Tết ở biển

Hơn 1 thập niên trở lại đây, ngư dân tỉnh Bình Định nổi danh cả nước với đội tàu cá xa bờ đánh bắt hiệu quả, có mặt thường trực trên các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa. Và mỗi dịp tết đến xuân về, ngư dân cùng đội tàu cá lại vươn khơi với mong muốn mang “lộc biển” về đất liền.
Đoàn tàu cá của Bình Định vươn khơi đón lộc biển đầu năm. Ảnh: NGUYỄN DŨNG
Đoàn tàu cá của Bình Định vươn khơi đón lộc biển đầu năm. Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Tìm “lộc biển”

Tại các cửa biển Quy Nhơn, Đề Gi, Tam Quan Bắc… (Bình Định), ngư dân rộn rã chuẩn bị nhu yếu phẩm, bánh chưng, hoa quả, nhang đèn, bia, rau củ tươi… để vươn khơi “ăn tết”. Buổi sáng tinh mơ, những con tàu ở cảng Tam Quan Bắc tiến ra Biển Đông. Cánh thợ câu cá ngừ đại dương ra khơi săn “lộc biển” đầu năm. Vài năm trở lại đây, nghề câu cá ngừ đại dương đã giúp ngư dân Tam Quan Bắc và thị xã Hoài Nhơn phát triển rất nhanh. Những làng chài lụp xụp bên cửa biển xưa nay đã khoác lên mình tấm áo đô thị mới sung túc.

Đang khuân vác đá lạnh lên tàu, anh Nguyễn Văn Trầm (29 tuổi, ở xã Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn) phấn khởi nói: “Tàu tôi đang chuẩn bị vươn khơi câu cá ngừ và đón tết luôn trên biển. Cuối năm, giá cá ngừ đại dương đang tăng, hy vọng ra khơi đầu năm sẽ trúng đàn cá lớn”. Trầm kể, năm 17 tuổi anh đã theo những thợ câu cá ngừ đại dương vươn khơi xa đánh bắt. Nay sẽ là cái tết thứ 8 của anh trên biển cùng với 5 bạn tàu khác. “Những ngày tết biển thường vắng, đàn cá ngừ xuất hiện nhiều nên ra biển dịp này tranh thủ đánh bắt, tăng thu nhập cho bạn tàu”, Trầm bộc bạch.

Ngược vào cảng cá Quy Nhơn, hàng chục tàu cá cũng tất tả chuẩn bị cho chuyến đánh bắt dịp tết. Tàu BĐ 95957 TS của anh Nguyễn Hùng (39 tuổi, xã Hoài Hải, thị xã Hoài Nhơn) chất đầy rau củ quả tươi, hoa cúc, bánh tét, kẹo, bia… Có 5 bạn tàu trẻ phụ anh Hùng chuyển nhu yếu phẩm vào khoang tàu để chuẩn bị xuất cảng. “Tàu chúng tôi sẽ xuất bến buổi tối, vượt sóng ra đảo Trường Sa trong khoảng 5 đêm, 4 ngày thì đến vùng đánh bắt quanh khu vực đảo Trường Sa, đến giao thừa sẽ neo lại gần đảo để cúng giao thừa, đón tết. Hiện, giá cá ngừ đại dương đang tăng cao, khoảng 100.000-130.000 đồng/kg, nên các tàu câu loại cá này đều hăng hái ra khơi vụ tết. Kỳ vọng chuyến biển tết này thuận buồm xuôi gió, đầu năm đón trúng lộc biển, hứng đàn cá lớn…”, Hùng tự tin.

Ở cửa biển Đề Gi (huyện Phù Cát, Bình Định), anh Nông Thành Điền, chủ tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 (số hiệu BĐ 99478 TS, công suất 829CV), đang cùng 14 ngư dân sẵn sàng xuất bến. Khởi đầu cơ hàn, nhờ ý chí kiên cường, anh Điền đã gầy dựng cơ nghiệp hàng tỷ đồng, trở thành tỷ phú bậc nhất xứ biển. Anh Điền tâm sự: “Năm nào cũng thế, cứ đến tết là tôi rong tàu ra khơi cúng giao thừa, đón lộc đầu năm giữa biển. Đầu năm đánh bắt càng nhiều cá, cả năm đều hanh thông, thuận buồm xuôi gió. Ngoài cầu may, đón lộc, việc cúng giao thừa trên biển cũng là nghi thức để chúng tôi tạ ơn biển cả một năm cho những con tàu đầy ắp cá tôm”.

