Tết ở cù lao Ông Hổ

Dù ai đi ngược bốn bề/Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang. Mùng 2 Tết, chiếc phà tách bến Ô Môi hướng về cù lao Ông Hổ vẫn nặng người và xe.
Tết ở cù lao Ông Hổ

Dù ai đi ngược bốn bề/Chưa đến Ông Hổ chưa về An Giang. Mùng 2 Tết, chiếc phà tách bến Ô Môi hướng về cù lao Ông Hổ vẫn nặng người và xe.

  • Vùng đất nặng nghĩa tình

“Con tên Chân, 23 tuổi, làm công nhân xí nghiệp giấy trên TPHCM hôm nay mới về nhà. Nôn nao lắm”, anh thanh niên mặt mũi sáng láng cười hiền lành. Chuyến phà còn có người Cần Thơ, Sóc Trăng, Đồng Tháp và cả người Hà Nội.

Khu lưu niệm Bác Tôn ở cù lao Ông Hổ (An Giang) nhộn nhịp suốt mấy ngày tết. Trong khuôn viên còn mở Hội báo Xuân Quý Tỵ 2013, quy tụ trên 300 ấn phẩm sách, báo, tạp chí xuân từ Trung ương đến địa phương; có hội hoa kiểng đủ sắc màu… Không ồn ào sôi động như đất liền, nhưng xuân về vẫn rộn ràng lân múa; đường xi măng quanh co khắp cù lao, rợp cờ đỏ Tổ quốc, cờ vuông lễ hội; mai vàng nở rực trước sân nhà... Mới hơn 6 giờ chiều, cù lao đã trở lạnh. Bên mâm rượu trong căn nhà cổ trên 100 năm của anh Tôn Thất Đính, cháu con tụ về chúc tết, bạn bè hàng xóm cụng ly rôm rả. “Tết nông thôn Nam bộ phong lưu, đầm ấm quá”, vị khách người Hà Nội nhận xét.

Hội báo xuân Quý Tỵ trong Khu lưu niệm Bác Tôn.

Hội báo xuân Quý Tỵ trong Khu lưu niệm Bác Tôn.

Nhà ông Út Quới (Hồ Phú Quới) ở ấp Mỹ An 2, hỏi ai cũng biết. Đã 89 tuổi, ông vẫn nhớ mọi chuyện xa xưa và cũng là một trong những thầy đồ viết chữ Hán hiếm hoi còn lại trên cả đồng bằng này. Đã hơn 40 năm, cứ mỗi độ xuân về, ông lại sang chợ Mỹ Long, bên kia sông viết chữ. Tết này, chỉ từ 21 đến 29 tháng chạp, mỗi ngày “thả chữ” ông có nguồn thu trên 1 triệu đồng. “Viết là cái duyên với người đối diện, cái tâm của mình, đừng nặng bán chữ. Năm nay ngoài chữ Lộc, chữ Phát, người ta xin chữ Bình cũng nhiều; bình an, bình gia mới bình thiên hạ, phát tài phát lộc được, nhất là lúc kinh tế gặp khó như năm qua”, ông Út Quới cười hỉ hả.

Cù lao Ông Hổ có từ bao giờ, chẳng ai nhớ nổi, nhưng chắc chắn chỗ xoáy nước cuộn chảy mênh mang này, người ta sống với nhau và với thiên nhiên nghĩa tình lắm. Mỹ Hòa Hưng là ghép tên 3 xã quanh cù lao, mãi sau này mới có, ông Út Quới lại kể con cháu nghe xuất xứ cái tên cù lao Ông Hổ do đâu. Ngày xưa có hai vợ chồng ông lão nông dân vớt một con hổ con vừa đói vừa rét đem về nhà nuôi dưỡng. Khi ông bà qua đời, hổ cũng bỏ vào rừng. Hàng năm, tới ngày giỗ ông bà, hổ đều mang về một con heo rừng đặt bên mộ rồi đi. Tết Quý Tỵ, ông Hổ phủ phục, khoác áo đỏ mới, ánh mắt xa xăm như vẫn cố kiếm tìm ân nhân. Những hàng tre xanh ngắt giao nhau tình tứ, những bóng sao cao vòi vọi của đất cù lao đã ôm trọn, giữ gìn những nghĩa tình sâu đậm đó, qua nhiều thế hệ rồi.

