Thảm họa từ công trình kém chất lượng

Kênh mương thoát lũ Đường Đệ (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa) được thiết kế để điều tiết lũ sau những trận mưa lớn; tuy nhiên, công trình này lại chính là “thảm họa” đối với người dân sau sự cố vỡ kênh khiến dân chúng hoang mang, bức xúc. Điều đáng nói hơn, sự cố này đã được người dân cảnh báo từ trước.
Thảm họa từ công trình kém chất lượng

Kênh mương thoát lũ Đường Đệ (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa) được thiết kế để điều tiết lũ sau những trận mưa lớn; tuy nhiên, công trình này lại chính là “thảm họa” đối với người dân sau sự cố vỡ kênh khiến dân chúng hoang mang, bức xúc. Điều đáng nói hơn, sự cố này đã được người dân cảnh báo từ trước.

Cứu người lúc vỡ kênh Đường Đệ

Ngày kênh vỡ kinh hoàng

Một ngày cuối năm, chúng tôi trở lại tổ dân phố 13, khu dân cư Đường Đệ - nơi có kênh mương thoát lũ bị vỡ cách đây hơn 3 tuần. Cả dãy phố trên đường Ngô Văn Sở - tuyến đường chạy dọc kênh mương Đường Đệ, vẫn trong cảnh hoang tàn. Những viên đá cuội to bằng nắm tay đến những tảng đá hàng tấn nằm ngổn ngang từ nhà dân ra đến giữa lòng đường, vỉa hè. Dãy phố vắng hoe bởi nhiều gia đình đã đi lánh nạn sau sự cố vỡ mương thoát lũ, vẫn chưa được khắc phục.

Trong căn nhà khang trang 3 tầng của chị Út Hạnh có 3 cục đá nặng đến hàng tấn nằm lọt giữa lòng nhà. Chị Hạnh cho biết, do tảng đá nặng quá nên dù đã thuê người khiêng nhưng bất thành, chỉ biết chờ nước rút để thuê xe kéo vào kéo đi. Nhà chị Hạnh và khoảng chục căn nhà khác nằm ngay điểm kênh mương Đường Đệ bị vỡ nên chịu thiệt hại nặng nhất. Căn nhà mới xây hơn 1 năm, nay đất đá làm sập hoàn toàn bức tường phía sau nhà. Trong nhà, nhiều bức tường ngăn bị đá làm biến dạng, có trụ bê tông bị đá va đập lòi cả phần sắt bên trong. Sau sự cố này, chị Hạnh xin cơ quan nghỉ việc cả tuần để lo dọn dẹp, nhưng do nhà bị hư hỏng quá lớn, chị chẳng biết bắt đầu dọn dẹp từ đâu. Nói rồi, chị rươm rướm nước mắt nhìn ngôi nhà và lặng người đi vì chẳng ai đến hỏi chuyện đền bù.

Dân cư khu vực Đường Đệ tan hoang sau vụ vỡ kênh

Theo người dân, rạng sáng 13-12 vừa qua, sự cố kênh mương thoát lũ Đường Đệ bị vỡ khiến ai nấy đều hoảng hồn. Nguyên nhân do mưa lớn, nước từ trên núi đổ về khiến khoảng 20m kênh mương đầy ắp nước bị phá vỡ. Hàng ngàn tấn đất đá cuốn theo dòng nước đổ thẳng vào nhà dân dưới triền núi. Nước cùng đất, đá đổ về mạnh và nhanh đến nổi người dân chỉ kịp thoát thân, còn bao nhiêu vật dụng trong nhà mặc trôi theo dòng nước cuốn.

