Đêm giao thừa 29 Tết Quý Tỵ, qua sóng điện thoại, thiếu tá Lê Xuân Nam từ nhà giàn gọi về, giọng anh lúc to lúc nhỏ, chập chờn như sóng biển: “Cho anh gửi lời chúc tết tốt đẹp nhất đến những người bạn từ đất liền”. Chúng tôi hỏi ngay: “Thế anh đã gọi cho chị Thu và các cháu chưa?”. “Anh gọi rồi, chị động viên, các con kêu nhớ bố. Nhà cũng quen ăn tết thiếu anh, chắc không sao…”. Anh Nam là một trong những người con đất Việt khác ăn tết xa đất liền - ở nhà giàn DK1, Trường Sa hay nơi những con tàu trực chiến. Với họ, tết cũng như ngày thường, chỉ có nhiệm vụ với Tổ quốc là thiêng liêng nhất…
1. Những ngày cận tết, vắng chồng nhưng căn nhà nhỏ của vợ chồng anh Nam - chị Thu ở TP Vũng Tàu vẫn tinh tươm. Chị Lương Thị Thu, giáo viên Trường THCS Phước Thắng, TP Vũng Tàu cố gắng dành những ngày nghỉ trước tết để thu vén việc gia đình: “Anh đi biển được hơn 20 ngày rồi. Anh mới về 2 tháng nhưng cũng ở đơn vị suốt, chẳng mấy khi ở nhà. 17 năm lấy nhau, anh đón tết ở nhà đâu được 3 lần”.
Dẫu thời gian vợ chồng bên nhau ít ỏi như vậy, chị Thu vẫn thấy mình hạnh phúc hơn rất nhiều những người vợ lính khác, bởi dù sao chị vẫn còn được ở trong Nam, gần nơi chồng công tác, có thể liên lạc thường xuyên. “Mỗi lần xem lại những lá thư ngày trước chồng gửi hoặc xem báo đài, tôi lại cảm thông với những người vợ lính khác đang ở ngoài Bắc có chồng công tác DK nhưng vì điều kiện chưa cho phép nên không thể theo chồng. Khi rảnh, tôi lại viết thư, gọi điện thoại tâm sự, động viên các chị cố gắng. Mỗi dịp tết đến, chồng đi biển xa, nếu nhận được lá thư, cánh thiệp của mọi người hỏi thăm, các chị sẽ cảm thấy được an ủi”, chị Thu tâm sự.
Chị lại kể, mấy cô trẻ tuổi trong xóm, cũng có chồng đi DK, mấy ngày này hay đến nhà chị chơi, nhỏ to tâm sự. Nhiều cô mới lấy chồng được vài tháng đã chịu cảnh xa nhau nên tủi thân, khóc suốt. Chị cười: “Đã trải qua cảnh ấy rồi, hơn ai hết, tôi hiểu và thông cảm với chị em, nhưng đã là vợ lính, phải chấp nhận khó khăn. Chẳng lẽ mỗi lần chồng gọi về, cứ khóc lóc thương thương nhớ nhớ, làm rối lòng anh em ngoài ấy. Tôi nói gọn: Nếu chị mà giống các em, sao sống nổi đến giờ để chăm con khôn lớn… Không biết từ lúc nào, tôi thành người chị của chị em quanh đây. Chuyện gì, họ cũng kể để được chia sẻ, động viên. Tôi nhớ lúc mới lấy anh, lần đầu nhận được thư từ DK, tôi không ăn nổi cơm, chỉ mở thư, đọc suốt. Rồi mọi chuyện cũng qua, tôi quen với những lần anh vắng nhà, quen với cảnh thay chồng, làm cha trong gia đình…”.
