Thần tốc, quyết liệt hơn để dập dịch

Diễn biến dịch Covid-19 tại TPHCM vẫn diễn biến phức tạp, trong đó nhiều trường hợp F0 trong cộng đồng chỉ được phát hiện thông qua khám sàng lọc. Do vậy, khi ra khỏi nhà, đến nơi làm việc, người dân cần tuyệt đối bảo đảm tuân thủ “5K” và các biện pháp phòng hộ cá nhân để bảo vệ cho chính mình, người thân và cho cả cộng đồng.
Lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động và người dân trên địa bàn quận 12, TPHCM
Lấy mẫu xét nghiệm cho người lao động và người dân trên địa bàn quận 12, TPHCM

Biến chủng mới nguy hiểm hơn

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, cố vấn Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM, biến chủng Delta (được phát hiện tại Ấn Độ) là chủng lây nhiễm chủ đạo trên toàn cầu. Theo cảnh báo mới đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến chủng Delta được ghi nhận tại 85 quốc gia, trong đó có Việt Nam, và nó làm lây lan dịch Covid-19 với tốc độ vượt ngoài dự đoán. “Trước đây, 80% bệnh nhân mắc biến chủng Alpha (được phát hiện tại Anh) không có triệu chứng, các trường hợp F2, F3 có thể không lây nhiễm; còn với ổ dịch tại Điểm nhóm sinh hoạt truyền giáo Phục Hưng mắc biến chủng Delta, có tới 66% bệnh nhân có triệu chứng và đã có trường hợp F5 mắc Covid-19. Cùng với đó, chu kỳ lây nhiễm trong 3 ngày kết hợp tỷ lệ xuất hiện triệu chứng cao dẫn đến sự lây nhiễm rất nhanh của biến chủng Delta”, bác sĩ Trương Hữu Khanh nói. 

Hiện TPHCM đang trong giai đoạn phòng chống dịch rất phức tạp và việc kiểm soát vô cùng khó khăn. Việc gia tăng quá nhanh các ca mắc Covid-19 khiến cho khối điều trị phải “gồng mình” làm việc. Chỉ trong 2 tuần qua, ngành y thành phố liên tục chuyển đổi công năng các bệnh viện thành nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19. “Nếu số ca mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng thì khối điều trị sẽ quá tải. Nhất là khi những người bị bệnh nền, bệnh nặng bị Covid-19 tấn công thì nhân viên y tế điều trị càng vất vả gấp bội. Khi khối điều trị quá tải sẽ không còn nhân sự để lấy mẫu cộng đồng, không còn người thực hiện tiêm chủng và các công việc điều trị cho bệnh nhân khác”, bác sĩ Trương Hữu Khanh bày tỏ lo ngại. 

Còn theo PGS-TS Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), tình hình dịch bệnh tại TPHCM đang vô cùng phức tạp bởi có quá nhiều nguồn lây nhiễm, nhiều chuỗi lây nhiễm và nhiều ổ dịch, nhiều khu vực có dịch... mà không tập trung ở một vài khu vực đặc thù như các địa phương khác. TPHCM lại là nơi giao lưu rộng rãi, dân cư đông đúc trên địa bàn chật hẹp... khiến công tác phòng chống dịch rất khó khăn. Đặc biệt, TPHCM đã có sự lây nhiễm đan xen giữa các khu chế xuất - khu công nghiệp với cộng đồng và ngược lại. Sự phức tạp đó gây nên sự khó kiểm soát so với các địa phương khác. Bên cạnh đó, vì các ổ dịch trong cộng đồng lây lan trong thời gian quá lâu mới phát hiện nên không thể xác định được nguồn lây. Tốc độ lây lan nhanh khiến các ca bệnh chạy ra nhiều nhánh, rồi từ các nhánh lại tạo thành nhiều chuỗi lây nhiễm khác mà không thể phát hiện ra, từ đó có nhiều ca lẩn khuất trong cộng đồng không thể kiểm soát. 