Ông Lê Cho, một người dân ở sát điểm kênh bị vỡ, nhớ lại: “Mấy ngày trước đó, khu vực TP Nha Trang có mưa lớn, nước từ trên núi đổ về suối Hồ Cừa rồi thoát ra kênh mương Đường Đệ. Kênh mương này cách nhà dân chỉ 3 - 5m nên tôi cảm nhận rất rõ mọi diễn biến của nó. Rạng sáng 13-12, vừa tỉnh giấc tôi nghe nước ào ào đổ về kéo theo đá tảng va đập vào bức tường sau nhà nên hối thúc gia đình bỏ chạy. Chỉ rời nhà chừng vài phút, tôi nghe những tiếng va đập như bom nổ vang lên. Nhiều bức tường nhà dân bên cạnh nhà tôi bị những tảng đá lớn làm sập hoàn toàn, kéo theo đó là nước như thác đổ dồn dập. Cả khu phố hoang mang, ai nấy cố chạy thoát thân. Lực lượng cứu hộ của tổ dân phố không thể tiếp cận được hiện trường bởi nước cuốn theo đá ào ào chảy xuống, rất nguy hiểm”.

Dù đến nay thảm họa đã qua đi, nhưng chị Trần Thị Bé Thảo (36 tuổi, đường Ngô Văn Sở, phường Vĩnh Hòa) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại cảnh tượng hôm kênh mương bị vỡ. Sáng đó, chị Thảo và 3 con nhỏ đang ở nhà, còn chồng đi làm xa. Khi kênh thoát lũ Đường Đệ ở phía sau bị vỡ, cuốn phăng đất đá xuống khu dân cư phía dưới và chảy cuộn như thác vào nhà. Trong dòng nước lũ cao hơn 1m, đứa con thứ của chị là cháu Văn Ngọc Vương (8 tuổi) bị cuốn trôi từ trong nhà ra ngoài đường khoảng 10m. Thấy con bị lũ cuốn, chị Thảo vội đặt 2 đứa còn lại lên kệ tivi rồi lao theo dòng nước cứu con, mặc cho đá cuội đập vào thân. Chới với nắm được tay con nhưng cả 2 mẹ con lại bị dòng lũ cuốn lăn vòng, chà xát vào đất đá thêm hàng chục mét. “Lúc đó nước lũ cuồn cuộn, tôi chỉ biết lao theo cứu con chứ thật sự không biết cảnh tượng xung quanh lúc đó. Cứu được bé, tôi lại nghe tiếng kêu “Mẹ ơi! Mẹ ơi!…” của 2 đứa còn lại nên vội lao ngược dòng nước lũ vào nhà”, chị Thảo bàng hoàng kể lại.

Công trình “hại dân”

Năm 2002, tỉnh Khánh Hòa phê duyệt dự án xây dựng hệ thống thoát lũ khu dân cư Đường Đệ (do Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa làm chủ đầu tư) với tổng vốn hơn 20 tỷ đồng.

Theo dự án, nước từ núi Hòn Khô chảy xuống hồ điều hòa Suối Tôm sẽ được dẫn xuống hệ thống thoát nước ra biển qua kênh thoát lũ Đường Đệ dài 1.165m. Đến nay, sau 14 năm, dự án này vẫn chưa thực hiện hoàn chỉnh, nhưng tình trạng nước thấm qua đáy kênh, gây sạt lở mái ta-luy ngày càng nghiêm trọng. Qua nhiều lần phản ánh của người dân, tháng 10-2013, tỉnh Khánh Hòa cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa lập dự án xử lý nước thấm qua đáy kênh thoát lũ. Cuối năm 2014, đơn vị tư vấn đưa ra phương án xử lý với số vốn thực hiện hơn 23,3 tỷ đồng. Với phương án này, tỉnh Khánh Hòa không chấp nhận, đồng thời chỉ đạo tìm phương án khác. Tuy nhiên, đến nay mọi việc vẫn bế tắc. Theo đánh giá của Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa, Trung tâm Phát triển quỹ đất Khánh Hòa chưa làm hết trách nhiệm, chưa tuân thủ đúng tiến độ thực hiện dự án vì để công trình kéo dài và gặp nhiều khuyết điểm, vừa thi công đã phải đầu tư khắc phục sự cố hư hỏng.

