Thả nổi khám sức khỏe đào tạo lái xe

Chỉ vì lợi nhuận, các cơ quan khám sức khỏe đã bỏ qua công tác sàng lọc. Việc kiểm tra sức khỏe cho lái xe được xem như thước đo chính trong sát hạch cấp bằng lái xe lại dần đang bị thả nổi.
Dịch vụ cò hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ giấy khám sức khỏe Ảnh: HOÀNG HÙNG
Dịch vụ cò hỗ trợ khách hàng hoàn thiện hồ sơ giấy khám sức khỏe Ảnh: HOÀNG HÙNG

Liên tiếp trong thời gian gần đây xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, mà nguyên nhân phần lớn là lỗi của những tài xế đã không làm chủ được tay lái. Thông tư 24 của liên Bộ Y tế và Giao thông Vận tải quy định các cơ sở đào tạo lái xe phải kiểm tra kỹ hồ sơ của người học và chỉ tiếp nhận giấy khám sức khỏe (GKSK) do cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện và cấp cho người học lái xe. Thế nhưng trong thực tế, chỉ vì lợi nhuận, các cơ quan khám sức khỏe đã bỏ qua công tác sàng lọc. Việc kiểm tra sức khỏe cho lái xe được xem như thước đo chính trong sát hạch cấp bằng lái xe lại dần đang bị thả nổi.

Bỏ tiền mua giấy chứng nhận sức khỏe

Trong vai người đăng ký học lái xe, chúng tôi đến Trung tâm Đào tạo lái xe T.C. trên đường Ba Tháng Hai (quận 10, TPHCM), một nữ nhân viên đon đả giới thiệu: Để lấy được bằng lái xe B2, học viên chỉ cần đóng hơn 8 triệu đồng mà không phải lo bất cứ hồ sơ, giấy tờ gì. Đặc biệt, hồ sơ khám sức khỏe tại đây rất đơn giản, chỉ cần học viên trả cho trung tâm 200.000 đồng là “hợp thức hóa” giấy tờ. Nghĩa là, không cần học viên có mặt tại cơ sở y tế thì sức khỏe vẫn đủ điều kiện để thi bằng lái hạng B2. “Giá này là giá rẻ nhất Sài Gòn rồi em, hiện trung tâm đang có chương trình giảm 500.000 đồng nữa đó. Còn về GKSK thì em có thể tự khám tại bệnh viện quận/huyện, còn nếu không có thời gian thì em đóng 200.000 đồng là bên chị sẽ lo hết giấy tờ sức khỏe để em được thi”, nữ nhân viên cho hay. 

Còn tại Trung tâm dạy lái xe H.G. (quận 3, TPHCM), để nộp hồ sơ thi bằng lái ô tô thì học viên sẽ tự đi khám sức khỏe tại cơ sở y tế bên ngoài do trung tâm này giới thiệu. Khi phóng viên hỏi thủ tục đăng ký thi lái xe hạng B2, một nữ nhân viên tại đây nhanh miệng tư vấn: “Giá học phí cho bằng lái xe hạng B2 là 11 triệu đồng. Bên chị thì không có khám sức khỏe thi lái xe nhưng em có thể qua bên Phòng khám đa khoa S.G. trên đường Lý Thái Tổ để khám rồi mang kết quả sang đây”. Chiều cùng ngày, chúng tôi đến phòng khám nói trên theo lời hướng dẫn của nữ nhân viên. Vừa dừng xe, đã có 2 nam bảo vệ nhanh nhảu bắt lời: “Đến khám sức khỏe thi lái xe bên H.G. đúng không”. Sau khi xem qua hình thẻ và giấy chứng minh nhân dân, chúng tôi được mời vào bên trong thăm khám. Cứ khoảng 10, 15 phút lại có một học viên của trung tâm H.G. qua đăng ký khám sức khỏe. Sau khi đóng 250.000 đồng và điền vào mẫu GKSK dành cho người lái xe, chúng tôi được hướng dẫn lên khám tại các tầng trên của phòng khám. 

