Thách thức mới

Thể thao Việt Nam tại Olympic 2016

Càng ngày, người ta càng phát hiện thêm những điều thú vị về xạ thủ Hoàng Xuân Vinh sau thành công ở Olympic 2016. Đó là khi có ý kiến đề xuất anh xứng đáng được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, sau khi đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Huân chương Lao động hạng nhất, nhưng Xuân Vinh khiến nhiều người ngạc nhiên và thán phục khi nói rằng, chiến thắng của anh ở đấu trường Olympic là công sức chung của tập thể HLV, chuyên gia, VĐV, thể thao quân đội và cao nhất là ngành TDTT đã tạo cơ hội cho anh được tập luyện và thi đấu trong suốt sự nghiệp của mình. Hoàng Xuân Vinh nêu quan điểm rằng, nên trao danh hiệu cao quý đó cho ngành TDTT, chứ không cho riêng cá nhân anh.

Từ cú hích Hoàng Xuân Vinh - đặt ra thách thức mới cho ngành TDTT trong việc đầu tư phát triển thể thao đỉnh cao theo hướng chuyên nghiệp

Tức trong thâm tâm của mình, Xuân Vinh vẫn nhấn mạnh rằng vai trò định hướng và đầu tư của ngành TDTT là quan trọng nhất trong sự phát triển, không chỉ cho riêng môn bắn súng mà cho cả nền thể thao nước nhà. Ngay lập tức, nhà quản lý ngành đã phải suy nghĩ đến những việc cần làm ngay từ cú hích thành công ở Olympic 2016 là không rời rạc và “hớt ngọn” trong đầu tư mà mang tính tập trung và có trọng điểm ở những môn giàu tiềm năng như bắn súng, điền kinh, bơi lội, TDDC, vật, cầu lông…

Cũng có nghĩa, điều đó đặt ra cho ngành TDTT một thách thức mới, gian nan nhưng lại tiềm ẩn sự vinh quang đích thực. Olympic chính là thước đo cho sự phát triển của một nền thể thao và những sự kiện nhỏ hơn như giải vô địch thế giới, Asiad các SEA Games chỉ mang tính vệ tinh, mở ra những cơ hội cho các VĐV tài năng rèn luyện bản lĩnh, kinh nghiệm trước khi bước vào cuộc thi thố đẳng cấp cao với VĐV hàng đầu thế giới.

Nếu bắn súng được xây dựng trường bắn đạt tiêu chuẩn quốc tế hiện đại; nếu bơi lội vẫn tạo điều kiện tối đa cho những Ánh Viên, Phương Trâm “luyện vàng” dài hạn ở cường quốc như Mỹ; nếu TDDC khai phá thêm các tài năng khác sau Hà Thanh, Phước Hưng; điền kinh không hời hợt với Nguyễn Thị Huyền, Lê Trọng Hinh, Nguyễn Thành Ngưng… thì chắc chắn trong tương lai không xa, thể thao Việt Nam sẽ tái lập hoặc thậm chí vượt qua thành tích 1 HCV và 1 HCB mà xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vừa đạt được trên đất Brazil.

Ngân sách hoạt động của thể thao Việt Nam dẫu hạn hẹp, nhưng vẫn còn “mỏ vàng” chúng ta chưa khai thác triệt để là các nguồn lực xã hội phục vụ công tác phát triển thể thao đỉnh cao theo hướng chuyên nghiệp. Khi nhà nước và xã hội cùng chung tay, góp sức, như chiến lược mà nhiều quốc gia trong khu vực như Singapore, Thái Lan, Malaysia… đang thực hiện sẽ chẳng lo không hái được quả ngọt.

LÊ HÙNG

Tin cùng chuyên mục