Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha ngày 20-9 đã công bố chiến lược xây dựng một “nhà nước của nhân dân” với mục tiêu phát huy sức mạnh tổng hợp của nhà nước, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của đất nước.
Mô hình Pracha Rat
Báo Bangkok Post ngày 21-9 đưa tin, phát biểu khai mạc Diễn đàn “Đoàn kết nhà nước và người dân vì nền kinh tế của nhân dân” tại khu liên hợp Muang Thong Thani, ngoại ô Bangkok, ông Chan-o-cha cho biết chiến lược mang tên Pracha Rat này nhằm tăng cường sức mạnh của nền kinh tế từ cấp độ cơ sở và hỗ trợ các cộng đồng, doanh nghiệp địa phương. Chiến lược này cũng được triển khai đồng bộ với gói kích thích kinh tế 136 tỷ baht mà Chính phủ Thái Lan vừa thông qua.
Mô hình Pracha Rat có nghĩa là người dân, chính phủ và các doanh nghiệp phải làm việc chặt chẽ với nhau để theo đuổi sự nghiệp phát triển bền vững và giúp đỡ mọi tầng lớp, từ nông dân, công nhân và các cộng đồng ai cũng có công ăn việc làm. Theo mô hình này, quan hệ giữa người dân, nhà nước và doanh nghiệp sẽ “bình đẳng”, nghĩa là các bên sẽ có trách nhiệm giống nhau, hợp tác và hỗ trợ lẫn nhau để đạt mục tiêu chung là sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Thủ tướng Prayut Chan-o-cha tuyên bố “chúng ta phải hợp tác với nhau để giải quyết và sửa chữa những sai lầm trong quá khứ”. Tuy nhiên, ông khẳng định đây không phải là chủ nghĩa dân túy, mà là sự hợp tác giữa chính phủ và người dân.
Chính phủ Thái Lan đẩy mạnh tiếp thị hàng nông sản ra thị trường Nga
Chính phủ Thái Lan sẽ giữ vai trò điều phối, tạo điều kiện thuận lợi cho hợp tác giữa doanh nghiệp tư nhân và người dân. Chính phủ sẽ đẩy mạnh tiếp thị cho mặt hàng nông sản với các kế hoạch mở lập chợ ở các khu vực trung tâm tỉnh để nông dân có thể tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng và thương nhân. Chính phủ Thái Lan hy vọng gói kích thích 136 tỷ baht, đặc biệt dùng để cho vay thông qua các quỹ nông thôn sẽ giúp thúc đẩy các nền kinh tế địa phương và dự kiến sẽ tạo ra từ 200 tỷ baht đến 300 tỷ baht.
Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ
Ngân hàng Nông nghiệp và Hợp tác xã nông nghiệp Thái Lan (BAAC) và Ngân hàng Tiết kiệm nhà nước (GSB) sẽ được giao nhiệm vụ đứng ra tổ chức các khoản tín dụng có thời hạn 7 năm cho 59.000 Quỹ phát triển làng với mức cho vay 1 triệu baht/làng và không tính lãi trong 2 năm đầu. Đặc biệt, các hộ thu nhập thấp ở nông thôn sẽ bị cấm sử dụng khoản vay này để trả nợ. Bộ Nội vụ Thái Lan cũng sẽ chủ trì việc phân bổ ngân sách dự phòng khoảng 36,275 tỷ baht đến 7.255 xã, phường đối với năm tài khóa 2015 và 2016. Các cơ quan và doanh nghiệp nhà nước cũng sẽ đẩy mạnh giải ngân cho các dự án nhỏ có mức đầu tư dưới 1 triệu baht trên quy mô toàn quốc. Chính phủ cũng sẽ mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, cụ thể là mở các chợ lớn tại nhiều tỉnh để nông dân có thể trực tiếp giao dịch với người tiêu dùng và thương lái.
Ngoài ra, Chính phủ Thái Lan cũng đưa ra một gói kích thích kinh tế thứ hai hướng đến cung cấp các khoản tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Gói kích thích này gồm 100 tỷ baht tín dụng, 100 tỷ baht bảo đảm tín dụng để khuyến khích các ngân hàng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ vay tiền với mức lãi suất 10% trong 2 năm, miễn thuế thu nhập 5 năm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khởi nghiệp, các ngân hàng nhà nước có thể hỗ trợ 6 tỷ baht trong các công ty liên doanh vốn…
Ngày 14-9 vừa qua, Bộ Thương mại Thái Lan cũng đã thông báo 6 giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy hoạt động xuất khẩu của nước này tăng trưởng bền vững sau khi các số liệu cho thấy xuất khẩu đã giảm 3% từ đầu năm đến nay. Cùng với mô hình Pracha Rat, người dân Thái Lan tin tưởng rằng tình hình kinh tế sắp tới sẽ được cải thiện đáng kể sau giai đoạn thăng trầm do bất ổn chính trị.
Hạnh Chi (tổng hợp)