Tết nặng tình quê hương

Mỗi dịp tết đến, Tiến sĩ  Nguyễn Trí Dũng (Việt kiều Nhật) mời bạn bè, kiều bào, các bạn trẻ đến nhà, cùng nhau gói bánh chưng, xin thư pháp tiếng Việt, tham gia các trò chơi dân gian và chia sẻ các ý tưởng, khát vọng thực hiện trong năm mới. 
Tựa vào văn hóa
Tết, cũng như đa số ngày trong năm, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng dành thời gian cho bạn bè, cho những người tâm huyết với khát vọng phát triển Việt Nam, hơn là chính bản thân mình. Nhà ông - vườn Minh Trân - luôn mở cửa, chào đón mọi người đến trải nghiệm các trò chơi dân gian, nấu và ăn những món ăn dân dã. Nhiều người đã có dịp lần đầu tiên gói bánh chưng, nhảy sạp, bịt mắt đập niêu hay xin chữ, xem tranh tết… khi đến vườn Minh Trân.
Tết nặng tình quê hương ảnh 1 Kiều bào thích thú tập gói bánh chưng
Điều đặc biệt, không phải “dễ kiếm” ở TPHCM, là các hoạt động trên diễn ra trong khuôn viên văn hóa thuần Việt, yên ả như một làng quê giữa thành phố đông đúc nhất cả nước. Ngay lối vào, con đường hoa mai với hàng chục cây mai lớn căng tràn nụ, chỉ chực đợi đến thời khắc giao mùa là bung nở. Bước qua cổng tam quan, không gian văn hóa truyền thống dọc theo chiều dài đất nước qua 3 miền Bắc - Trung - Nam hiện lên, hội tụ. Những ngôi nhà 5 gian miền Bắc, nhà rường Huế cùng nhà kiến trúc truyền thống Nam bộ rêu phong đượm màu thời gian nằm dưới tán cổ thụ xanh mát, quay ra con đường hoa mai. Tiếng nhạc rộn ràng của những bài ca tết phát đi từ hệ thống âm thanh được thiết kế tinh tế vang đều khắp khu vườn. Trước sân nhà, những người con Việt Nam ở trong và ngoài nước cùng bạn bè quốc tế cùng hoan hỉ vui Tết cổ truyền. 
Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng tâm niệm “phải bám lấy văn hóa dân tộc mà tiến lên hiện đại”. Ông dẫn chứng hình ảnh Nhật Bản trong quá trình phát triển đất nước giàu mạnh, hiện đại luôn chú trọng xây dựng văn hóa, vừa hấp thụ tinh hoa của phương Tây vừa bảo tồn các giá trị truyền thống tốt đẹp. Cũng nhờ đó, Nhật Bản trong nhiều thời khắc, giai đoạn khó khăn phải đối mặt với thiên tai, địch họa đều đứng vững và vươn lên mạnh mẽ hơn. Với Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng cho rằng, cuộc hôn phối giữa văn hóa truyền thống và khoa học công nghệ hiện đại sẽ giúp phát triển bền vững đất nước mà không bị mất đi bản sắc văn hóa, không bị đứt gãy các giá trị tốt đẹp của cha ông. 
Chia sẻ khát vọng
Bao năm qua, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng - 1 trong 2 người Việt Nam vinh dự được nhận Huân chương Mặt trời mọc của Chính phủ Nhật Bản bền bỉ thắp lên “Giấc mơ Việt Nam”, giấc mơ về một đất nước Việt Nam phát triển bền vững dựa trên nền tảng văn hóa dân tộc và khoa học công nghệ hiện đại. Trong hơn 40 năm đi đi về về giữa Nhật Bản và Việt Nam, ông đã xây dựng Trường Doanh thương Trí Dũng (1988) - trường tư thục đầu tiên đào tạo về kinh tế thương mại tại Việt Nam, gầy dựng Công ty Minh Trân, góp sức trong Hội đồng tư vấn phát triển Khu Công nghệ cao TPHCM, sáng lập mạng kết nối Việt Nam - Nhật Bản (JAVINET)… 
Chú trọng gắn kết giá trị từ truyền thống đến hiện đại, Tết Nguyên đán với Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng không chỉ là dịp nối dài các giá trị văn hóa truyền thống, mà còn là dịp ông cùng bạn bè, người tâm huyết với Việt Nam ngồi lại với nhau hướng về tương lai đất nước. Nhiều ý tưởng từ Minh Trân được thăng hoa. Vào đầu xuân, các cơ quan trung ương, Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cũng thường chọn vườn ươm “Giấc mơ Việt Nam” là điểm gặp gỡ đầu năm của các kiều bào đóng góp ý tưởng, hiến kế xây dựng TPHCM, phát triển đất nước.
Cụ thể trong năm 2018, xắn tay cùng TPHCM xây dựng thành phố thông minh bằng cách quản lý thông minh, Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng chia sẻ, ông sẵn sàng hỗ trợ TPHCM “giải quyết kẹt xe bằng trí tuệ con người Việt Nam”. Cách làm của ông Nguyễn Trí Dũng là kế thừa trí tuệ nhân loại, có vận dụng hợp lý, điều chỉnh phù hợp với tình hình TPHCM. Một hệ thống thống kê, tính toán, nhận diện các loại phương tiện lưu thông cả hai chiều xuôi ngược; phân tích rõ bao nhiêu xe máy, xe hơi, xe buýt, xe biển số ngoài tỉnh; có khả năng đếm xe trong bóng tối, nhận diện người đi xe máy không đội nón bảo hiểm; phát hiện xe chết máy, tai nạn, xe ngừng di chuyển giữa đường… Hệ thống phân tích hình ảnh và tính toán ra loại xe nào, giờ phút nào xuất hiện nhiều trên đường; kẹt xe cấp độ nào; khuynh hướng lưu thông ngày mưa, ngày lễ, ban đêm, ban ngày… ra sao. Từ đó, điều chỉnh lưu lượng xe đi lại “bằng thông tin, không phải lúc nào cũng tốn nhiều tiền để giải quyết vấn đề”.
Tiến sĩ Nguyễn Trí Dũng chia sẻ: “Giấc mơ Việt Nam sẽ thành sự thật, nếu mỗi người trong chúng ta đều xác định được trách nhiệm của mình, luôn cố gắng mày mò, suy nghĩ, góp sức làm tốt từ những việc làm nhỏ bé nhất nhưng có ý nghĩa để xây dựng một nước Việt Nam phát triển bền vững, đàng hoàng, như mong muốn của cha anh đi trước”  

Tin cùng chuyên mục