Trải qua biết bao thăng trầm cùng những tán rừng, con nước, họ vẫn bám trụ, bảo vệ “lá phổi xanh” của TP. Đối với họ, đó là hoàn thành mục tiêu noi theo gương Bác Hồ kính yêu. Họ gieo mầm tinh thần học tập ấy dưới từng tấc đất phèn ở nơi xa xôi nhất TPHCM.
Những lần “kích đêm”
Màn đêm phủ xuống rừng phòng hộ. Ghe máy của đội quản lý bảo vệ rừng Lôi Giang (thuộc Xí nghiệp Dịch vụ công cộng, Công ty TNHH một thành viên Dịch vụ công ích Thanh niên xung phong TPHCM) cập sát mé một nhánh sông. Trên ghe, đội trưởng Vũ Đức Thắng cùng một số anh em ngồi đốt nhang muỗi, uống trà. Đây là nhiệm vụ tuần tra đêm quen thuộc của những người giữ rừng phòng hộ Cần Giờ. Họ gọi nhiệm vụ trên bằng cái tên địa phương thân thuộc: “đi kích đêm”.
Vừa uống trà mọi người vừa chăm chăm quan sát, lắng nghe tiếng động trên sông và trong rừng, đợi thủ phạm chặt phá rừng ra là bắt quả tang ngay. Bỗng nhiên, một ghe lạ chạy ngang. Nghi ngờ trên đó có lâm sản trái phép, các anh lập tức nổ máy, quay đầu đuổi theo. Ghe tuần tra cặp sát ghe lạ, các anh nhanh chóng tiếp cận và kiểm tra.
Anh Thắng nói thời gian này là mùa nước lên, lâm tặc dễ hoạt động nên người giữ rừng tăng cường tuần tra, canh gác. Người phá rừng chực chờ chiều xuống, nước đầy trên những nhánh sông là bắt đầu len lỏi vào chặt cây. Củi chặt ra để sẵn ở mé rừng, đợi đến đêm cho ghe vào chuyển ra ngoài tiêu thụ. Đội tuần tra thường phục kích ở những nơi thuyền có thể thẩy neo. Có tiếng ghe lạ là các anh rọi đèn pha sáng cả khúc sông. Nói nghe trơn tru thế nhưng có chứng kiến hay đụng đúng chuyện thì gian truân lắm. Khi tiếp cận kiểm tra, có nhiều đối tượng sống chết bảo vệ tài sản nên không ngần ngại quăng cây đước thẳng về hướng các anh. Không ít thành viên trong đội bị thương chảy máu đầu, trầy xước mặt. Vậy mà cũng có lần các anh bắt trọn 5 - 7 ghe có 20 người chở củi lậu. Gắn bó với “lá phổi xanh” từ năm 1992, giống nhiều thành viên trong đội, anh Thắng tích lũy vô số kinh nghiệm từ những lần kích đêm, tuần tra, canh phòng. “Cuối năm, nhu cầu củi nấu tăng cao nên người ta hay đi ăn trộm trong rừng. Vì vậy, từ thời điểm này trở đi, các đội, chốt giữ rừng phải đi kích đêm nhiều. Đội Lôi Giang có 30 người chia nhau giữ 20 chốt (hộ gia đình, cá nhân) nằm rải rác, mỗi chốt cách nhau khoảng 3 cây số đường sông. Để công tác tuần tra, trực chốt đạt hiệu quả cao, hai chốt giáp nhau phối hợp khi đi kích đêm. Từ sông lớn, người dân thường quẹo vô rạch gần đó chặt trộm cho dễ vác ra. Được cái, tiếng dao, búa chặt đước có thể vang từ 2 - 3 cây số. Nước càng ngập thì vang càng xa. Mình cứ theo tiếng động, dấu chân người mà tìm vào. Hoặc khi mình thấy mé bờ trống, in nhiều dấu chân thì tấp vô, lội lên xem ngay”, anh Thắng chia sẻ.
Ngót 31 năm canh rừng phòng hộ, ông Tống Bá Toàn nhớ có lần trong lúc tuần tra đêm, ông và một người đi chung phát hiện cây trong rừng bị giẫm nát. Lần theo dấu vết, ông Toàn thấy hai người đang lén lút đốn cây. Trong tay họ có dao, búa, trong khi ông và đồng đội không một tấc sắt trên tay. Suy tính tới lui, ông không công khai đối chọi mà cử người cùng đi về đội báo tin, nhờ hỗ trợ. Bằng cánh xử trí thực tế, người vi phạm bị bắt quả tang, chịu phạt. Những lần nước lớn, lâm tặc đưa ghe vào vận chuyển gỗ. Các chốt phải thức canh sáng đêm.
