Thầm lặng vì sức khỏe cộng đồng

Trong 5 năm qua, tập thể bác sĩ, tình nguyện viên y học cộng đồng (YHCĐ) đã thực hiện dự án chăm sóc sức khỏe cộng đồng phi lợi nhuận, nhằm cung cấp những thông tin hữu ích đến mọi người, nhất là góp phần chấn chỉnh thông tin nhiễu chẩn bệnh qua mạng.

Các bác sĩ, tình nguyện viên dự án y học cộng đồng họp mặt, trao đổi công việc
Các bác sĩ, tình nguyện viên dự án y học cộng đồng họp mặt, trao đổi công việc

Chia sẻ kiến thức về ung thư

Để thực hiện việc cung cấp, tư vấn, chia sẻ kiến thức về ung thư, nhất là kiến thức phẫu thuật, điều trị, hóa trị, chăm sóc bệnh nhân ung thư, bước đầu nhóm YHCĐ này quy tụ được trên 10 chuyên gia y tế, các bác sĩ chuyên ngành tham gia.

Trang hỗ trợ về bệnh nhân ung thư trên mạng xã hội Facebook (tại địa chỉ https://www.facebook.com/groups/hotrobenhnhanungthu/) là một “tiểu dự án” và là một trong những hoạt động phi lợi nhuận vì cộng đồng, thuộc dự án YHCĐ, được lập nên bởi nhiều bác sĩ trẻ, tu nghiệp sinh nước ngoài và chuyên gia IT, với tiêu chí chung là mang thông tin bổ ích, khoa học và chân xác nhất đến với người bệnh, đến với cộng đồng.

Đây là hoạt động tiếp sau sự thành công của việc xây dựng cộng đồng Nhi khoa với sự tham gia của 25 bác sĩ, có sự tương tác, đón nhận của hàng ngàn bà mẹ khắp mọi miền trong những năm gần đây, qua website https://yhoccongdong.com/. Website dự án với những bài viết gần gũi, giao diện thân thiện, không nhận quảng cáo.

Trưởng dự án YHCĐ, TS-BS Phạm Nguyên Quý chia sẻ: “Hiện nay, nhu cầu chăm sóc và tư vấn sức khỏe ngày càng cao, thói quen tìm kiếm thông tin sức khỏe qua internet ngày càng phổ biến, nên nhiều hội nhóm dành cho bệnh nhân ra đời, có sức lan tỏa rất lớn trên mạng xã hội. Tuy nhiên, một thực tế là nhiều hội nhóm do những quản trị viên không chuyên quản lý, từ đó đem tới nhiều hệ lụy, như tư vấn bệnh tràn lan, thông tin sai lệch, gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc phòng và điều trị bệnh. Với bệnh nhân ung thư, vấn đề chăm sóc giảm nhẹ ở Việt Nam chưa được phát triển như các nước. Chính vì những lý do đó mà dự án YHCĐ do các bác sĩ chuyên về ung thư và chăm sóc giảm nhẹ trong và ngoài nước lập ra để hỗ trợ bệnh nhân ung thư, là nơi để các bác sĩ và nhân viên y tế liên quan có thể tư vấn, chia sẻ các kiến thức của mình cho mọi người, đặc biệt là bệnh nhân và người thân. Tất nhiên tư vấn online không thay thế bác sĩ điều trị được, mà chỉ là tham khảo như ý kiến thứ 2 thôi”.

Thư viện y tế tiện ích

Chị Hoàng Thị Mỹ Hạnh, một tình nguyện viên của dự án YHCĐ đang sống ở TPHCM, tham gia dự án khi đang còn là sinh viên, nay chị đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn tiếp tục vì đã gắn bó với công việc này. Chị còn là người giữ vai trò đồng điều hành, quản lý dự án.

Chị kể: “Công việc ở dự án giúp mình tiếp xúc với nhiều bác sĩ tâm huyết. Dù còn nhiều khó khăn nhưng bao năm qua cũng đủ chứng tỏ dự án này là nơi kết nối những bác sĩ nhiệt thành, tâm huyết với cộng đồng. Mọi người mong ước dự án sẽ là một thư viện y tế tiện ích dành cho cộng đồng”.

Nhiều bác sĩ, chuyên gia công nghệ thông tin ở TPHCM, Huế và Hà Nội đang không quản ngày đêm làm việc không lương cho dự án.

TS-BS Nguyễn Hữu Châu Đức, chuyên gia nhi khoa và cũng là sáng lập viên của dự án từ khi còn tu nghiệp ở Nhật Bản. Anh đang giảng dạy và điều trị ở Bệnh viện Y Dược Huế và Bệnh viện Trung ương Huế. Tuy bận rộn với công việc chuyên môn nhưng anh vẫn nhiệt tình tham gia công việc thiện nguyện phục vụ cộng đồng này. Anh nói: “Hễ chia được thời gian cho cộng đồng thì chia thôi”. Hiện nay, để thông tin đa dạng, hữu ích cho cộng đồng, dự án YHCĐ còn kết nối với một số nhóm, diễn đàn, câu lạc bộ y khoa uy tín ở trong và ngoài nước để tương tác, hỗ trợ, chia sẻ thông tin, dữ liệu vì sức khỏe cộng đồng.

Dự án YHCĐ được khởi đầu với mục tiêu cải thiện dân trí về y tế bằng cách tập hợp, biên soạn và truyền tải thông tin y tế xác thực qua website thân thiện hay trang mạng xã hội, eBook; thiết lập mạng lưới bao gồm các bác sĩ chuyên khoa có tâm vì cộng đồng để tư vấn online, giúp bệnh nhân có được thông tin tham khảo cần thiết. Sau gần 5 năm hoạt động, dự án đã thu hút được 200 thành viên, bao gồm 80 bác sĩ và 120 cộng tác viên. Hàng ngàn bài viết, dữ liệu, thông tin trên các chuyên ngành sản khoa, nhi khoa, ung thư, nội khoa, ngoại khoa, răng hàm mặt… đã được đăng tải.

Cùng với những vấn đề chuyên môn phức tạp, cần kiến thức chuyên sâu, còn vô vàn bài viết liên quan đến khoa học thường thức, thói quen ăn uống, sinh hoạt, ảnh hưởng đến sức khỏe; đến những vấn đề gần gũi như dạy bơi cho trẻ em thế nào, có nên nhỏ sữa mẹ vào mắt, mũi của bé hay không… cũng được đăng tải trên website dự án.

Tin cùng chuyên mục