Tết Việt ở Houston

Tết Việt ở Houston

Houston là một trong 2 thành phố có nhiều cư dân gốc Việt sinh sống đông nhất tại Mỹ. Những ngày tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam được người Việt ở đây chuẩn bị chu đáo, đậm chất xuân mang hương vị quê nhà.

Ngay từ tháng Chạp, các nhà hàng lớn nhỏ ở khắp nơi đều mở nhạc xuân rộn ràng. Ở các chùa và nhà thờ đều có lễ chào đón năm mới, hội chợ xuân, văn nghệ mừng xuân. Cách đây hơn 10 năm, vì cuộc mưu sinh ở xứ người, lo làm kiếm tiền, trả hóa đơn hàng tháng và lo cho cuộc sống hàng ngày, ít ai còn nghĩ đến tết, chào đón xuân, nên mùng 1 Tết vẫn đi làm, thậm chí không nhớ là tết đang tới. Nay cuộc sống ổn định, ngày càng có nhiều người nghĩ đến tết Việt hơn, nhiều hãng xưởng của người Mỹ còn tạo điều kiện cho nhân viên nghỉ phép vào mùng 1 Tết, nghỉ việc không hưởng lương, không trừ vào ngày phép.

Từ ngày 23 tháng Chạp đưa ông Táo về trời đã có chợ tết, bày bán đủ thứ mặt hàng. Bánh chưng, bánh tét không thể thiếu ở chợ. Nhiều người cũng có thói quen đặt bánh chay ở chùa để cúng và làm quà biếu tết. Tại các tiệm bán giò lụa, nem chua, dưa món, bánh mứt, hạt dưa,… không có chỗ chen chân, người mua phải xếp hàng chờ. Nhà nào cũng có một cành hoa đào hay hoa mai của Mỹ, hoặc tối thiểu cũng có 2 chậu hoa cúc và bình hoa lay ơn cùng mâm ngũ quả chưng trong những ngày tết.

Đêm giao thừa, tại các chùa và nhà thờ đều có lễ, người đến rất đông, không có chỗ đậu xe. Không khí náo nhiệt với những màn múa lân vui nhộn. Nhiều người đến xin lộc đầu năm, gặp chúc nhau một năm mới tốt lành, cùng hoài niệm về không khí tết ở quê nhà. Tập tục cúng rước ông bà, gia tiên vào trưa 30 đến mùng 3 Tết vẫn được giữ gìn. 

Chị Bella Tran, chủ tiệm Hair & Nail ở khu Katy, cho biết: “Tiệm của tôi luôn đóng cửa nghỉ vào mùng 1 Tết. Tôi muốn những người thợ Việt vui vẻ, an tâm đón tết cổ truyền cùng gia đình, cùng đi lễ ở chùa hoặc nhà thờ. Được nghỉ ngày tết, khi đi làm lại ai cũng phấn khởi”.

Không khí đón xuân len lỏi vào từng người, từng nhà của những người Việt sống xa quê hương. Anh David Ha Tran, chủ shop tiện kim loại ở phía Tây Nam Houston, tâm sự: Năm nào ngày tết trúng ngày thứ bảy và chủ nhật, cả nhà đều đón giao thừa ở chùa Bà downtown. Sáng mùng 1 Tết dâng nước mời ông bà, xong đi chùa lạy Phật. Hai bé gái nhà tôi đều rất thích mặc áo dài, xem múa lân, rước lộc đầu năm. Tôi hay kể về ngày tết ở Việt Nam cho các con hiểu, một nét văn hóa đẹp của người Việt chúng ta.

Các trường học trong khu Alief, nơi có đông cư dân người Việt sinh sống nhất, nhà trường cho phép các con em người Việt và một số nước châu Á mặc sắc phục dân tộc của nước mình đi học vào mùng 1 Tết. Chiếc áo dài Việt Nam được các học sinh gốc Việt mặc, luôn nhận được sự ngưỡng mộ, tán dương của các giáo viên người Mỹ và nhiều nước khác. “Đẹp”, “duyên dáng”, “rất đặc biệt, rất riêng”, là những lời nhận xét của những giáo viên nước bạn dành cho chiếc áo dài Việt Nam.

Trẻ em ở Mỹ gốc Việt thích mặc áo dài trong những ngày tết cổ truyền

Bác Thanh Loan Nguyen, 62 tuổi, định cư ở Mỹ 24 năm, thổ lộ: “Tôi bệnh tim rất nặng, bác sĩ không cho phép đi máy bay, vì thế không thể về Việt Nam đón tết. Ở đất Mỹ, trong khu vực đông cộng đồng người Việt, cũng có không khí xuân rộn ràng nhưng không bằng ở Việt Nam. Mùng 1 Tết, gia đình sum họp, quây quần mừng tuổi, chúc nhau những điều may mắn. Ngày tết mà vui tràn nước mắt”.

Nhiều người bản xứ đã biết được ngày tết của người gốc Việt, những lời chúc tốt đẹp trong năm được nhiều may mắn, gọi “lucky money” để nói về phong tục lì xì của người Việt. Người bản xứ đến thăm nhà người Việt trong những ngày tết đều nhận được những lời chúc và lì xì, ai cũng thích. Hàng chục năm qua, những người gốc Việt tuy đang hòa nhập với đời sống xã hội Mỹ nhưng vẫn giữ truyền thống tốt đẹp của mình làm cho văn hóa Mỹ càng phong phú hơn. Vì thế, ngày càng có nhiều người bản xứ cùng chào đón tết cổ truyền cùng người Mỹ gốc Việt.


DI AN NGUYEN

Tin cùng chuyên mục