Có nhiều ý kiến cho rằng, lỗi thiết kế để dòng suối từ núi Hòn Khô đổ thẳng vào kênh mương thoát lũ Đường Đệ là nguyên nhân chính khiến kênh này bị vỡ. Tuy nhiên, người dân khu vực này còn đưa ra nguyên nhân thực tế hơn, họ cho rằng công trình này làm giả dối, kém chất lượng. Bởi thực tế bờ ta-luy ximăng bên trong lòng kênh có nhiều vết nứt dài, dưới đáy có nhiều vị trí bị xói lở về phía khu dân cư. Bờ kênh bằng đất phía sát với khu dân cư chỉ còn rộng 2 - 3m nên bờ mương rất yếu, dễ vỡ khi mưa lớn kéo dài. Trước khi kênh mương thoát lũ Đường Đệ được xây dựng, dân ở đây sống yên ổn, dù mưa lớn cỡ nào nước cũng không tràn vào nhà. Dự án kênh mương xây dựng gom nước về một chỗ rồi đổ ra biển qua kênh mương nhưng công trình xây dựng không đảm bảo, chẳng khác gì “quả bom nước” được tạo ra trên đầu dân.

Theo bà Lê Thị Hạnh, Tổ trưởng Tổ dân phố 13, khu dân cư Đường Đệ: “Năm 2007, kênh mương Đường Đệ này cũng xảy ra sự cố nhưng mức độ nhẹ. Không hiểu sao, sau đó chính quyền vẫn cho dân lên tái định cư ngay dưới chân núi”.

Tai họa xảy ra mới khắc phục

Đến thời điểm nay, công trình kênh mương thoát lũ Đường Đệ chính là thủ phạm gây ra thiệt hại vật chất và làm dân chúng hoang mang. Tuy nhiên, chính quyền địa phương chưa có ai lên tiếng nhận trách nhiệm cũng như đưa ra phương án bồi thường thiệt hại nên dân càng bức xúc.

Ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa, cho biết chính dòng lũ từ suối Hố Cừa đã phá vỡ kênh, vì đây là con suối chảy xuống từ triền dốc cao, lưu lượng nước lớn. Trước kia, khi chưa có kênh mương này, người dân cũng đã tránh, không dám làm nhà ở ngay dòng lũ chính. Sau sự cố, phường cử một số cán bộ đến giúp dân dọn dẹp, nhưng dân không cho vào vì họ muốn giữ nguyên hiện trường chờ bộ phận đến kiểm tra, lập biên bản để có cơ sở bồi thường. “Những ai đã tận mắt chứng kiến cảnh lũ dữ mà những người dân phải hứng chịu sẽ đồng cảm, hiểu được sự hoang mang của họ. Theo tôi, không nên bố trí nhà ở tại khu vực đã bị lũ quét, vì không ai dám chắc không có chuyện vỡ kênh lần nữa”, ông Đông nói.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Tiến Lưu, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Khánh Hòa, cho biết khi thiết kế dự án này, đơn vị tư vấn đã không lường được tình trạng nước mưa thấm vào lòng núi, tạo nước ngầm chảy dưới đáy kênh mà chỉ nghĩ làm kênh để gom nước mặt. Khảo sát của đơn vị tư vấn mới đây cho thấy, có 85% nước từ lòng núi chảy bên dưới đáy kênh. Tuy nhiên, kết quả thẩm định này đến nay đã gần 1 năm, nhưng chủ đầu tư chưa có giải pháp khắc phục vì phương án đưa ra không được UBND tỉnh Khánh Hòa phê duyệt, yêu cầu tìm phương án khác. Còn theo ông Đào Công Thiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, tỉnh vừa phê duyệt phương án xử lý nước thấm qua đáy kênh thoát lũ Đường Đệ với mức kinh phí 5,7 tỷ đồng và sẽ thực hiện trong năm 2017.

Như vậy, chỉ sau khi kênh mương bị vỡ, tỉnh Khánh Hòa mới đôn đốc phê duyệt kinh phí sửa chữa!?

KHÁNH NGÂN

Tin cùng chuyên mục