Giao thừa trên đỉnh sóng

Mỗi năm, có khoảng 1.500 tàu cá với 10.000-13.000 ngư dân Bình Định thường trực trên các vùng biển Trường Sa, Nhà giàn DK1, Hoàng Sa vừa đón tết, vừa đánh bắt. Bình Định là tỉnh có số lượng tàu cá vươn khơi đánh bắt xuyên tết dẫn đầu cả nước trong nhiều năm gần đây. Phần lớn đội tàu cá Bình Định hành nghề câu cá ngừ đại dương, lưới rút, lưới vây, câu mực. Các tàu cá đi theo từng tổ đội, khi ra khơi thì phân ra thành nhiều vùng đánh bắt. Đa số các tàu đều có thiết bị định vị vệ tinh và sử dụng công nghệ dò tìm, nhận dạng quy mô của đàn cá. Khi tìm thấy đàn cá lớn, tàu đó sẽ liên hệ với các tàu khác cùng tổ để chia sẻ “lộc biển”.

Chủ tàu Nông Thành Điền cho biết, chuyến biển tết thường kéo dài từ 20 tháng Chạp đến giữa đầu tháng Giêng năm sau. Đầu năm, cá vào cảng bờ tươi rói, được thương lái mua cao giá nên các tàu đều trúng lớn. Thường thì đêm giao thừa, các đội tàu đánh cá Bình Định sẽ liên hệ với nhau trước rồi cùng di chuyển đến một tọa độ để cùng nhau đón giờ khắc của năm mới. Giữa đêm đen mịt của biển, đoàn tàu cá tấp lại gần nhau đồng loạt bật bóng đèn đánh cá làm bừng sáng vùng biển rộng.

Anh Nguyễn Văn Trầm kể thêm: “Đón giao thừa trên sóng cũng vui lắm! Anh em ngồi lại tụ họp rồi mở bia, cắt bánh ăn tết, trò chuyện. Lúc này, những người lớn tuổi nghề hơn sẽ ôn lại một năm đánh bắt, chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, phát triển tay nghề cho người trẻ. Mọi người đều quan niệm, tàu là nhà, biển cả là quê hương thứ 2 của ngư dân nên cả đời phải luôn bảo vệ, canh giữ...”.

Để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển ngày tết, hàng năm, ngành thủy sản Bình Định duy trì các đơn vị, cảng cá trực 24/24 trong tết để kịp thời hỗ trợ, động viên ngư dân vươn khơi bám biển. Ngoài ra, các thủ tục xuất bến, lý trình, vị trí đánh bắt ngư dân trên biển đều được ngành chức trách theo dõi liên tục, nhằm thực hiện nghiêm theo các quy định chống đánh bắt IUU của Ủy ban châu Âu…

TS Trần Văn Vinh (đang công tác trong ngành thủy sản Bình Định, người có nhiều nghiên cứu về văn hóa làng biển miền Trung) nhìn nhận, việc đón tết trên biển của ngư dân Bình Định kéo dài trong hơn một thập niên qua, là một nghi thức nhiều ý nghĩa. Thực ra, xuất phát từ thực tế lao động đánh bắt trên biển mà các ngư dân chọn việc vươn khơi ngày tết. Họ tranh thủ lúc ngư dân cả nước nghỉ biển ăn tết để ra khơi đánh bắt thì gặp nhiều đàn cá hơn. Ngoài ra, việc vươn khơi những ngày giáp tết kéo dài sang những lễ hội ra khơi, mở biển đầu năm càng góp phần tô vẽ cho những nét đẹp văn hóa làng biển của ngư dân miền Trung.

Tin cùng chuyên mục