Mọi quy trình để được khám sức khỏe thi bằng lái hạng B2 diễn ra trong vòng chưa đầy 20 phút, bao gồm khám tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp, nội tiết, tâm thần, thần kinh, mắt và xét nghiệm chất kích thích. Điều đáng nói, trong bảng kết quả sức khỏe chỉ có 4 bác sĩ nhưng có thể khám 8 chuyên khoa khác nhau, trong đó, bác sĩ khám thần kinh cũng là người khám và ký tên luôn phần hô hấp, cơ xương khớp và nội tiết. Nghịch lý hơn, tại trung tâm H.G, nữ nhân viên cho biết mắt cận từ 5 đi-ốp trở lên sẽ không được thi bằng B2, nhưng khi được hỏi về vấn đề này, một nữ điều dưỡng tại Phòng khám Đa khoa S.G. cho rằng cận bao nhiêu cũng thi được, miễn sao đeo kính mà thấy đường chạy là đủ rồi. Thậm chí, khi phóng viên yêu cầu khám kỹ hơn vì mắt hay bị mờ, thị lực giảm rõ rệt và đã lâu không đi khám mắt thì nữ điều dưỡng này vẫn chỉ cho đọc những chữ cái trên màn hình và kết luận mắt “10/10”. 

Coi thường pháp luật và mạng sống

Theo bác sĩ Lê Trung Nhân, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Chợ Rẫy, hàng năm xảy ra hàng loạt các vụ tai nạn giao thông do xe tải, xe khách gây nên, một phần xuất phát từ nguyên nhân tài xế lái xe trong tình trạng buồn ngủ, chạy quá sức, mắc các bệnh mạn tính hoặc sử dụng chất kích thích, ma túy dẫn đến gây ảo giác không làm chủ được tốc độ... Theo luật định, người điều khiển phương tiện hay tài xế phải khám sức khỏe định kỳ và điều kiện tiên quyết quyết định một người có được lái xe hay không là kết quả sát hạch sức khỏe ban đầu. Tuy nhiên, công tác này đang bị một số phòng khám bên ngoài tiếp tay và thả nổi. Một số người mắc các bệnh động kinh, thị lực kém, mắc bệnh tim, không đủ điều kiện học và thi lái xe đã lợi dụng những phòng khám tư nhân để có được giấy chứng nhận sức khỏe và thi lấy bằng lái. 

Theo quy định, việc khám sức khỏe cho các lái xe cần thực hiện 3 tháng/lần. Lái xe được phát sổ khám sức khỏe để theo dõi và sổ phải đầy đủ các nội dung liên quan đến sức khỏe của người khám, bác sĩ trực tiếp khám phải kết luận rõ ràng về tình trạng sức khỏe có ảnh hưởng đến khả năng hành nghề lái xe hay không. Ràng buộc về đảm bảo kiểm tra sức khỏe đối với tài xế tham gia giao thông, nhất là trong các lĩnh vực kinh doanh vận tải, là quy định rất thiết thực và hướng tới cộng đồng, vì sự an toàn của những người tham gia giao thông. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế đang đặt trên các tiêu chuẩn về y đức, cùng với sự quản lý yếu kém của các cơ quan chức năng nên công tác khám và cấp GKSK cho lái xe đang mất dần đi ý nghĩa và tầm quan trọng của nó. 

“Với tờ GKSK khống do các cơ sở y tế vì lợi nhuận tiếp tay, một ngày nào đó, những người không đủ sức khỏe để điều khiển phương tiện giao thông nhưng được cấp giấy phép lái xe sẽ làm ảnh hưởng đến bản thân, thậm chí là tổn hại người khác”, bác sĩ Lê Trung Nhân nhấn mạnh.

Theo quy định tại Thông tư 24, người lái xe phải chủ động khám lại sức khỏe sau khi điều trị bệnh, tai nạn gây ảnh hưởng đến việc lái xe và chấp hành yêu cầu khám sức khỏe định kỳ, đột xuất của cơ quan quản lý nhà nước về y tế, hoặc cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải hoặc của người sử dụng lao động.

Tin cùng chuyên mục