- Quy định cụ thể hơn “Quyền được giữ bí mật thông tin”
(SGGP).– Thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người, tại phiên họp sáng 23-3, các đại biểu Quốc hội đã quan tâm cho ý kiến về khái niệm “hành vi mua bán người và các hành vi có liên quan”; các quyền của nạn nhân; việc tiếp nhận, xác minh nạn nhân bị mua bán trong nước, bảo vệ an toàn cho nạn nhân, việc thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân và hoạt động của các cơ sở này...
Phát biểu tại phiên họp, ĐB Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) bày tỏ: “Có nhiều cơ quan liên quan đến việc này. Quy định lòng vòng giữa các cơ quan, trong khi chưa xác minh được thông tin về nạn nhân (thời gian tối đa lên tới 2 tháng), Phòng LĐTB-XH làm sao có thể bố trí ăn ở, chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân trong suốt thời gian dài như vậy”? ĐB đề nghị nên động viên và đưa ngay những người có điều kiện về với gia đình, các trường hợp khác đưa về cơ sở bảo trợ xã hội. Với mong muốn giảm bớt những tác động bất lợi từ việc bị mua bán đến cuộc sống của các nạn nhân sau này, ĐB Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) đề nghị bổ sung những quy định cụ thể hơn về “quyền được giữ bí mật thông tin” cho nạn nhân bị mua bán (về hình ảnh nhận dạng, đời tư...).
ĐB Nguyễn Đình Xuân (Tây Ninh) đề cập đến một hành vi mới phát sinh trong đời sống xã hội: hiện tượng đẻ thuê được phát hiện ở Thái Lan trong thời gian gần đây. ĐB cho rằng, đây cũng là một trường hợp mua bán trẻ em, mà người đẻ thuê vừa là nạn nhân vừa là tội phạm. Một số trường hợp khác cũng không dễ dàng xử lý khi có sự đồng thuận do thiếu hiểu biết của nạn nhân hoặc gia đình, nhất là khi nạn nhân là trẻ em.
Về các cơ sở bảo trợ xã hội và cơ sở hỗ trợ nạn nhân, đa số ĐBQH tán thành quan điểm nên tận dụng các cơ sở bảo trợ xã hội hiện có, tránh đầu tư dàn trải. Dự thảo luật chỉ cho phép thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội công lập ở các tỉnh thành trực thuộc trung ương, do Sở LĐTB-XH quản lý. Với cơ sở hỗ trợ nạn nhân, các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng nguồn vốn tự có để thành lập, tham gia thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, hỗ trợ nạn nhân.
Chiều 23-3, Quốc hội đã thảo luận ở tổ về báo cáo công tác nhiệm kỳ 2007 - 2011 của Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình với báo cáo của Chủ tịch nước, Chính phủ. Đại biểu Huỳnh Thành Lập (TPHCM) mong nhiệm kỳ tới Thủ tướng quan tâm hơn tới công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí, vì đây là điều mà nhân dân đang rất bức xúc, nhất là các vụ việc tham nhũng, tuy phát hiện nhiều nhưng xử lý còn chậm. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, trước những sai phạm, thiếu sót, không thể nhận trách nhiệm một cách chung chung, phải cụ thể hơn thì nhân dân mới yên tâm. Đơn cử như trong vụ việc của Vinashin, việc không một ai chịu trách nhiệm cụ thể khiến nhân dân thấy thiếu thuyết phục.
Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Trị) đề nghị Chính phủ cần đánh giá tồn tại trong năng lực chỉ đạo điều hành, trong quản lý điều hành các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Câu chuyện về quản lý ngoại tệ, vàng, lương tăng không kịp theo tăng giá... cũng được các đại biểu góp ý kiến trong công tác điều hành của Chính phủ. Nhiều ý kiến đề nghị điều hành của Chính phủ phải giữ giá đồng Việt Nam, bảo đảm để đời sống người dân ngày càng được nâng lên.
A.Thư - L.Nguyên
>> Sáng nay, 23-3, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người