Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đang có những bước chuyển mình ấn tượng. CS Monitor vừa có bài phân tích những lợi thế của quốc gia có nền kinh tế mới nổi này.
Tháng 5 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã thanh toán toàn bộ số nợ vay mà Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) dành cho nước này từ năm 1958. Chưa dừng ở đó, Thổ Nhĩ Kỳ còn mạnh dạn cam kết sẽ hỗ trợ IMF 5 tỷ USD. Đây là điểm cộng đánh dấu con đường phát triển kinh tế tập trung vào khu vực kinh tế tư nhân đến thời điểm này là đúng đắn. Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay phát triển theo hướng thị trường tự do, chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp và dịch vụ. GDP trong quý 2 năm nay của nước này đạt 4,4%, vượt mức kỳ vọng 3,5%.
Công ty tư vấn phân tích rủi ro Eurasia Group từng nhận định, trong số các thị trường mới nổi, Thổ Nhĩ Kỳ là an toàn nhất cho các nhà đầu tư, dựa vào điều kiện chính trị đang dần hướng đến quỹ đạo ổn định, tăng trưởng tốt. Mới đây, Thổ Nhĩ Kỳ đã công bố gói cải cách dân chủ. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, cho rằng đây là giai đoạn quan trọng, thời khắc lịch sử của đất nước.
Tương tự các quốc gia có nền kinh tế mới nổi, đang phát triển khác như Ấn Độ, Brazil, Indonesia, Thổ Nhĩ Kỳ cũng sử dụng các công cụ nới lỏng định lượng (QE), trong đó có biện pháp phát hành trái phiếu để tăng tính thanh khoản. Vì thế, các thị trường trên có thể cũng trở thành đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nếu các nhà đầu tư bán trái phiếu ồ ạt, rút tiền đầu tư sang các thị trường phương Tây khi có bất cứ thay đổi bất lợi nào. Khi đó, các nền kinh tế càng dễ bị tổn thương khi sở hữu quỹ dự trữ ngoại hối mỏng. Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ Ali Babacan khẳng định kịch bản như trên sẽ không xảy ra với Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong khi khoản nợ dài hạn của các nước châu Âu trung bình chiếm 85% GDP thì Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 37%. Dự trữ ngoại hối của nước này hiện là 100 tỷ USD, mức khá an toàn. Thổ Nhĩ Kỳ đang trên đà trở thành nền kinh tế số 1 của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) vào năm 2017, với tăng trưởng trung bình hàng năm 6,7%. Thổ Nhĩ Kỳ còn hấp dẫn nhà đầu tư bởi lực lượng lao động trẻ, có năng lực, cơ sở hạ tầng hiện đại, thị trường nội địa lớn, nhiều hiệp định thương mại tự do với môi trường đầu tư tự do. Ngoài ra, Thổ Nhĩ Kỳ cũng trở thành điểm đến mới cho các nhà đầu tư Trung Đông muốn chuyển tiền ra ngoài nước của họ nhằm tránh bất ổn từ mùa xuân Ảrập.
Nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ, đứng thứ 17 thế giới, đạt mức tăng trưởng kỷ lục trong hai năm 2010 (8,9%) và 2011 (8,5%), từ đó giúp nước này trở thành một trong những nước phát triển nhanh nhất thế giới. Mặc dù khủng hoảng đang diễn ra, song Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ dự báo mức tăng trưởng năm 2013 ít nhất là 4%.
Ông Jean Marcou, giáo sư của Viện nghiên cứu chính trị Grenoble (IEP-Pháp) và là nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Tiểu Á (IFEA-Thổ Nhĩ Kỳ) từ năm 2006 trên nhật báo El Watan (Algeria) đã nhận định: Cùng với chính sách đối ngoại sát thực tế, Thổ Nhĩ Kỳ đang được lợi từ lịch sử, vị trí địa lý và sự năng động kinh tế hiện nay, để có được vị thế hàng đầu ở Địa Trung Hải, Trung Đông, đồng thời cả ở trên trường quốc tế.
NHƯ QUỲNH