Thuở trước, Bác Tôn sớm rời xa bến đò Ô Môi, sang tận biển Hắc Hải cũng bởi cái nghĩa lớn với dân với nước. Để bây giờ ở bến sông hoa ô môi không tan tác rụng đầy mà chúm chím nở hồng trong gió chướng. Để hôm nay cháu con tự hào “Tựa lưng Bảy Núi, uống nước Cửu Long, Mỹ Hòa Hưng ngời danh xứ sở”.

  • Sắc mới Mỹ Hòa Hưng

Trụ sở UBND xã Mỹ Hòa Hưng ngày tết vẫn tấp nập. Gốc mai ở phòng khách sum sê lá vàng. Cầm ly rượu đầu năm mời khách, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa Hưng Trương Công Tươi hồ hởi: Năm 2012 xã đạt 7/7 chỉ tiêu nghị quyết trên giao. Thành lập thêm hợp tác xã rau an toàn ở ấp Mỹ An 2 gồm 17 hội viên, diện tích 5ha; mới 7 tháng đã đạt lợi nhuận trên 700 triệu đồng. Hoàn thành 7 công trình với tổng vốn 17 tỷ đồng (nâng cấp chợ Trà Mơn, Trường Tiểu học Nguyễn Trung Trực, cầu Đầu lộ…). Giảm 21 hộ nghèo, toàn xã chỉ còn 2,48% hộ nghèo. Hệ thống giáo dục có đủ từ mẫu giáo đến tiểu học, THCS, THPT. Khu lưu niệm Bác Tôn trở thành khu di tích cấp quốc gia đặc biệt và được mở rộng thêm 15ha với nhiều công trình văn hóa mới…

Nước mắm cá linh do gia đình nông dân Tôn Thất Đính tự chế biến có hậu ngọt, mùi thơm rất lạ. Ông có 2 khu vườn tổng cộng trên 1,5ha chuyên trồng xoài và chăn nuôi heo theo phương pháp an toàn sinh học, đạt doanh thu trên 500 triệu đồng/năm. Ông cũng là một trong 5 hộ homstay (du lịch tại nhà) của Mỹ Hòa Hưng thuộc Dự án Du lịch nông nghiệp, góp phần “thu hút hơn 590 khách nước ngoài lưu trú qua đêm trong năm 2012, tại các điểm triển khai dự án của tỉnh” như Giám đốc Trung tâm du lịch thuộc Hội Nông dân An Giang Nguyễn Thanh Tùng tâm sự.

Từ mấy năm nay, chuyện nông dân Mỹ Hòa Hưng thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm không còn lạ. Có mô hình sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi gia súc gia cầm, thủy sản… áp dụng công nghệ mới, hiệu quả, đạt doanh thu mỗi năm trên 4 tỷ đồng như hộ ông Nguyễn Văn Tính (ấp Mỹ Hiệp), Bùi Công Tâm (ấp Mỹ Thuận), Huỳnh Văn Bông (ấp Mỹ Long 2), Nguyễn Văn Thuấn (ấp Mỹ An 1)…

Sự phát triển kinh tế của các hộ gia đình đã giúp cù lao thay đổi toàn diện. Hết năm 2012, Mỹ Hòa Hưng đã hoàn thành 10/20 tiêu chí, 42/59 chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới. Năm 2013, phấn đấu thực hiện hoàn chỉnh 2 tiêu chí và 3 chỉ tiêu nữa. Có thêm hai vị khách mới đến. “Anh Tư Khởi và chú Năm phụ trách tổ cất nhà của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo trong xã. Từ khi thành lập (2003) đến nay đã cất trên hơn 300 căn nhà, làm đường, cầu…”, Chủ tịch xã Trương Công Tươi giới thiệu. Chú Năm tóc búi tó, bận áo bà ba xanh đã 85 tuổi trông vẫn quắc thước, phong độ ngửa cổ uống trọn ly rượu mừng năm mới.

Sương chưa tan, bên kia con rạch, những đốm nhang cháy đỏ trước mũi ghe với mong ước một năm mới hòa thuận sông nước, đề huề cá tôm. Nét đẹp phong tục, cội nguồn vẫn quấn chặt cù lao này dù nơi đây có đủ đầy. 

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục