Tháng sáu này tưởng nhớ Bác Hồ

Từ thành phố này Người đã ra đi...Thành phố mang tên Người và cả nước long trọng kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đúng một thế kỷ (5-6-1911 – 5-6-2011).

Từ thành phố này Người đã ra đi...
Thành phố mang tên Người và cả nước long trọng kỷ niệm ngày Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước đúng một thế kỷ (5-6-1911 – 5-6-2011).

  • Nhìn từ trăm năm

Bác Hồ đã sống hết mình trong thế kỷ XX – “ Thế kỷ đau thương và anh dũng” với sự tận hiến kỳ diệu.

Đây là thời kỳ mà “Lịch sử đi từng bước khổng lồ” (Chế Lan Viên). Người dấn bước trên hành trình cứu nước, mở nước rồi dựng nước, giữ nước cùng dân tộc trong diễn tiến của lịch sử trọng đại. Cuộc đời của Người là một hành trình huyền thoại.

Người đã đi những bước “hải hồ” qua năm châu, bốn biển Á, Âu, rồi Phi, Mỹ… “Lai vô ảnh, khứ vô hình”, nay thành phố đô hội nước tư bản phát triển, mai miền quê hẻo lánh, xóm thợ heo hút, khắp chân trời, góc biển Những đất tự do, những trời nô lệ. Qua Liên Xô lần thứ nhất rồi trở lại lần thứ hai. Ở Mỹ, về Anh (1912-1913); đến Pháp (1911) rồi lại trụ ở Pháp. Nhiều lần qua lại Trung Quốc, các nước xứ Đông Dương…

Chỉ về mặt không gian trong vòng 30 năm tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã có hành trình rộng khắp mà, như một học giả nước ngoài nhận định “không có lãnh tụ nào khác làm được trong thế kỷ XX”. Đây là nhà cách mạng có tầm cỡ thế giới cả trong ý tưởng và hoạt động thực tiễn “Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta”.

Nhờ vậy, người yêu nước trẻ tuổi nhanh chóng trở thành nhà cách mạng lão thực với vốn trải nghiệm quý báu vô giá để tạo nên hồn cốt của bậc đại trí, đại dũng.

Thời gian đối với Người được đo bằng những tháng rộng năm dài, đủ cho sự kết tinh, chiêm nghiệm, cũng là những đại lượng đáng kể trong lịch sử.

Năm thứ 10 ở Pháp, Nguyễn Ái Quốc đọc Luận cương Lênin và có một nhận thức có tính chất bước ngoặt trong tư tưởng.

Chế Lan Viên nhấn mạnh hình tượng sinh thành của một nhà khai sáng Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt/ Biên giới còn xa. Nhưng Bác thấy đã đến rồi/ Kia! Bóng Bác đang hôn lên hòn đất/Lắng nghe trong màu hồng hình đất nước phôi thai. (Người đi tìm hình của Nước).

Tố Hữu lại nói nhiều đến sự thăng hoa của một tấm lòng yêu nước vĩ đại. Bác đã về đây, Tổ Quốc ơi!/Nhớ thương, hòn đất ẩm hơi Người/Ba mươi năm ấy, chân không nghỉ/Mà đến bây giờ mới tới nơi! (Theo chân Bác)

Hơn 60 năm cách mạng là bản trường ca hào hùng nhưng cũng là khúc bi tráng trong tâm hồn lãnh tụ. “Miền Nam luôn  trong trái tim tôi”. Vậy mà ước mong đặt chân lên mảnh đất muôn màu thân yêu trong đời, Người chưa thỏa nguyện. Phải đến ngày Đại thắng mùa xuân năm 1975 – Người mới “trở về với những đoàn quân” trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, như sự đoàn tụ của đại gia đình dân tộc.

