Thách thức không nhỏ

Cổ động viên CLB Hải Phòng kéo vào sân Vinh và tiếp tục đốt pháo sáng, bất chấp một loạt án phạt vừa gây tổn hại cho chính CLB của họ. Điều này cho thấy, các mức phạt trước đó chưa đủ để tác động đến ý thức của một bộ phận CĐV Hải Phòng.
Một nhóm CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trên khán đài sân Vinh trong trận đấu SLNA - Hải Phòng tối 24-7. Ảnh: MINH HOÀNG
Một nhóm CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng trên khán đài sân Vinh trong trận đấu SLNA - Hải Phòng tối 24-7. Ảnh: MINH HOÀNG

Hành động đốt pháo sáng trong trận SLNA - Hải Phòng ở vòng 9 V-League hôm 24-7 là một kiểu thách thức pháp luật của các CĐV đến từ Hải Phòng. Trước đó, tại vòng 6, CLB Hải Phòng đến làm khách trên sân Hàng Đẫy, các CĐV áo đỏ cũng đốt pháo sáng, rải tiền mã và tụ tập đông người trên một số tuyến phố gây ùn tắc giao thông nghiêm trọng. Khi phạt trong sân, CĐV Hải Phòng gây rối ngoài sân, còn phạt sân nhà thì họ phá sân khách…

Không hề có dấu hiệu cho thấy những hành động trên dừng lại, mà sẽ cực đoan hơn. Không khó để nhận thấy, sự tổn hại lớn nhất chính là hình ảnh của V-League. 

Bóng đá Việt Nam đã rất vất vả, chịu nhiều tổn thất, mới có lại bầu không khí lành mạnh như hiện nay. Theo báo cáo của BTC V-League, lượng khán giả bình quân sau 9 vòng đấu mùa 2022 đạt gần 8.000 người/trận, đứng đầu Đông Nam Á.

Điều này cho phép chúng ta hy vọng sẽ có thêm sự hấp dẫn ở các trận đấu, thu hút nhiều khán giả hơn, đồng nghĩa với việc các CLB có thêm nguồn thu từ bán vé, tài trợ.

Quan trọng hơn, các nhà tổ chức sẽ thu được tiền bản quyền truyền hình, một điều tất yếu nếu giải đấu có lượng người quan tâm lớn. Tuy nhiên, nỗ lực cống hiến của các cầu thủ, tiền bạc của các doanh nghiệp, giá trị của bản quyền truyền hình sẽ không còn nhiều ý nghĩa nếu như khán đài bị vơi đi một nữa, hoặc không có khán giả vào sân.

Đây không phải là chuyện riêng của các nhà tổ chức V-League. Những nhà điều hành bóng đá chỉ có thể đưa ra án phạt tối đa như cấm vào sân, đóng cửa sân, phạt tiền với đội bóng… khi có CĐV quậy phá, tức là quyền hạn và sự răn đe chỉ nằm trong khuôn khổ bóng đá. Vì vậy, nếu có một bộ phận khán giả cố ý thực hiện các hành động bị nghiêm cấm, phớt lờ cảnh báo, cần được ngành chức năng xử lý nghiêm khắc. 

Bên cạnh đó, để giảm bớt rủi ro từ những hành vi cố tình phá hoại, chính đội bóng và các CĐV chân chính cũng phải có tiếng nói và những biện pháp mạnh mẽ để góp phần loại bỏ “con sâu làm rầu nồi canh”. Hải Phòng không phải là đội bóng duy nhất có nhiều sự cố sân cỏ, trên thực tế nhiều đội bóng cũng gặp các sự cố tương tự và đã khắc phục được.

Tin cùng chuyên mục