2. Ngày còn nhỏ, chị Thu đã ước được làm vợ lính. Rồi chị gặp và quen anh khi còn trên ghế trường đại học. “Những năm 1990, cuộc sống khó khăn lắm. Anh vào Nam nhận nhiệm vụ, tôi ở Thanh Hóa học nốt. Những ngày 22-12, tôi lại tỉ mẩn làm thiệp chúc mừng gửi anh, tôi cắt bông hồng, nón cối bộ đội rồi dán vào bìa làm thiệp. Tình yêu đẹp đến mức, tôi quên bẵng đi chuyện hai đứa yêu nhau bốn năm mà gặp nhau được chừng hai tháng. Mẹ tôi vẫn nói: Con liệu có chịu nổi xa cách không mà quyết tâm yêu tới cùng lính hải quân? Tôi chỉ cười, không khóc, vẫn nhủ mình sẽ làm được, làm tốt”, chị Thu nhớ lại.
Chị tốt nghiệp, theo chồng vào Vũng Tàu làm cô giáo. Anh vẫn đi biển biền biệt. Chị cũng chỉ biết mang máng là chồng đi công tác ngoài biển chứ không rõ nơi anh đến trông như thế nào. Chị kể: “Mãi đến khi lấy chồng được 4, 5 năm, khi phương tiện truyền thông bắt đầu viết về nhà giàn, về bộ đội hải quân đóng ở đây, tôi mới hiểu hết cuộc sống của anh và đồng đội. Tôi khóc cả đêm và những ngày sau đó. Tôi thấy mình thật nhỏ bé trước những vất vả nơi đầu sóng ấy. Tôi cố gắng thành điểm tựa của anh ở đất liền”.
Lần lượt hai đứa con của anh chị ra đời, kháu khỉnh, khỏe mạnh và chung một đặc điểm: Khi chúng lọt lòng, không có bố ở bên. Cô con gái đầu, chị có bầu được 2 tháng, anh đã lên đường. Mãi đến khi cháu được 6 tháng tuổi, anh mới được nhìn thấy mặt con. Những năm sau đó, anh trở thành người lạ trong mắt con bé. Có lần anh về, mẹ Thu bảo cô bé vào đánh thức bố dậy ăn cơm. Cô bé vào rồi ra nói: Con chả thấy bố nào cả, chỉ thấy mỗi chú bộ đội nằm kia. Chị lại cười: “Lần đầu gặp con còn đỏ hỏn, anh lúng túng bế con rồi đỏ mặt xưng hô cậu tớ với con, anh chưa quen và lạ lẫm - Cho tớ bế tí nào, cậu tè lên tớ rồi này - Ở nhà một, hai tháng, anh mới quen hơi con, quen rồi cũng là lúc anh đi biển…”.
3. Nhắc đến người vợ tần tảo thay mình quán xuyến mọi việc, anh Nam cũng dành những lời biết ơn trìu mến. Anh bộc bạch: “Vợ anh là người vợ hiền, chung thủy, đảm đang việc trong nhà và việc xã hội để anh yên tâm công tác ngoài khơi. Những năm phải đón tết ngoài biển, anh nhớ và rất thương vợ con; đặc biệt là vào lúc giao thừa - thời điểm lẽ ra cả gia đình sum họp thì mình lại không ở nhà, đó là thiệt thòi lớn của vợ con”.
…Qua điện thoại, giọng anh lại run run: “Năm nay anh cũng không thể đón tết cùng gia đình. Vợ con thấy thiếu thốn tình cảm nhưng không đòi hỏi anh phải ở nhà. Cứ đến tết là Thu lại phải một mình mua sắm, chuẩn bị mọi thứ. Anh vừa gọi điện thoại về chúc tết vợ con, Thu lại động viên ngược ra ngoài này, gửi lời hỏi thăm đồng đội anh ở nhà giàn”. Mùng 2 Tết, như mọi năm, chị lại gọi điện thoại cho anh, hát cho anh nghe những bài hát quê hương. Chị chuyển máy cho học trò mình đến nhà chúc tết, hát cho các chú bộ đội đang làm nhiệm vụ ngoài khơi xa, vững tâm, bền chí với nhiệm vụ mà Tổ quốc đã giao phó. Căn nhà nhỏ ấm cúng sẽ đợi anh về, dù tết này cũng như những tết khác - vắng anh…
| |
A.CHÂN – H.HẢI