Bởi có Bác từ nơi đây ra đi
tìm Đường Kách mệnh
Cho chúng con nay được trở về,
vĩnh viễn Việt Nam!
(Toàn thắng về ta – Tố Hữu)

  • Nhìn tới trăm năm

Hồ Chí Minh là người tìm đường cũng là người mở đường, chỉ đường và dẫn đường cho cách mạng, người phát hiện lịch sử.

Tố Hữu từng ca ngợi đôi mắt Hồ Chí Minh: Ôi! Người Cha đôi mắt mẹ hiền sao! thiên về cảm nhận tình thương mênh mông, sâu thẳm, hiền từ và bao dung, mẫn cảm của Người. Ở một khía cạnh khác, Chế Lan Viên với phong cách suy tưởng trí tuệ lại khắc họa nhiều lần đôi mắt thiên tài: ánh sáng minh triết tư duy lịch sử:….Trên non cao đã sáng ngời đôi mắt Bác/ Không phải mắt Người khi ngắm một vầng trăng hay đọc một câu thơ…

Một con đường Hồ Chí Minh - ấy là phương hướng còn mang ý nghĩa hiện thực. Đó là con đường chiến lược cho toàn thắng. Nhưng từ đó đến nay và cho mai sau vẫn có ý nghĩa tượng trưng như một phương châm cách mạng trong lịch sử. Mỗi dân tộc có hoàn cảnh lịch sử - cụ thể và có con đường đi trong lịch sử: Con đường Việt Nam đã, đang và sẽ đi tiếp trong tương lai không thể khác là con đường mà Người đã lựa chọn và tâm niệm một đời: Con đường Hồ Chí Minh!
Hơn thế nữa, nhìn rộng ra, còn là Con đường cất cánh hay là Đường bay Hồ Chí Minh.

* * *

Trong chiến tranh cách mạng Bác thành vị tướng lớn. Thời hòa bình xây dựng Bác lại mang tư thế Người trồng cây cho Tổ quốc (Chế Lan Viên). Huy Cận nhấn mạnh tư duy một nhà chiến lược đại tài cho sự nghiệp trường cửu Bác Hồ. Người trồng cây lớn nhất của đời/ Trồng cây mươi năm, trăm năm Bác đã trồng người. Tư tưởng Hồ Chí Minh cách mạng, hiện đại mà rất truyền thống.

Đã một trăm năm, từ con tàu xuất dương Bác đi thẳng vào lịch sử mai sau. Và từ đó Đất nước bốn nghìn năm thành Bác Hồ đúc lại/Đưa dân tộc vào kỷ nguyên vĩ đại (Lương tâm – Bằng Việt).

Theo Chế Lan Viên “…danh hiệu Hồ Chí Minh xuất hiện trên xứ sở trống đồng bốn nghìn năm…” cùng Việt Nam tên Tổ quốc vang xa ngoài bờ cõi. Nhạc sĩ người Anh Ewan Mac Coll sáng tác Bài ca Hồ Chí Minh (The Ballad of Ho Chi Minh) từng viết “Có những tên người sống mãi với thời gian/ Hồ Chí Minh”. Với bạn bè thế giới, Người là “Ngôi sao của hy vọng”, “Niềm tin của lịch sử”… Trong lòng dân tộc, Hồ Chí Minh là hiện thân “Ngôi sao sáng đưa ta qua đêm trường thế kỷ/Đã thành mặt trời chói lọi bình minh” (Chế Lan Viên). Trong lương tri nhân loại, Hồ Chí Minh là “người đã gieo mầm sống/ Mặt trời lên trên đồng rộng bầu trời” (Amrita Pritam - Ấn Độ).

Những tâm hồn thơ lớn gặp nhau: Hồ Chí Minh – Mặt trời  cách mạng (Tố Hữu), Mặt trời chói lọi (Chế Lan Viên), Mặt trời rất đỏ (Viễn Phương), Mặt trời lên (Amrita Pritam)… Đó là Nguồn Ánh sáng Vĩnh cửu Vũ trụ Nhân gian.

Phó GS-TS ĐOÀN TRỌNG HUY

Tin cùng chuyên mục