Cô Ba lựa vài bộ đồ còn tươm tất gấp bỏ vô túi du lịch sờn còn một quai. Mờ đất, cô xách túi cắp mũ bảo hiểm đi bộ ra đường cái quá giang xuống huyện bắt xe chợ ra quốc lộ.
Xe thồ sắp hàng đón khách ở ngã ba. Xe mới, cũ, ghế ngồi, tầng, giường nằm vào ra hối hả. Xe ra ghế xúp ken dày lối đi, xe vào chỉ lưa thưa vài khách. Tết nhứt, trừ những tay buôn đường dài, ai vào thành phố làm gì. Đứng ở mé lộ, mấy chiếc xe mới chạy qua êm ru, cô giơ tay tính vẫy nhưng lại thôi. Xe sang giá sẽ cao, chi bằng chọn xe cũ. Mặt trời đã lên quá ngọn tre, một chiếc đầy khói bụi chạy tới. Lơ đứng ở bậu cửa, một tay bu thành xe, chồm người ra ngoài:
– Bà dì đi đâu? Bữa nay vô rẻ rề, nằm cả băng ghế đầu giá chưa bằng một phần mười về ngồi ghế xúp!
Cô lon xon chạy theo xe đang nổ máy xình xịch. Anh lơ cầm tay kéo lên, chỉ vào hàng ghế thứ hai:
– Bà dì đi đâu?
– Sài Gòn.
– Bốn trăm!
– Đi vô sao mắc vậy?
– Bao cơm. Vé về nay triệu mấy! Bà dì vô ăn tết với con hả?
Anh lơ tâm lý thật, kỳ kèo bao nhiêu không bằng hỏi có một câu. Cô Ba gật đầu. Phải chi được vào ăn tết với con như lời anh lơ. Ngày này con cô cũng trên đường về quê. Phải chi chú Bảy nói sớm, cô vô trước vài ngày. Cô không thể chờ, chú Bảy sẽ trễ chuyến bay. Chú nói năm nay vé tăng dữ, về quê một chuyến bằng cô làm cả đời. Con cô cũng không thể đổi lại tấm vé tàu lửa quý giá phải sắp hàng mấy ngày mua từ hơn hai tháng trước.
Ngồi sát vách, vén tấm màn cửa sổ dòm ra. Xe ngược chiều lao vun vút. Sơn ngồi ở xe nào, có gần cửa sổ phía bên này không? Lắm lúc qua khúc cua gấp, xe chao nghiêng. Cô chới với, hai tay vịn vào thành ghế cứng ngắt vẫn xây xẩm mặt mày. Tài xế chạy nhanh để kịp chuyến về sớm mai.
Năm hết tết đến, kiếm được đồng nào hay đồng đó cô mới đi thế này. Cả năm làm ruộng, trừ phân giống thuốc men chẳng còn mấy hột. Được mùa lúa rẻ như cho, hạn hán lũ lụt mất mùa mua gạo lại với giá trên trời. Thời tiết thay đổi, mọi năm tháng mười trời lụt ròng. Năm nay giữa mùa đông lại nắng chang chang. Mấy vườn cau hai bên đường trĩu trái, lá cau xanh ngắt. Được mùa cau đau mùa lúa.
Cô chống cằm. Khi nào xe dừng ăn cơm, biết đâu run rủi hai mẹ con ghé cùng quán. Nhưng không, xe chạy một mạch. Không có hành khách ghé quán ăn làm chi. Anh lơ nhảy xuống mua cơm hộp dọc đường.
* * *
Nhà chú Bảy sẵn sàng va li, túi xách lỉnh kỉnh. Hai đứa nhỏ chơi zozo trước thềm. Vợ chồng chú ngồi rung đùi trên bộ salon. Chú dặn dò, giao cô chùm chìa khóa.
Tưởng ba lì xì, hai đứa nhỏ vứt zozo chạy lại xòe tay. Cô cười, con nít vô tư, thật dễ thương. Cô thò tay vô túi áo. May quá. Qua tiệm tạp hóa mua hai chiếc bao lì xì đỏ, vuốt mấy đồng bạc cho thẳng thớm, gấp miệng lại cẩn thận. Con nít sẽ thích màu đỏ:
– Cô lì xì cho hai con.
Không cảm ơn, hai đứa nhỏ giật lấy, xé toạc, trề môi:
– Lì xì có chừng này thôi á? Ứ thèm!
