Than đá và tăng trưởng

Nói như nhà văn nổi tiếng người Anh George Orwell cách đây 70 năm: “Nền văn minh của chúng ta được tạo thành từ than”. Năm 2010, theo Cơ quan Nguyên tử quốc tế (IEA), than đá chiếm 1/5 nguồn cung cấp năng lượng chính ở các nước trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Nhưng xét trên toàn thế giới, than đá chiếm gần một nửa nguồn năng lượng gia tăng được sử dụng trong giai đoạn 2000 – 2010.

Theo GS Edward Cunningham (Đại học Boston), than đá đang trải qua một sự bứt phá đáng kinh ngạc trong lịch sử và thậm chí có thể vượt qua dầu để trở thành nguồn nhiên liệu chính trong năm 2050. So với các nhiên liệu khác, trữ lượng than đá dồi dào, rẻ tiền, nhưng buồn thay, nó cũng gây ô nhiễm nhất.

Theo báo Economist, châu Á phải chịu trách nhiệm cho hơn 2/3 sự tăng trưởng nhu cầu nhiên liệu toàn cầu trong hơn 2 thập kỷ qua, trong đó 2 nước tiêu thụ than đá nhiều nhất là Trung Quốc và Ấn Độ. Hơn 4/5 sản lượng điện của Trung Quốc sản xuất ra là từ đốt than.

Mặc dù Trung Quốc cũng đang ráo riết phát triển các nguồn năng lượng sạch thay thế than đá như các nhà máy thủy điện, mở rộng năng lượng mặt trời và năng lượng sức gió… nhưng, theo dự đoán của Công ty Tư vấn thế giới McKinsey, thậm chí khi các nguồn năng lượng này được phát triển, Trung Quốc vẫn phải tiêu thụ 4,4 tỷ tấn than trong năm 2030. Khi đó, khí thải carbon ra môi trường dự kiến sẽ tăng từ 6,8 tỷ tấn carbon dioxide năm 2005 lên đến 15 tỷ tấn (năm 2030). Trong số này, gần 40% là từ các hoạt động sản xuất điện.

Tại Ấn Độ, khoảng 70% sản lượng điện của nước này đến từ than đá. Mặc dù mạng lưới điện quốc gia đã mở rộng trong những năm gần đây, nhưng vẫn còn 300 triệu người Ấn Độ chưa tiếp cận được nguồn điện này. Trong chiến lược tăng nhu cầu năng lượng trong 25 năm tới, cũng như Trung Quốc, Ấn Độ cũng xem than đá là sự lựa chọn hiển nhiên.

Mặc dù có trữ lượng than đá đứng hàng thứ 5 trên thế giới, là quốc gia sản xuất than lớn thứ 3, nhưng Ấn Độ vẫn phải nhập khẩu than vì khai thác trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu. Cũng theo ước tính của McKinsey, chẳng bao lâu nữa, Ấn Độ có thể trở thành nhà nhập khẩu than lớn nhất thế giới. Khí carbon thải ra từ Ấn Độ sẽ tăng khoảng 2,5 lần vào năm 2030.

Theo khẳng định mới đây của Ngân hàng Natixis (Pháp), châu Á đã trở thành đầu tàu kinh tế của thế giới. Tuy nhiên, cùng với đà tăng trưởng này, khắp châu Á, từ Bangladesh đến Philippines, các nguồn năng lượng thay thế như năng lượng gió, năng lượng mặt trời… không đủ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện. Xu hướng sản xuất điện năng từ đốt than đá là xu hướng không thể ngăn chặn được mặc dù việc đốt than đá là nguồn sản sinh carbon lớn nhất có thể cản trở mục tiêu giữ nhiệt độ Trái đất chỉ tăng 2°C vào cuối thế kỷ 21 để tránh xảy ra thảm họa khí hậu đối với nhân loại.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay, các nguồn đầu tư cần thiết đang khô cạn. Vì thế, loại nhiên liệu rẻ nhất, nhiều nhất và gây ô nhiễm nhất vẫn bành trướng bất chấp các cảnh báo chỉ cần nhiệt độ tăng thêm 2°C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa, cả thế giới sẽ rơi vào tình trạng khốn cùng và hỗn loạn ngoài sức tưởng tượng. 

HẠNH CHI

Tin cùng chuyên mục