Trong thời buổi kinh tế gặp nhiều khó khăn, hàng ngàn doanh nghiệp ở TPHCM tạm ngừng sản xuất kinh doanh, hoặc làm cầm chừng, hay phải giải thể thì chính quyền TPHCM phải đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn mới trong công tác giảm hộ nghèo, tăng hộ khá và bảo đảm an sinh xã hội.
Nhiều rủi ro, thiếu bền vững
Cuối năm 2011, phải trầy trật, quận 8 mới tập hợp được 37 thanh, thiếu niên con em các hộ nghèo học nghề bếp. Năm 2012, với dự định tổ chức một lớp học nghề nữa, nhưng sau thời gian dài vận động, đến nay quận mới chỉ thuyết phục được khoảng 20 thanh thiếu niên tham gia đăng ký dự học, dù được hỗ trợ toàn bộ chi phí học tập (khoảng 10 triệu đồng/khóa học 1 năm).
Những tháng đầu năm 2012, cả 3 địa phương là quận 4, 6 và huyện Nhà Bè cũng chỉ đào tạo nghề ngắn hạn cho… 45 lao động nghèo. Và cả TP mới đưa được 14 lao động nghèo đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Hàng năm, TP giới thiệu việc làm cho khoảng 11.000 lao động nghèo, chưa tương xứng với thực tế có đến hàng trăm ngàn người nghèo trong độ tuổi lao động.
Bà Lê Thị Dung, Phó phòng LĐTB-XH quận 8, chia sẻ, phải chống đỡ với nhiều khó khăn về cơm áo gạo tiền trong cuộc sống, nhiều người nghèo có tâm lý “mì ăn liền” - tham gia ngay thị trường lao động, bất kể việc gì - chứ không muốn đi học nghề. Kinh phí hỗ trợ chỉ đảm bảo cho học nghề, không đủ trang trải chi phí sinh hoạt trong thời gian học nghề nên lao động nghèo không mặn mà lắm với học nghề. Lao động nghèo đã đứng tuổi (trên 40), lại càng khó bố trí để học nghề hơn.
Trong khi giải pháp chủ yếu và phổ biến là cho vay vốn để hỗ trợ hộ nghèo tự tạo việc làm thoát nghèo thì do chưa có cơ chế phối hợp hợp lý nên việc huy động, sử dụng các nguồn vốn cho vay ưu đãi và quỹ tín dụng nhỏ cho người nghèo nên chưa tập trung hỗ trợ các dự án giảm nghèo trọng điểm, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.
Riêng Quỹ Xóa đói giảm nghèo, tiến độ giải ngân còn chậm, dẫn đến tồn quỹ cao (hiện còn tồn quỹ gần 42,4 tỷ đồng, chiếm gần 17,5% tổng quỹ); Quỹ hỗ trợ vốn cho người có đất bị thu hồi cũng còn tồn hơn 78 tỷ đồng. Gần 7.400 hộ nghèo (chiếm gần 9,5% số hộ nghèo), chủ yếu tại các quận, huyện như: 2, 5, 8, Thủ Đức, Hóc Môn… dù được hỗ trợ vốn (gần 19 tỷ đồng) vẫn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, sinh hoạt dẫn đến nợ quá hạn.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc làm đặc biệt quan trọng với người nghèo. Sở hữu rất ít tài sản nên việc làm là nguồn tạo thu nhập quan trọng nhất, thậm chí là nguồn duy nhất đối với người nghèo.
Trong bối cảnh độ bao phủ của an sinh xã hội nói chung và của bảo hiểm xã hội nói riêng là rất thấp thì việc làm đối với người nghèo cũng chính là công cụ an sinh xã hội quan trọng nhất để giúp gia đình họ tồn tại được trước tác động của rủi ro và đột biến. Tuy nhiên, dù ít người nghèo thất nghiệp nhưng chất lượng công việc – yếu tố quyết định đến thu nhập và tiếp cận đến bảo hiểm xã hội – của người nghèo lại không cao khi có khoảng 50% là những công việc kém ổn định, giản đơn như bán hàng, xe ôm, tạp vụ…
Đặc biệt, TP còn 1.730 hộ thuộc diện quá nghèo, không có khả năng tự tổ chức sản xuất, làm ăn để tích lũy nâng thu nhập. Điều đó làm giảm khả năng ứng phó với những rủi ro của cuộc sống như: giá cả tăng, bệnh tật…
Thực tế cho thấy, giá trị thu nhập thực tế và chất lượng sống của hộ nghèo đang bị giảm sút bởi giá tăng. Đó là những rủi ro thách thức đến việc giảm nghèo nhanh và bền vững. Theo tính toán, trong nhóm những người không nghèo, tỷ trọng của nhóm “chông chênh”, dễ rơi vào tình trạng nghèo là khoảng 6%.
Áp lực lớn
TPHCM còn hơn 69.000 hộ nghèo (chiếm 3,79% tổng hộ dân), trong đó có một phần là người có KT3. Song, tỷ lệ nghèo này đã phản ánh chính xác mức độ nghèo ở TP chưa, khi chưa tính đến đối tượng di cư - những gia đình, cá nhân có hộ khẩu ở các tỉnh, thành khác nhưng lại đang sống tại TPHCM. Trong khi người di cư chiếm khoảng 20% và luôn có xu hướng tăng lên, trong dân số TPHCM; tương ứng, người di cư cũng chiếm một phần trong số những người nghèo của TP.
Tốc độ gia tăng dân số cơ học tiếp tục gây áp lực lớn trong việc thực hiện mục tiêu giảm nghèo của TP. Có thể họ có thu nhập cao hơn chuẩn nghèo, nhưng thực tế lại rất hạn chế khi tiếp cận các nhu cầu cơ bản như: nhà ở, khám chữa bệnh, học tập, công việc… Dù họ thiếu hụt về nhiều mặt nhưng chương trình giảm nghèo của TP chưa có điều kiện hỗ trợ chăm lo đầy đủ. Đó cũng là thách thức đến tính bền vững và toàn diện của công tác giảm nghèo, tăng hộ khá.
TPHCM hiện có khoảng 80% là “nghèo động” – nghèo tạm thời, họ có nguồn lực về sức khỏe, trình độ, kỹ năng để tự thoát nghèo. Vấn đề là, cần một khuôn khổ toàn diện hơn để mở rộng cơ hội và nâng cao năng lực nắm bắt cơ hội giúp họ thoát nghèo bền vững, đồng thời giảm thiểu và che chắn những người không nghèo khỏi những rủi ro có xu hướng ngày một gia tăng.
Mạnh Hòa