kế hoạch.

THÚY HẢI

Tin cùng chuyên mục