“Dù đã có họp, bàn thảo và nhất trí phương án vào vụ sản xuất, nhưng khi diện tích mía giảm mạnh, áp lực sản xuất sẽ đè nặng lên các nhà máy đường. Chuyện tranh giành thu mua mía nguyên liệu dứt khoát sẽ xảy ra. Các nhà máy càng đặt mình vào thế khó”, lãnh đạo một nhà máy đường ở khu vực ĐBSCL nhận định. Chuyện tranh giành mua mía nguyên liệu không phải mới nhưng trong bối cảnh hội nhập, sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt khi thị trường tiêu thụ ngày càng liên thông, các nhà máy đường ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức.
Thu hoạch mía. Ảnh: T.L
Cách đây 16 năm (năm 2000) diện tích trồng mía ở ĐBSCL gần 100.000ha. Sau đó, nhiều nhà máy “mọc lên” để hiện đại hóa ngành đường. Thật trớ trêu, từ đó đến nay, ĐBSCL hình thành 10 nhà máy đường với công suất rất lớn, còn diện tích mía lại teo tóp dần. Đến tháng 9-2016, chỉ còn khoảng 40.000ha, giảm gần 7.000ha so với năm ngoái và giảm khoảng 60.000ha so với năm 2000.
Bước vào niên vụ sản xuất 2016-2017, Nhà máy đường Kiên Giang phải ngừng sản xuất để di dời lên địa bàn Tây Ninh. Theo một nguồn tin am hiểu phân tích: Nguyên nhân di dời nhà máy do nằm xa vùng nguyên liệu, hoạt động không hiệu quả. Đây là lời cảnh báo đến các nhà máy đường còn lại khi tình trạng tranh giành thu mua nguyên liệu còn xảy ra. Khuyến cáo của giới chuyên môn thì khoảng cách thu mua, vận chuyển hợp lý nguồn mía nguyên liệu của các nhà máy đường là 30km. Nhưng thực tế có nhà máy phải qua nhiều tỉnh mua và vận chuyển mía hơn 150km đường sông. Đây là nguyên nhân làm chi phí sản xuất tăng cao, giá đường trên thị trường cũng tăng theo.
Do không có lũ lớn, áp lực thu hoạch mía chạy lũ không còn; để mía đủ chữ đường, các nhà máy đã thống nhất đến đầu tháng 10-2016 mới vào vụ sản xuất (trễ gần 1 tháng so với các năm trước). Kế hoạch là vậy, nhưng từ tháng 8-2016 đã có nhà máy “xé rào” mua mía nguyên liệu khi chữ đường còn thấp. Cách mua này vô tình làm nản lòng nông dân vì chữ đường thấp nên giá không cao, lợi nhuận thu về ít và nông dân sẽ tiếp tục bỏ trồng mía.
Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, niên vụ sản xuất 2016-2017, cả nước có 40 nhà máy hoạt động với công suất thiết kế 155.300 tấn/ngày. Sản lượng ép dự kiến hơn 15 triệu tấn, sản lượng đường 1,46 triệu tấn. Đối với ĐBSCL, thuận lợi trước khi vào vụ mía là giá đường trên thị trường đang cao, các nhà máy đường sẽ mua mía nguyên liệu cũng sẽ cao. Song diện tích mía nguyên liệu giảm nhanh đang là mối lo chính của các nhà máy đường. Chủ yếu câu chuyện tranh giành mua mía nguyên liệu sẽ tái diễn và gay gắt hơn mọi năm.
Trong khi đó, theo Hiệp định Thương mại biên giới Việt - Lào, đường nhập khẩu do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai sản xuất với thuế nhập khẩu và giá trị gia tăng đều bằng 0%, sẽ tác động mạnh đến năng lực cạnh tranh của ngành đường trong nước. “Điều quan trọng là các cơ quan chức năng phải tăng cường kiểm soát để loại trừ chuyện tuồn đường không chính ngạch vào thị trường và tăng cường kiểm soát nguồn đường đóng gói không rõ nguồn gốc, mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Đồng thời, kiểm soát ngăn chặn đường lậu tràn qua biên giới Tây Nam cục bộ. Được như thế, các nhà máy đường mới có thể duy trì hoạt động ổn định”, lãnh đạo một nhà máy đường ở ĐBSCL kiến nghị.
Ngành mía đường ĐBSCL đang đối diện với nhiều thách thức trong bối cảnh hội nhập. Để ngành mía đường tồn tại và phát triển trong xu thế cạnh tranh hội nhập ngày càng sâu rộng, thiết nghĩ các cơ quan chức năng sớm hoàn thiện quy hoạch ngành mía đường đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 để sớm trình Chính phủ phê duyệt. Từ đó, ngành mía đường mới định vị được hoạt động bài bản, ổn định vùng nguyên liệu trồng mía của nông dân.
CAO PHONG