Gia đình chị Trương Thị Quý đi tuần tra
Nương theo con nước
Đúng như lời ông Toàn nói, không chỉ hoạt động tuần tra, canh gác mà cuộc sống của những người giữ rừng nơi đây cũng phụ thuộc vào con nước. Khi nước ròng (nước lên) thì mọi việc thuận lợi hơn mùa nước cạn.
Vào lúc 1 giờ, vợ chồng chị Trương Thị Quý, anh Huỳnh Mộng Anh thức dậy, chuẩn bị đi soi con nha (một loại cua nước lợ, còn gọi là con ba khía). Anh cầm đèn cùng dụng cụ lên ghe, chị ở nhà chuẩn bị nhóm lửa. Soi nha, bắt chem chép, cua… là việc làm thêm hầu như gia đình nào cũng làm kết hợp trong lúc tuần tra. Bơi ghe vào rạch nhỏ, anh Huỳnh Mộng Anh bắt đầu soi đèn vô mấy gốc cây. Con nha thấy ánh đèn bu vào đấy. Chị Quý kể nếu mỗi gốc cây có 5 - 7 con thì xem như người bắt trúng đậm. Từ ngày 15 - 19 trong tháng, nha mới xuất hiện. Ngày xưa, nha trong rừng phòng hộ bắt mỏi tay không hết. Giờ các gia đình phải đi xa lắm mới mong kiếm được vài ba kilôgam. Soi từ 1 - 5 giờ sáng, anh chị kiếm được nhiều nhất 300.000 đồng. “Tháng trước gia đình tôi còn chiếc ghe gỗ từ thời ba tôi giữ rừng để lại. Ghe lủng tới đâu, lấy sơn trét vô tới đó. Máy cứ hư hoài. Vừa rồi, chúng tôi được nhận vỏ lãi nên việc đi lại thuận tiện hơn nhiều. Qua tết, nước hạ, chúng tôi lại không biết mần chi thêm”, chị Quý nói. Hai con đi học, cha bị tai biến nên thu nhập từ cánh rừng không đủ giúp quang gánh trên vai anh chị hết nặng. Anh chị phải tranh thủ làm thêm để tăng thu nhập. Hầu như những gia đình trẻ nhận các chốt rừng đều nối nghiệp cha mẹ. Như chị Quý, từ nhỏ chị đã theo cha bơi xuồng đi tuần tra, canh giữ xuyên đêm. Chị thông thuộc đường đi lối lại trong rừng là bởi thế.
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Xuân, Trần Thị Cẩm cũng vậy. Anh Xuân hay nói vui mình thừa kế “sản nghiệp vô giá” từ cha, đó là công việc canh giữ cánh rừng bạt ngàn. Cha anh vào rừng từ năm 1997, đến năm 2003 thì chuyển giao cho gia đình anh. Hai vợ chồng anh sống trong chốt, gửi con về bà nội. Hàng ngày, hai vợ chồng vừa đi tuần vừa tranh thủ bắt chem chép, ốc. Mùa nước ròng, ban đêm anh chị đi soi nha như mọi người. Nửa tháng, anh chị mới về thăm con, luân phiên người đi, người ở lại trực chốt. Anh Xuân cho hay trong lúc tuần tra, anh phát hiện người lạ vô rừng rải thuốc hại cá, tôm cho dễ đánh bắt thì anh đuổi ra ngay. Họ thấy rừng có người giữ thì không quay lại lần nào nữa.
Bảo vệ an toàn rừng phòng hộ không chỉ là canh phòng, kích đêm mà còn là giám sát, theo dõi diễn biến rừng. Khi đi tuần, tất cả mọi người luôn để ý cây sâu bệnh, ngã đổ, chết do hiện tượng tự nhiên, rồi về báo cáo cấp trên.
Theo anh Vũ Đức Thắng, khó khăn từ bao năm qua mà người giữ rừng đối mặt là tình trạng thiếu nước ngọt. Cứ qua Tết Nguyên đán thì các chốt phải mua 100.000 đồng/m3 nước. Dùng tiết kiệm lắm thì một năm mỗi chốt xài hết 20m3. Mùa khô, mọi người tắm, giặt nước mặn xong lên bờ xối qua ít nước ngọt. |
KỲ LÃM