Ngày 29-10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2015 thảo luận nhiều vấn đề quan trọng.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Thành thị: Thu nhập 900.000 đồng/người/tháng là nghèo
Tại phiên họp, về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2015, các thành viên Chính phủ nhất trí cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2015 tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực chủ yếu của tăng trưởng, xuất khẩu và FDI tiếp tục tăng dù kinh tế thế giới vẫn diễn biến phức tạp (giá nguyên liệu, dầu thô giảm, sự phá giá của đồng nhân dân tệ và nhiều đồng tiền trong khu vực...). Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế, yếu kém như sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Một số mặt hàng nông sản xuất khẩu chiến lược giảm cả về lượng và về giá trị như gạo, cà phê, chè... Thu - chi ngân sách nhà nước còn rất khó khăn. Xuất khẩu của khu vực trong nước giảm, nhập khẩu tăng mạnh.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực và kết quả đạt được là đáng phấn khởi. “2 tháng cuối năm, chúng ta cần nỗ lực cao nhất, việc đã làm tốt rồi thì làm tốt hơn nữa, còn hạn chế, yếu kém thì phải ra sức khắc phục, phấn đấu hoàn thành cao nhất kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2015 và 5 năm 2011-2015”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.
Về tăng lương cơ bản cho cán bộ, công chức, viên chức (áp dụng với đối tượng có mức lương từ 2,34 trở lên), ý kiến của các thành viên Chính phủ đều cho rằng tình hình ngân sách khó khăn, khó bố trí được nguồn cho tăng lương; cho rằng thực hiện theo phương án đã báo cáo Trung ương, Chính phủ sẽ tiếp tục tính toán các phương án cân đối ngân sách và sẽ trình Quốc hội phương án và thời điểm tăng lương vào kỳ họp Quốc hội tháng 3-2016.
Tại phiên họp này, về xác định chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng giai đoạn 2016-2020, các thành viên Chính phủ cũng nhất trí với phương án chuẩn nghèo thu nhập là 700.000 đồng/người/tháng ở khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng ở khu vực thành thị, ước tính tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều là 12% và tỷ lệ hộ cận nghèo khoảng 6%.
Thu ngân sách trung ương hụt khoảng 31.000 tỷ đồng
Đáng chú ý, tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về tình hình thu - chi, cân đối ngân sách năm 2015. Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong năm 2015, tổng thu ngân sách tăng khoảng 7%, nhưng tăng thu là của địa phương, còn thu ngân sách trung ương lại hụt thu khoảng 31.000 tỷ đồng, nguyên nhân chính là do giá dầu giảm, việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp. Thủ tướng chỉ đạo, từ nay đến cuối năm còn 2 tháng, các cơ quan chức năng nỗ lực tăng thu, bảo đảm cân đối ngân sách cho năm 2015.
Về dự toán chi đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2016 là 255.750 tỷ đồng, cao hơn mức bội chi NSNN (254.000 tỷ đồng). Tính cả chi đầu tư từ nguồn trái phiếu chính phủ 60.000 tỷ đồng; từ nguồn thu xổ số kiến thiết 26.000 tỷ đồng thì tổng chi đầu tư phát triển năm 2016 là 341.750 tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng chi NSNN. Về việc Chính phủ cho rằng thoái vốn SCIC tại các DNNN không phải vì ngân sách khó khăn nhưng lại xin bổ sung 40.000 tỷ đồng vào ngân sách trung ương 2015-2016, trong khi Quốc hội yêu cầu lập danh mục rõ ràng về việc sử dụng nguồn vốn này, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên giải thích, việc thoái vốn tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nhà nước là theo chủ trương tái cấu trúc doanh nghiệp, có lộ trình và bước đi cụ thể. Chính phủ đã báo cáo Quốc hội về định hướng sử dụng một phần số tiền thu được từ bán phần vốn nhà nước trong các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ cho đầu tư phát triển để thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho Chương trình chống ngập lụt tại TPHCM.
Theo dự thảo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, tổng nhu cầu vay của Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 từ 3,02 - 3,09 triệu tỷ đồng. Trong đó vay bù đắp bội chi là 1,36 triệu tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 280.000 tỷ đồng, phần còn lại để trả nợ gốc đến hạn theo quy định. Trả lời câu hỏi con số này đã được Chính phủ tính toán kỹ lưỡng chưa và với nguồn kinh phí này có bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng kinh tế của giai đoạn 2016 - 2020 cao hơn những năm trước, ông Nguyễn Văn Nên khẳng định, với mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2016 - 2020 khoảng 6,5 - 7%/năm, Chính phủ đã nghiên cứu, xây dựng khá thận trọng trên cơ sở các phương án vay trả nợ khác nhau cho giai đoạn 2016 - 2020 và đang trình Quốc hội cho ý kiến. Các phương án xây dựng đều bảo đảm giới hạn nợ công đã được Quốc hội thông qua. Theo đó, đến năm 2020 nợ công không quá 65% GDP, nợ Chính phủ không quá 55% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP.
Để xảy ra vụ nhà 8B Lê Trực: quản lý yếu kém
Tại buổi họp báo, quan tâm chính của báo chí vẫn là về xử lý sai phạm của công trình nhà 8B Lê Trực (Hà Nội). Ông Nguyễn Văn Nên cho biết, ngày 26-10, Thường trực Chính phủ dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã họp về vấn đề này. Chính phủ đã mời Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Bộ Xây dựng và các bên liên quan bàn, thống nhất và có kết luận việc sai phạm của công trình 8B Lê Trực. Một số biện pháp khắc phục khác, Thủ tướng cũng đã kết luận và chỉ đạo. Toàn văn kết luận sẽ được đăng công khai trên cổng thông tin chính phủ để nhân dân được biết.
Bật mí thông tin sơ bộ 5 vấn đề Thủ tướng kết luận về vụ việc này, ông Nguyễn Văn Nên cho biết, Thủ tướng đánh giá để một tòa nhà to xây dựng ở vị trí trung tâm thành phố đến như thế mới phát hiện vi phạm để xử lý thì cho thấy hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước lĩnh vực này yếu kém, cần có biện pháp khắc phục trong thời gian tới. Thủ tướng cũng kết luận, sau khi xem xét thấy thủ tục cấp giấy phép, UBND TP Hà Nội và Bộ Xây dựng đã nghiên cứu kỹ, chặt chẽ, đúng thẩm quyền, chức năng, quy định của pháp luật. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã cố tình vi phạm pháp luật, vì vậy tính chất vi phạm là nghiêm trọng, cần phải được xử lý nghiêm minh.
PHAN THẢO