Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2011 của Ban Chỉ đạo TPHCM về phòng, chống tham nhũng cho biết, năm qua các cơ quan chức năng đã phát hiện, xử lý 10 vụ tham nhũng với số tài sản thất thoát là 129 tỷ đồng. Báo cáo cũng cho biết, so với năm 2010, số vụ tham nhũng giảm 7 vụ nhưng số bị can lại tăng 16 vụ.
Nhìn vào con số trên khó có thể đánh giá một cách chính xác thực tế hiện nay số vụ tham nhũng và số bị can giảm hay tăng. Thống kê trong 10 vụ tham nhũng bị phát hiện cho thấy, hành vi tham nhũng ở lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, tài chính, ngân hàng chiếm phần lớn. Các hành vi tham nhũng ở lĩnh vực khác như: cấp, duyệt dự án đầu tư; thuế; hải quan; cấp phép xây dựng; bố trí, tuyển dụng cán bộ, công chức; điều tra tội phạm; xử lý các vụ vi phạm về giao thông, trật tự đô thị… hầu như không có. Phải chăng, các lĩnh vực trên tham nhũng đã không còn đất sống?
UBND quận 12 vừa ra quyết định xử lý kỷ luật 12 cán bộ, công chức là lãnh đạo từ cấp phường đến cấp quận, vì để xảy ra vụ chuyển nhượng, xây dựng trái phép hàng chục căn nhà tại địa bàn phường Thới An. Sự tồn tại của những căn nhà xây dựng trái phép này được cho là có sự bảo kê của một số cán bộ có chức, có quyền, ký xác nhận cập nhật hẻm giới cho một đầu nậu biến hàng ngàn mét vuông đất nông nghiệp thành khu dân cư.
Điều đáng nói là sự việc diễn ra trong thời gian dài và người dân ai cũng biết, nhưng chính quyền chỉ biết vụ việc khi có đơn tố cáo. Vụ việc trên, theo quy định không được cho là vụ tham nhũng, vì không có bằng chứng vụ lợi cá nhân, do vậy các cá nhân liên quan chỉ bị kiểm điểm, xử lý về trách nhiệm.
Cũng trong năm 2011, qua thanh tra về kinh tế, xã hội, Thanh tra TP “giật mình” khi phát hiện tại một số dự án, chủ đầu tư đã nợ tiền thuế sử dụng đất lên tới hơn 400 tỷ đồng. Số nợ này bị “treo” trong nhiều năm nhưng không có cơ quan chức năng nào phát hiện, hoặc “nhắc” trả, để mặc nhiên cho chủ đầu tư chiếm dụng.
Theo Thanh tra TP, số vụ nợ thuế trên chỉ là ngẫu nhiên phát hiện, trên thực tế, kiểu nợ nần này khá phổ biến với số tiền thuế thất thoát có khả năng lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Chắc chắn hành vi này không thể chỉ một mình chủ đầu tư thực hiện được, mà phải có sự tiếp tay của nhiều ngành, nhiều cấp - mà cụ thể là những cán bộ có chức, có quyền tại các cơ quan có thẩm quyền. Đây là hành vi mà Thanh tra TP cho rằng có dính dáng đến tham nhũng và nếu không thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh, số vụ và số tiền thất thoát sẽ rất lớn.
Chỉ vài dẫn chứng nêu trên cho thấy rõ ràng khó có thể nói tham nhũng đã giảm về thực chất, mà đang có xu hướng tăng cả về số vụ lẫn tính chất và hành vi. Chính vì vậy, thời gian tới, các cơ quan thẩm quyền cần vào cuộc mạnh hơn, quyết liệt hơn mới mong tham nhũng giảm thực sự.
HOÀI NAM