Thằng lớn vứt xuống đất. Thằng nhỏ làm theo.
– Cô mua zozo xịn cho con đi!
– Để rồi cô sẽ mua…
Cô Ba dỗ dành. Giá như cô có nhiều hơn. Chú Bảy từ trong nhà bước ra trợn mắt:
– Đứng dậy không ăn roi bây giờ!
Hai đứa phụng phịu đứng dậy. Taxi cũng đã tới. Hai đứa nhỏ trèo lên xe quên cả zozo.
* * *
Căn nhà thênh thang vắng ngắt. Đồ chơi vương vãi khắp nền. Chén đũa la liệt bàn ăn, bồn rửa. Hải sản thừa tanh nồng. Dọn dẹp, cô hắt hơi liên tục.
Điện thoại bàn đổ chuông. Chú Bảy dặn dò thêm chi đây. Lau vội bàn tay vào áo, cô lật đật lên lầu nhấc máy. Không phải chú Bảy. Cô áp máy sát tai.
– Tết nhứt sao má lại đi?
Cô bặm môi, bịt ống nói và đưa ra xa không để tiếng sụt sùi lọt vào máy. Cô hít một hơi thật sâu rồi chậm rãi:
– Chú Bảy có việc gấp nhờ má trông nhà giùm. Vài bữa nữa má sẽ về. Giao thừa, lên nêu nhớ thắp hương trên bàn thờ ông bà nghe con…
Tiếng chuông bính boong.
– Có khách bên dưới gọi. Má đi mở cửa cho khách đây!
Cô Ba cúp vội máy. Đồng hồ treo tường còn đổ bính boong thêm mấy hồi dài mới tắt hẳn.
Công việc chỉ lặt vặt, lau sàn 3 tầng lầu, cửa sổ; quét mạng nhện bụi bặm, tưới nước mấy chậu mai đào ở tầng trệt và sân thượng. Mùng một làm thịt con gà trống đã nhốt sẵn, luộc đặt lên đĩa cúng đúng vào giờ Thìn. Sáng sáng mở cửa, chiều tối đóng lại khóa cửa kiếng, cửa kéo và cổng bằng 6 ổ khóa chủ.
Ngày đầu chưa quen cứ tra lộn chìa, cô phải làm dấu bằng mấy cọng vải xanh đỏ tím vàng. Mở cửa là mở vậy thôi chứ có khách nào đến thăm chơi hay chúc tết đâu. Xung quanh cửa kéo, cửa cuốn kín mít, đường phố vắng hoe. Nhà lạ khó ngủ. Có tuổi khó ngủ hay nhớ nhà nhớ con. Tỉnh giấc, cô luôn rảo 3 tầng, kiểm tra khóa cửa một lượt. Ổ khóa chỉ khóa với người ngay không thể khóa với kẻ gian.
* * *
Hoa mai rụng vàng cả nền gạch bông. Chú Bảy ngắt lá sớm hay hoa dỏm có tiêm thuốc kích thích. Chú dặn hết ba ngày tết mới được quét nhà, kể cả xác hoa mai.
Đêm tối, căn nhà càng rộng hơn. Thằn lằn trên trần tặc lưỡi chần chật. Năm nay không có ngày ba mươi, cái ngày ngắn nhất trong năm. Ở nhà ngày này làm không hết việc, bây giờ cô chờ cho đến giao thừa chỉ để thắp nén nhang. Kim chiếc đồng hồ tường nhích từng chút, tí tách. Thằng Sơn mải vui hái lộc cùng bạn bè hay đã ngủ mất rồi. Chú Bảy cũng quên hoặc đang nhậu không gọi về nhà.
Chiếc điện thoại bàn lạnh ngắt. Chẳng có tiếng chuông nào. Mấy lần cô nhấc lên, không bấm số, rồi úp lại. Cô chỉ là người trông nhà giùm thôi mà.
Cuối cùng ba cây kim đồng hồ cũng dựng đứng. Thắp hương khấn vái năm mới cho gia đình chú Bảy an khang, thằng Sơn học giỏi thoát kiếp làm nông…
Người người, nhà nhà đóng cửa về quê thắp nén hương cho ông bà tổ tiên. Cô Ba, ngày tết không thắp hương ông bà mình mà trên bàn thờ một căn nhà xa lơ lạ lắc.
Trương Anh Quốc