Có hướng dẫn test nhanh tại nhà

Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, TPHCM phải nhanh hơn trong phòng chống dịch. Theo đó, cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm bằng cách mở rộng test nhanh kháng nguyên để sàng lọc các ca F0 còn “lang thang” trong cộng đồng, cần thiết có thể hướng dẫn người dân tự thực hiện như ở Bắc Giang. Đây là biện pháp sàng lọc F0 trong cộng đồng nhanh, hiệu quả, dễ thực hiện nhất hiện nay. “Test nhanh âm tính giả (có virus nhưng tìm không thấy) khi lượng virus trong vùng họng quá ít, chỉ xảy ra khi mới mắc bệnh hoặc sắp hết bệnh. Còn người bệnh không triệu chứng hay đang giai đoạn bệnh cấp lượng virus trong họng nhiều thì không thể âm tính giả. Làm test nhanh liên tục 3-5 ngày một lần thì càng sớm phát hiện được F0 “lẩn khuất” trong cộng đồng mà không tốn kém, không mất quá nhiều thời gian”, bác sĩ Trương Hữu Khanh phân tích. 

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, TPHCM cần truy vết, xét nghiệm nhanh hơn, nhiều hơn theo chỉ định dịch tễ và vùng nguy cơ. Bên cạnh đó, cần thực hiện nghiêm việc phong tỏa, cách ly nhà với nhà, khu phố cách ly khu phố, tuyệt đối tránh tập trung đông người, cấm các hoạt động có khả năng lây nhiễm dịch bệnh, tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch tại nơi làm việc, nơi sản xuất. Đồng thời, các quận huyện, TP Thủ Đức nếu còn để chợ truyền thống hoạt động thì phải triển khai mô hình phát phiếu đi chợ như TP Đà Nẵng đã làm để thực hiện giãn cách và chỉ buôn bán các mặt hàng thiết yếu.  

Bên cạnh các biện pháp phòng vệ cá nhân, yếu tố dinh dưỡng cũng hết sức quan trọng, giúp người dân có sức đề kháng chống lại dịch bệnh. Người dân cần chọn nơi vắng (không tập trung quá 3 người) để tập luyện thể dục thể thao; uống nhiều nước, ăn đủ chất, ngủ đủ giấc. Khi có điều kiện thành phố cho phép tiêm chủng thì phải đi tiêm vaccine ngay, bởi càng có nhiều người dân tiêm vaccine thì cộng đồng càng an toàn.

* Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, thời điểm này, phải tuyệt đối giãn cách nhà với nhà, người thân không tới thăm nhau… ít nhất trong 2 tuần. Trong khu phong tỏa phải được chia làm 2 nhóm: nhóm nguy cơ cao phải làm test nhanh, nhóm ít nguy cơ có thể làm xét nghiệm gộp. TPHCM cũng cần khuyến khích, cho phép người dân ngoài khu phong tỏa, cách ly test nhanh nếu họ có nhu cầu thì mới kiểm soát được dịch. 

* Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TPHCM, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho rằng các biến thể Covid-19 chia làm 2 nhóm: nhóm biến chủng đáng quan tâm và biến chủng đáng quan ngại. Trong đó, chủ yếu là nhóm quan ngại, gồm: Delta; Alpha (ghi nhận ở 170 quốc gia); Beta (B.1.351 Nam Phi, ghi nhận ở 119 quốc gia và vùng lãnh thổ); Gama (P.1 ở Brazil, ghi nhận tại 71 quốc gia). Biến chủng Delta được khẳng định có liên quan đến gia tăng đáng kể khả năng lây lan nhanh; tăng độc lực virus làm nặng lên biểu hiện lâm sàng, giảm hiệu quả các biện pháp y tế công cộng và giảm khả năng hiệu quả bảo vệ của vaccine.

Tin cùng chuyên mục