Tết về quê ăn cá

Mỗi độ xuân về, người ta thường nói tới hoa kiểng, bánh trái, thịt thà, ít ai nhắc chuyện cá, khô. Những món ăn nhiều dầu mỡ những ngày tết làm cho mọi người no nê, ngán ngẩm, thế nên còn gì hấp dẫn bằng khi bữa ăn được chuyển qua các món cá: cá linh nấu chua với bông so đũa, cá rô mề chiên xù, gắp cặp với rau sống, cá trê nướng chấm nước mắm gừng, cá lóc nướng trui, thác lác vò viên nấu với cải tần ô, cá bống kho…

Theo thời gian, công việc bắt tôm cá trên đồng, dưới mương, ngoài sông rạch nói chung được ngư dân từng địa phương biến hóa ra vô số cách đánh bắt, rất phong phú. Trên ruộng, nông dân câu cá lóc bằng cách nhấp vịt (phía dưới bụng con vịt con là lưỡi câu). Dưới kinh mương, người ta đặt lờ, đặt lộp, cất vó, còn ngoài sông thì sống động hơn nhiều.

Ven sông, người dân đi xúc, chài lưới, đăng; Trên sông lớn nào là đóng đáy sông, đóng đáy bè, chài lưới nhử (rải mồi trước khi chài), đi cào, đi te, đi rập cua, theo xuồng đi câu tôm càng, cá bông lao… Mỗi cách đánh bắt là một sáng tạo độc đáo của ngư dân. Dẫu vậy, trong mâm cơm cúng ông bà của người dân đồng bằng dịp cuối năm, bao giờ cũng có con cá lóc nướng trui để nhớ thời khai hoang mở cõi.

Ngày tết cổ truyền ở vùng ven biển Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, món khô cá kèo vẫn là món mồi “bén” nhất. Ngư dân phải ráng chờ đến lúc cá kèo “chạy” trong con nước 29, 30 tháng chạp mới bắt cá để làm khô. Cá kèo bắt lên, rửa sạch, bỏ cả thảy vào thùng, cho chúng cùng…uống nước tương (có thêm gia vị như tỏi, tiêu, bọt ngọt), sau đó sẽ đem phơi nắng. Phơi chừng vài nắng là đã có món khô cá kèo độc đáo để nhấm nháp vui xuân.

PHAN LỮ HOÀNG HÀ

Tin cùng chuyên mục