Một tuần trước khi giải ngoại hạng Anh (EPL) khai diễn, giới hâm mộ Việt Nam có thể thở phào nhẹ nhõm khi chắc chắn sẽ được xem trực tiếp bóng đá Anh trên truyền hình. Ít tiền thì xem được 2/3 số trận dù sẽ thiếu một số trận cầu hấp dẫn nhất vòng đấu trên một số kênh cáp. Nhiều tiền thì có thể xem đủ tất cả các trận với đầu thu K+.
Trong niềm vui ấy, hẳn nhiều người sẽ quên mất một chi tiết là phần lớn các đài đều phải trả tiền để mua gói phát sóng không độc quyền mà K+ để lại. Như vậy, tổng số tiền mà hệ thống truyền hình tại Việt Nam phải trả để phát sóng EPL đã vượt hơn con số 40 triệu đô la mà K+ đã bỏ ra để sở hữu 2 gói độc quyền. Kết quả cuối cùng của “cuộc chiến bản quyền” này là phần thắng nghiêng hoàn toàn về phía đối tác phân phối nước ngoài. Những tính toán của họ khi chia 3 gói bản quyền khác nhau đã đạt được mục đích. Tiền vẫn đúng yêu cầu mà giải ngoại hạng Anh vẫn đều đều lên sóng truyền hình Việt Nam với thời lượng đạt đến mức tối đa.
Đến lúc này, ai thua trong việc này thì có lẽ cũng đã rõ. Phía sau niềm vui của người hâm mộ là nỗi buồn khi một lượng ngoại tệ lớn đã chảy ra nước ngoài một cách không cần thiết bởi nếu ngay từ đầu, các đài truyền hình Việt Nam tìm cách ngăn chặn tình trạng độc quyền.
Thế nên, dù đã muộn nhưng cũng cần phải nhắc lại vai trò và trách nhiệm của các bên liên quan trong vụ việc này. Về lý thuyết, có vẻ như VTV không liên quan trực tiếp nhưng trên thực tế, ngoài việc liên doanh K+ mà VTV giữ 51% cổ phần đã có 2 gói độc quyền thì các đài mua gói không độc quyền như VTVcab, SCTV, đều là những đài “con” của VTV. Không khó để thấy, toàn bộ hệ thống truyền hình trả tiền mà VTV có cổ phần đã sở hữu toàn bộ bản quyền EPL, tạo nên một mạng lưới khổng lồ bủa vây các đài khác vốn là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với các đài “con” của VTV. Bản thân VTV là thành viên chủ lực của Hiệp hội truyền hình trả tiền nên không thể cho rằng họ “vô can” trong vụ việc này. Thế nhưng, suốt quá trình của vụ việc, những phản ứng của VTV luôn chậm và có phần chuyển giao trách nhiệm cho các đơn vị bên dưới mình.
Dẫu biết trên thương trường không có khái niệm “nhà nước” hay “tư nhân”, nhưng với vị thế cũng như các ưu đãi về hạ tầng từ ngân sách nhà nước, các đài “con” cũng như liên doanh của VTV có quá nhiều lợi thế trong cuộc cạnh tranh bản quyền EPL. Vấn đề là ở góc độ của một đài truyền hình quốc gia như VTV lẽ ra phải có trách nhiệm để làm sao người hâm mộ vẫn vui khi xem bóng đá Anh mà các đài phục vụ cũng không phải mất quá nhiều tiền để trả cho đối tác nước ngoài.
ĐĂNG LINH