Hôm nay, 23-2, CHDCND Triều Tiên (Triều Tiên) và Mỹ sẽ tiến hành vòng đối thoại lần thứ 3 tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Cuộc đối thoại song phương cấp cao lần này được dư luận hết sức quan tâm. Bởi đây là cuộc gặp đầu tiên giữa 2 nước kể từ khi nhà lãnh đạo Kim Jong-il qua đời.
Trước cuộc gặp, hầu hết các nhà phân tích chính trị đều nhận định sẽ tạo ra một bước đột phá trong vấn đề phi hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Mục tiêu Mỹ có thể đặt ra trong đối thoại lần này là thuyết phục Triều Tiên quay lại bàn đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân đã bị ngưng trệ từ tháng 4-2009. Vấn đề Mỹ trợ cấp lương thực cho Triều Tiên sẽ được đặc phái viên của Mỹ về vấn đề Triều Tiên Glyn Davies và Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Kim Kye-Gwan thảo luận. Hai bên đang tồn tại bất đồng về vấn đề này. Cuối năm 2011, Mỹ tuyên bố muốn cung cấp 240.000 tấn hàng viện trợ giúp Triều Tiên không bao gồm ngũ cốc và gạo, trong khi Triều Tiên đang đối phó với nạn thiếu lương thực.
Cuộc gặp không kỳ vọng tạo sự đột phá nhưng quan trọng bởi kết quả sẽ phản ánh được lập trường, chính sách của Mỹ và Triều Tiên trong giai đoạn chuyển giao quyền lực tại Bình Nhưỡng. Konstantine Asmolov, chuyên gia Viện Nghiên cứu Viễn Đông (Nga), cho rằng Mỹ sẽ nhân cơ hội này để đánh giá thái độ của chính quyền ở Bình Nhưỡng dưới sự điều hành của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Điều này hết sức quan trọng đối với Washington trong việc xây dựng chiến lược ngoại giao nhằm giải quyết các vấn đề quan hệ song phương, chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng...
Trong thời gian qua, chính quyền Obama thường xuyên sử dụng chiến thuật kiên nhẫn. Theo đó, Mỹ chờ đợi sự thay đổi để đưa ra hành động phù hợp bối cảnh chính trường Triều Tiên. Sau khi ông Kim Jong-il qua đời, Mỹ luôn tìm mọi cách để đánh giá sức mạnh, uy tín nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Cuộc đối thoại lần này chắc chắn trở thành “bài kiểm tra” đối với nhà lãnh đạo trẻ của Triều Tiên.
Trong khi đó, với Triều Tiên, đây như cơ hội để nhận định Washington có sẵn sàng lắng nghe Triều Tiên, có thiện chí xây dựng mối quan hệ tin tưởng Mỹ-Triều Tiên. Sau khi ông Kim Jong-un lên nắm quyền, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã tuyên bố Mỹ hy vọng sẽ cải thiện mối quan hệ với Triều Tiên dưới sự lãnh đạo của ông Kim Jong-un. Tuy nhiên, việc Mỹ thay đổi một số điều kiện về viện trợ lương thực khiến dư luận Triều Tiên hồ nghi thiện chí của Mỹ.
Cộng đồng quốc tế sẽ được thấy chính sách đối ngoại của Triều Tiên dưới thời ông Kim Jong-un qua cuộc gặp lần này: vẫn cứng rắn như thời cha ông hay mềm dẻo, linh hoạt, cởi mở hơn. Trước khi diễn ra đối thoại, Triều Tiên đã chấp nhận hãng tin AP của Mỹ mở văn phòng đại diện tại nước này. Cùng với việc đồng ý nối lại đối thoại song phương, giới quan sát cho rằng chính quyền Bình Nhưỡng trong chừng mực nào đó ít nhiều cũng bắt đầu muốn “mở cửa” với bên ngoài.
Có thể nói, đối thoại Mỹ - Triều Tiên lần 3 diễn ra trong thời điểm cả hai bên đều khó có thể đưa ra những đột phá. Bộ máy lãnh đạo mới ở Bình Nhưỡng đang muốn chứng tỏ khả năng “đứng vững” trong giai đoạn chuyển giao quyền lực đầy nhạy cảm. Trong khi đó, Washington cũng khó lòng chịu nhún nhường khi cuộc chạy đua vào Nhà Trắng chuẩn bị diễn ra. Đây chỉ là bước thăm dò thái độ để hai bên phần nào định hình được các bước tiếp theo trong mối quan hệ nhiều sóng gió.
Đỗ Văn