Gần đến Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng thực phẩm khô như lạp xưởng, khô bò, khô cá, khô mực, mứt… đang tăng vọt. Tuy các cơ quan chức năng có chú ý quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với các mặt hàng này, nhưng trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều thực phẩm khô không nhãn mác, không rõ xuất xứ và không đảm bảo vệ sinh.
Các sản phẩm khô bò, khô mực trên thị trường tết rất đa dạng, người tiêu dùng phải thận trọng khi chọn mua.
Muốn nhãn mác gì cũng được
Trước khi đưa vào siêu thị, mặt hàng thực phẩm khô được kiểm tra kỹ nhằm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh. Nhưng tại các chợ truyền thống, thực phẩm khô không được quản lý kỹ đầu vào như vậy, nhiều tiểu thương bày bán thực phẩm khô đựng trong túi ni lông không có nhãn mác, hạn sử dụng. Khi có người mua, tiểu thương mới cân cho vào túi để ép chân không, đóng gói. Điều đáng nói là nhiều tiểu thương không nhận bỏ sỉ hàng thực phẩm khô đóng gói sẵn theo bịch một vài ký, mà lấy theo thùng, rồi khi khách mua mới đóng vào túi theo nhãn mác tùy ý. Do vậy, hàng thực phẩm khô của các thương hiệu uy tín dễ bị người bán pha trộn với hàng kém chất lượng, không rõ xuất xứ. Đã có những trường hợp để kiếm lời nhiều, người bán lấy thêm các mặt hàng khô bò làm từ heo, mực làm từ cá… để trộn vào bán.
Do nhập nhằng về chất lượng như vậy nên giá thực phẩm khô bán tại các chợ đang rẻ hơn rất nhiều so với giá bán thực phẩm khô có thương hiệu uy tín tại các siêu thị. Tại chợ, giá khô bò loại thường 350.000 đồng/kg, loại giòn miếng và cục 450.000 đồng/kg; giá mực xé sợi 300.000 đồng/kg, loại cán nguyên miếng 670.000 đồng/kg. Trong khi đó, tại các siêu thị trên địa bàn TPHCM, giá khô bò xé sợi từ 400.000 - 700.000 đồng/kg; mực xé giá 500.000 đồng /kg.
Tăng cường kiểm tra
Ông Cao Văn Thành, Phó ban Quản lý chợ Bình Tây, khẳng định nguồn hàng thực phẩm khô đưa vào chợ bán có qua nhiều khâu kiểm tra chặt chẽ. Trong dịp gần tết, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm khô tăng vọt, nên ban quản lý kiểm tra thường xuyên hơn. Ban quản lý cũng đã lập tổ kiểm tra nhắc nhở tiểu thương buôn bán thực phẩm khô sạch sẽ, có kiểm tra hóa đơn chứng từ liên quan. Nếu tiểu thương bị phát hiện buôn bán hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị nhắc nhở qua loa phát thanh trong chợ; tiếp tục sai phạm thì bị đình chỉ bán từ 1 đến 3 ngày, do vậy tiểu thương trong chợ đã quan tâm bán hàng đảm bảo chất lượng. Cách làm của Ban Quản lý chợ Bình Tây có hiệu quả và nên được nhân rộng.
Trong năm 2014, qua kiểm tra các mặt hàng thực phẩm khô bán trên thị trường, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã phát hiện và xử lý 18 trường hợp bán hàng không có hóa đơn chứng từ, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm; tịch thu tiêu hủy gần 20.000kg thực phẩm khô, trong đó đa số là khô bò, khô mực, khô cá, lạp xưởng. Ông Phan Hoàn Kiếm, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, cho biết: “Thời điểm trước tết nguồn hàng vào các chợ truyền thống rất nhiều, nên thuận lợi cho những người bán gian dối, trộn hàng thực phẩm khô chất lượng kém vào để bán cho người tiêu dùng. Do vậy, các đoàn công tác liên ngành gồm đại diện các cơ quan: Vệ sinh an toàn thực phẩm, Kinh tế, Y tế, Thú y… thường xuyên kiểm tra lấy mẫu thử các sản phẩm đưa vào chợ. Trong quá trình kiểm tra nhanh, nếu phát hiện thực phẩm có nghi vấn sai phạm thì toàn bộ số hàng bị niêm phong để kiểm tra theo đúng quy trình. Nếu sản phẩm có sai phạm thì ngay lập tức gửi về địa phương của cơ sở sản xuất đó tiến hành xử lý”.
Luật gia Phạm Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM, cho biết: “Người tiêu dùng nên sử dụng thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ, địa chỉ công ty, nơi mua… để đảm bảo sức khỏe cho bản thân. Khi mua sản phẩm nên giữ lại hóa đơn chứng từ, phòng trường hợp phát hiện chất lượng kém, bị ngộ độc, có thể khiếu nại, bồi thường và cũng an tâm hơn về sản phẩm đang sử dụng”.
THANH HẢI