Thận trọng trong điều hành giá

Giá xăng dầu trong nước đã được điều chỉnh tăng. Đây là lần tăng thứ hai trong vòng hơn một tháng qua (đợt tăng giá mạnh trước đó là ngày 7-3). Dù việc tăng giá lần này thấp hơn trước đó nhưng được nhìn nhận là sẽ tạo sức ép đáng kể lên việc kiềm chế lạm phát cũng như chi phí đối với doanh nghiệp.

Theo các cơ quan quản lý, giá xăng dầu tăng bắt nguồn từ việc bình quân 30 ngày qua, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ, không còn nguồn để trích quỹ bình ổn, nhà nước thất thu thuế. Do đó, đây là thời điểm người tiêu dùng và xã hội cùng chia sẻ với nhà nước, doanh nghiệp. Nếu như việc tăng giá xăng dầu mạnh đợt 7-3 được nhìn nhận là không ảnh hưởng nhiều đến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi CPI tháng 3 chỉ tăng 0,16% và tháng 4 sẽ khoảng 0,06% thì đợt tăng giá lần này cũng được nhìn nhận tương tự khi mức tăng thấp hơn nhiều. Việc lựa chọn thời điểm các mặt hàng hầu như không có nhiều biến động giá để cho phép doanh nghiệp nâng giá bán là bước đi hợp lý của cơ quan quản lý.

Tuy nhiên, vào thời điểm mà chỉ số phát triển sản xuất có xu hướng tăng chậm, tồn kho tăng cao, chỉ số tiêu thụ gần như không tăng, người tiêu dùng đang thắt chặt chi tiêu thì việc tăng giá xăng dầu lần này dù là bắt nguồn từ nguyên nhân “khách quan” cũng để lại nhiều suy nghĩ. Với 2 lần điều chỉnh trong vòng hơn một tháng, giá xăng đã tăng khoảng 15%, dầu diesel tăng khoảng 8%, cộng với thời điểm ngày 1-6 thực hiện thu phí bảo trì đường bộ, rõ ràng sẽ tạo một sức ép rất lớn trong việc tăng giá các mặt hàng khác khi mà chi phí của doanh nghiệp tăng cao, khoản chi tiêu của người dân cũng bị đội lên.

Có một nghịch lý là, từ đầu năm đến nay dù nền kinh tế gặp nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, người tiêu dùng thắt chặt hầu bao thì lại xuất hiện một số mặt hàng luôn có chiều hướng đi ngược là xăng dầu, gas dù thuế đánh vào các mặt hàng năng lượng này liên tục được kéo xuống. Nếu thời gian tới, giá điện được điều chỉnh tăng thì cuộc sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, để hạn chế tác động của việc tăng giá xăng dầu, theo các chuyên gia, người dân nên chọn cách tiết kiệm xăng dầu tối đa và cần có giải pháp tiết giảm cao nhất những chi phí liên quan đến sản xuất kinh doanh, đặc biệt là xăng dầu.

Với định hướng đưa giá cả hàng hóa trong nước theo xu hướng thị trường thì việc giá cả hàng hóa thời gian tới biến động là chuyện bình thường và sẽ diễn ra thường xuyên hơn. Tuy nhiên, vấn đề được nhiều người quan tâm là cơ quan quản lý cần công khai, minh bạch trong mỗi quyết định để khi điều chỉnh thuyết phục được toàn xã hội. Mặt khác, cũng cần có sự giám sát chặt chẽ để khi có điều kiện giảm giá thì các mặt hàng thiết yếu này cũng phải nhanh chóng điều chỉnh để tránh thua thiệt cho người tiêu dùng. Bởi chỉ riêng với xăng dầu, có thể thấy, dù giá nhiên liệu trên thị trường thế giới trong những năm qua có tăng có giảm nhưng giá trong nước ít khi được điều chỉnh xuống. Hay như giá gas, mặt hàng này cũng thường xuyên tăng nhanh nhưng giảm chậm.

Dù những đợt tăng giá gần đây của các mặt hàng như xăng dầu, gas dường như không tác động mạnh đến giá cả thị trường nhưng một số chuyên gia cảnh báo, việc điều hành, quản lý giá vẫn cần hết sức thận trọng bởi vẫn có nhiều yếu tố tác động đến giá cả như: ngân hàng nới lỏng việc cho vay, lương tối thiểu tăng lên 1.050.000 đồng/tháng kể từ 1-5... Do đó, cơ quan quản lý cần có những biện pháp kiểm soát giá cả một cách quyết liệt để kiềm chế lạm phát năm nay ở mức một con số.

Hà My

Tin cùng chuyên mục