Từ nhiều năm nay, dư luận cả nước đã rất lo lắng, bức xúc trước vấn nạn thực phẩm, nông sản không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn, quá lạm dụng thuốc kích thích, bảo vệ thực vật độc hại. Nguyên nhân của thực trạng này là do cơ quan chức năng đã thả nổi nguồn thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích không rõ nguồn gốc, trôi nổi trên thị trường.
Thông tin từ Sở NN-PTNT Hà Nội, thực hiện đợt ra quân kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng buôn bán, tàng trữ thuốc bảo vệ thực vật lậu trên địa bàn, Đội Thanh tra chuyên ngành số 2 đã phát hiện hàng loạt cơ sở vi phạm nghiêm trọng. Trong đó, nổi cộm là vụ việc tại cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp Dũng Hà, địa chỉ ở thị trấn Quảng Oai - Tây Đằng (Ba Vì - Hà Nội) đang kinh doanh các mặt hàng như phân bón, thuốc trừ sâu. Hàng loạt thuốc trong cửa hàng đã hết hạn từ 1-2 năm nhưng vẫn được đem ra mua bán. Có đến 13 loại thuốc trừ sâu, trừ cỏ đã hết hạn với số lượng lên tới hàng trăm gói.
Đặc biệt, kiểm tra kho hàng phía sau, lực lượng thanh tra phát hiện 1.500 ống chứa một loại thuốc mà lâu nay dư luận vẫn nghi ngờ, bức xúc đó là thuốc thúc chín tố (ép chín) hoa quả có chữ Trung Quốc.
Các loại thuốc trên chưa được Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT cấp phép.
Theo thống kê sơ bộ của Cục Bảo vệ thực vật - Bộ NN-PTNT, hiện trên thị trường đang có tới hơn 1.100 loại thuốc trừ sâu với đủ loại giá cả, tên thương mại.
Lực lượng quản lý thị trường TP Lào Cai cho biết, có thời điểm các loại thuốc kích thích, vaccine lậu nhập vào, lực lượng chức năng bắt và tiêu hủy không xuể. Do nhu cầu trong nước rất lớn nên việc nhập các loại thuốc bảo vệ thực vật, chất kích thích từ Trung Quốc về sẽ thu siêu lợi nhuận vì bán được nhiều, giá lại cao. Nhưng theo Bộ NN-PTNT thì trong đó có nhiều loại thuốc không được Bộ NN-PTNT cho phép đưa vào sử dụng, không nằm trong danh mục đã được cơ quan kiểm nghiệm, đồng nghĩa với chất lượng và độ nguy hiểm chưa được kiểm định. Đặc biệt là với loại thuốc “thúc chín tố” đến nay không được Việt Nam cấp phép.
Tuy nhiên, ở đây cũng có phần trách nhiệm của Bộ NN-PTNT khi đã cấp phép cho quá nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật vào nội địa, nên việc quản lý càng trở nên khó khăn hơn. Thậm chí tại nhiều địa phương, cán bộ quản lý thị trường và bảo vệ thực vật còn không phân biệt được loại nào với loại nào. Cán bộ chuyên môn đã vậy, nông dân càng bị đánh đố. Cùng một hoạt chất nhưng lại có nhiều tên thương mại khác nhau nên nông dân như lạc vào mê hồn trận, đại lý hướng dẫn ra sao, sử dụng như vậy.
Điều nghịch lý là Cục Bảo vệ thực vật là cơ quan cấp phép sản xuất và quản lý thuốc bảo vệ thực vật nhưng cũng thừa nhận, các công ty, tập đoàn sản xuất thuốc bảo vệ thực vật hiện nay quá nhiều, vì vậy lực lượng chức năng cũng khó lòng quản lý hết được. Nếu không muốn nói còn bị động trong xử lý.
Trong tháng 9-2013, Cục Bảo vệ thực vật đã thành lập 6 đoàn đi thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại 6 công ty sản xuất, gia công, sang chai, đóng gói. Tuy nhiên, chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm trong tổng số 68 cơ sở được kiểm tra.
PHÚC VĂN