Số liệu thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) cho thấy, lượng vận chuyển hành khách năm 2010 đã đạt trên 15 triệu lượt người, tăng hơn 20% so với năm 2009. Có thể nói, thị trường HK tăng trưởng mạnh là tín hiệu đáng mừng nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn khi nhiều lĩnh vực của ngành vẫn chưa theo kịp đà tăng trưởng đó.
Một trong những tồn tại và thách thức lớn hiện nay là nguồn nhân lực cho ngành HK đang rất thiếu và yếu. Hiện nay, các hãng HKVN đang quản lý 658 phi công, 862 nhân viên kỹ thuật và gần 2.000 tiếp viên. Thế nhưng con số đó chưa đáp ứng được nhu cầu và chưa tương xứng với tốc độ phát triển của thị trường. Việc gia tăng tàu bay khai thác đã khiến các dịch vụ HK tăng trưởng mạnh (số lượng tàu bay đang khai thác của các hãng HKVN hiện nay là 90 chiếc, tăng 3 lần so với năm 2004), trong khi nhân lực cho ngành HK lại chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Điều đó khiến cho các hãng HK buộc phải thuê nhân lực từ nước ngoài với giá thuê cao gấp 2 - 3 thậm chí gấp 10 lần so với nhân lực trong nước. Hiện nay, ngoài Vietnam Airlines (VNA), các hãng HK còn lại cũng đều phải thuê tới 90% phi công và kỹ sư nước ngoài.
Mới đây sau một thời gian nỗ lực đầu tư đào tạo, vào ngày 28-3-2011, 17 kỹ sư bảo dưỡng máy bay người Việt đang công tác tại Hãng HK Jetstar Pacific (JPA) đã được Cục HKVN cấp giấy phép hành nghề Cat B (chứng chỉ quan trọng trong công tác giám sát bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay, ký xác nhận cho phép máy bay được đưa vào khai thác). Đây là lần đầu tiên, các kỹ sư VN đã đạt trình độ tay nghề cao, có thể đảm nhiệm các vị trí bảo dưỡng máy bay mà từ trước đến nay chỉ có các kỹ sư nước ngoài đảm nhận.
Ông Lê Song Lai, Tổng Giám đốc JPA cho biết, hiện nay JPA có 22 kỹ sư người nước ngoài và 3 kỹ sư VN đảm nhiệm vai trò kỹ sư Cat B. 14 kỹ sư người VN sau khi tích lũy đủ kinh nghiệm thực tế (Experience Book) sẽ tham gia các kỳ thi CRS để đảm nhiệm vai trò kỹ sư Cat B tại hãng trong 1 - 2 năm tới. Và như vậy, theo kế hoạch, đến năm 2014, Jetstar Pacific sẽ có 50% đội ngũ kỹ sư là người VN, đủ năng lực đảm nhiệm các vị trí quan trọng bảo dưỡng máy bay.
Ngành HKVN cũng thiếu nhiều phi công. Theo số liệu thống kê, mỗi năm, ngành HKVN phải bỏ ra khoảng 30 - 40 triệu USD để thuê phi công nước ngoài. Hiện nay, trong tổng số trên 600 phi công đang bay cho VNA, có đến gần một nửa là người nước ngoài. JPA hiện chỉ có 3 phi công VN, còn Air Mekong đang phải sử dụng 100% phi công nước ngoài…
Thực tế cho thấy, để có đủ phi công cho hoạt động bay, lâu nay các hãng HK phải đi thuê phi công nước ngoài với giá thuê rất cao từ 5.000 - 10.000 USD/người/tháng (gấp đôi mức thu nhập của một phi công trong nước). Những con số nêu trên cho thấy, cơn khát nhân lực phi công ngành HK là rất lớn và điều đó đòi hỏi công tác đào tạo phi công ngày càng trở nên bức thiết.
Ông Lê Song Lai, Tổng Giám đốc JPA cho biết, hiện có 3 phi công VN làm việc cho JPA và dự kiến, từ nay đến hết năm 2011, sẽ có khoảng 10 phi công VN do hãng cử đi học ở nước ngoài trở về phục vụ trên các chuyến bay của JPA. Vào cuối năm 2010, VNA và Công ty CP Bay Việt đã ký kết hợp đồng đào tạo 60 phi công cơ bản nhằm khẳng định quyết tâm xây dựng chiến lược phát triển tổng thể ngành HK đất nước.
NGUYỄN THU TUYẾT