Thành cổ Quảng Trị nằm giữa trung tâm thị xã Quảng Trị, soi mình xuống dòng sông Thạch Hãn hiền hòa, cách quốc lộ 1A khoảng 1,5km về phía Đông thuộc địa phận phường 2, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị.
Hơn 160 năm tồn tại dưới thời quân chủ và thực dân. Thành cổ là nơi diễn ra nhiều cuộc đón tiếp các vua triều Nguyễn. Năm 1885, khi kinh đô Huế thất thủ, vua Hàm Nghi đã dừng chân ở Thành cổ trước khi lên Tân Sở dựng cờ Cần vương chống Pháp. Để đàn áp phong trào cách mạng, năm 1939 thực dân Pháp đã cho xây dựng nhà lao tại Thành cổ để giam giữ những người yêu nước.
Dưới thời tạm chiếm, Mỹ - ngụy đã biến Thành cổ thành khu quân sự, chứa vũ khí, đạn dược, quân nhu phục vụ cho việc trấn giữ vùng giới tuyến, đồng thời chúng mở rộng thêm các nhà giam để đàn áp phong trào cách mạng. Chính nơi đây đã diễn ra nhiều cuộc đấu tranh với kẻ thù, tiêu biểu là cuộc tiến công nổi dậy mùa xuân 1968 của quân dân Quảng Trị để giải thoát tù binh và sự chiến đấu ngoan cường của quân ta đánh trả các đợt phản kích tái chiếm Thành cổ của chính quyền Sài Gòn trong suốt 81 ngày đêm.
Cuộc chiến đấu anh dũng 81 ngày đêm (từ 28-6 đến 16-9-1972) bảo vệ Thành cổ Quảng Trị kết thúc, ta bẻ gãy hoàn toàn cuộc hành quân Lam Sơn - 72, biến cuồng vọng tái chiếm thành mây khói. Đây là cuộc chiến đấu gay go ác liệt nhất, mỗi tấc đất đã chôn vùi hàng trăm xác địch và cũng thấm nhiều máu của đồng bào, chiến sĩ ta. Ngã ba Long Hưng - chốt bảo vệ Thành cổ ở phía Nam được xem là “ngã ba bom” khi hết đơn vị này đến đơn vị khác bám trụ đến cùng. Hơn 20 chiến sĩ án ngữ ở ngã ba Cầu Ga, tất cả đều hy sinh anh dũng…
Để tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống nơi đây, Đảng, Nhà nước cùng với nhân dân Quảng Trị đã dựng lên một đài tưởng niệm giữa lòng Thành cổ. Toàn bộ kiến trúc của đài tưởng niệm là sự hòa quyện giữa âm - dương, trời - đất, tạo nên ấn tượng sâu lắng lòng người mỗi khi đến đây. Thành cổ Quảng Trị đã được xếp hạng Di tích quốc gia vào tháng 12-1986.
Ngô Bảo