Thách thức cân đối ngân sách

Báo cáo kinh tế quý 1-2016 được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) công bố cuối tuần qua đưa ra nhiều nhận xét đáng chú ý về tình hình ngân sách. Cụ thể trong quý 1-2016, thu ngân sách đạt 230.500 tỷ đồng, tăng 0,3% so với cùng kỳ, bằng 22,7% dự toán năm 2016, thấp hơn mức tăng tương ứng quý 1-2015 (khoảng 10,3%). Trong đó, thu từ dầu thô đạt 8.900 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ; thu từ xuất nhập khẩu ước đạt 54.600 tỷ đồng, giảm 11,5%. Ngược lại, thu nội địa tăng khá nhanh với mức thu 193.800 tỷ đồng và tăng 10% so với cùng kỳ. Tỷ trọng của thu nội địa trong tổng thu ngân sách lên tới 84%, cao hơn so với cùng kỳ (76,6%). Theo nhận xét của CIEM, với phần tăng thu ngân sách chủ yếu từ thu nội địa “có thể là một gánh nặng về chi phí đối với doanh nghiệp trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng chậm bên cạnh các điều chỉnh tăng chi phí khác, nhất là chi phí bảo hiểm xã hội”. Cũng trong quý 1-2016, chi ngân sách ước đạt 277.600 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2015. Một điểm đáng lưu ý trong điều hành ngân sách của Chính phủ những năm gần đây là chi đầu tư ngày càng giảm, chi thường xuyên và chi khác tăng. Theo CIEM, mức tăng chi cao hơn tăng thu có thể cho thấy những nỗ lực kiềm chế chi ngân sách chưa giúp cải thiện tình hình thâm hụt ngân sách và áp lực với nợ công.

Báo cáo khác của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), nhận xét, không có dấu hiệu cho thấy nguồn thu ngân sách sẽ được cải thiện trong năm 2016. Nếu không có giải pháp mạnh mẽ để giảm chi thường xuyên, bội chi chắc chắn tiếp tục không thực hiện được kế hoạch dưới 5% GDP mà Quốc hội đề ra. Đi kèm với các giải pháp cắt giảm chi ngân sách ngắn hạn quyết đoán, Chính phủ cần có một chiến lược tổng thể và hữu hiệu cắt giảm bộ máy hành chính và chi thường xuyên trong cả nhiệm kỳ.

Những đánh giá của các cơ quan nghiên cứu về ngân sách quý 1-2016 dự báo việc cân đối ngân sách năm 2016 sẽ tiếp tục là một thách thức. Việc chi thường xuyên tiếp tục được đề cập đã khẳng định đây như là điểm yếu lớn nhất trong cân đối ngân sách hiện nay. Hẳn nhiều người vẫn chưa quên câu chuyện một số cơ quan hành chính tại Cà Mau (TP Cà Mau, huyện Cái Nước) cuối năm 2015 phải xin ứng trước chi của năm 2016 để chi trả một số khoản nợ năm 2015, như nợ tiền xây dựng cơ bản, nợ bảo hiểm, thiếu tiền trả lương... Điều đáng chú ý là huyện Cái Nước được giao thu ngân sách năm 2015 là 34 tỷ đồng (thực tế thu 40 tỷ đồng) nhưng mỗi tháng bình quân huyện này đã chi thường xuyên 23,5 tỷ đồng.

Trong khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, thu ngân sách luôn là vấn đề nóng. Dù kết thúc năm, kế hoạch thu đều hoàn thành nhưng có năm chỉ vượt dự toán không đáng kể. Các biện pháp tăng thu, siết chặt chi đã được đưa ra nhưng kết quả của việc tiết kiệm chi dường như chưa có nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Việc tiết kiệm chi thường xuyên như: giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết; hạn chế bố trí kinh phí đi nghiên cứu, khảo sát nước ngoài, hạn chế mua sắm ô tô và trang thiết bị đắt tiền… đã đi vào cuộc sống và mang lại hiệu quả nhất định. Song, theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đến năm 2015 “tỷ trọng chi thường xuyên từ ngân sách ngày càng lớn, việc chi vượt dự toán vẫn thường xuyên xảy ra ở nhiều lĩnh vực, đơn vị, nên Chính phủ cần có sự nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn, cân đối giữa các nhiệm vụ chi; đề xuất các nguyên tắc, tiêu chí, định mức chi thường xuyên trong giai đoạn tới để phù hợp với khả năng đáp ứng của nguồn thu ngân sách”. Đơn cử như vấn đề xe công, dù Quyết định 32 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chuẩn định mức xe công đã đề ra định mức đối với việc thuê dịch vụ ô tô và khoán kinh phí hay Nghị quyết 99/2015/QH13 (về dự toán ngân sách năm 2016) đã yêu cầu Chính phủ từng bước thực hiện khoán xe công đối với một số chức danh nhưng vấn đề này đến nay vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Trong khi đó, kinh tế quý 1-2016 lại chứng kiến mức suy giảm tăng trưởng đáng kể, kể từ năm 2012. Lần đầu tiên trong vòng 5 năm, mức tăng trưởng quý 1-2016 thấp hơn so với cùng kỳ năm trước (tăng 5,46% - thấp hơn mức tăng 6,03% của cùng kỳ năm 2015). Các số liệu quý 1-2016 cũng đưa đến những lo ngại: số doanh nghiệp khó khăn, ngừng hoạt động là 20.352 doanh nghiệp, tăng mạnh ở mức gần 24% so với cùng kỳ năm 2015; lạm phát tăng trở lại với mức tăng 0,99% so với tháng 12-2015 (cùng kỳ giảm khoảng 0,1%); xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng chậm (chỉ tăng 6,6%) trong khi nhập khẩu giảm 4%...

Ông Bùi Đức Thụ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội từng nhận xét, cơ cấu ngân sách đang có những biểu hiện chưa thật lành mạnh, riêng chi thường xuyên chiếm 64% - 65% tổng chi ngân sách. Thu ngân sách chỉ đáp ứng được chi thường xuyên và một phần chi trả nợ còn chi đầu tư phụ thuộc hoàn toàn vào vay nợ. Thời gian tới việc thực thi chính sách tài khóa thắt chặt phải trở thành một chỉ tiêu chung, phải được quán triệt trong các chương trình hành động.

HÀ MY

Tin cùng chuyên mục