Những năm qua, hình ảnh Quân đội Nhân dân Việt Nam anh hùng được thể hiện nổi bật trong nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Có thể nói, những bộ phim về người lính luôn mang lại cảm xúc sâu nặng, được đón nhận nồng nhiệt ở cả trong và ngoài quân đội.
Thành lập từ năm 1960, điện ảnh quân đội đã sản xuất trên 1.200 bộ phim các thể loại: tài liệu, khoa học - giáo khoa quân sự, phim truyện, video… quay hàng chục vạn mét phim tư liệu, trong đó có những mét phim tư liệu rất quý về những giây phút cuối đời của Bác; công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đồng thời lưu trữ hàng chục ngàn cuốn phim tư liệu trong đó có những tư liệu phim chưa khai thác…
Kể từ năm 1996, khi bộ phim tài liệu nhựa Đường mòn trên biển Đông đoạt Bông sen vàng, đến năm 2011, phim về quân đội lại được đứng trên bục vinh quang về thể loại này ở Liên hoan phim (LHP) lần thứ 17 vừa diễn ra tại Phú Yên bằng sự kiện giành cú đúp Bông sen vàng hiếm có, điều mà nhiều năm rồi đã là nỗi mong chờ các nghệ sĩ mặc áo lính.
Điện ảnh quân đội mang đến LHP 3 phim tài liệu nhựa: Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc, Sóng nhà giàn và Gươm đàn Thăng Long và bộ phim truyện video Vũ khúc ánh trăng. Tất cả 4 phim đã gặt hái thành công: Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc giành 2 giải thưởng Bông sen vàng cho thể loại phim tài liệu nhựa xuất sắc nhất và đạo diễn phim tài liệu xuất sắc nhất - NSƯT, Đại tá Lưu Quỳ; Sóng nhà giàn đoạt Bông sen bạc; Vũ khúc ánh trăng được giải thưởng ban giám khảo thể loại phim video và Gươm đàn Thăng Long giải thưởng ban giám khảo phim tài liệu.
Cách đây không lâu, chính Hoàng Sa trong lòng Tổ quốc cũng được mùa giải thưởng khi từng nhận giải của ban giám khảo Cánh diều vàng vào tháng 3-2010 và giải B giải Báo chí quốc gia 2010 (không có giải A). Bộ phim này được đạo diễn Lưu Quỳ khởi quay vào tháng 3-2010, dựa trên tư liệu những cuốn gia phả, câu ca của nhiều dòng họ ở đảo Lý Sơn ghi rõ các sự kiện, thời gian các đội thuyền binh ra Hoàng Sa bảo vệ chủ quyền và tham khảo ở bản đồ nước ngoài, các bản chính sử triều Nguyễn...
Ngoài những cảnh quay thực tế lễ hội, đoàn làm phim còn phục dựng lại những cảnh nghi lễ tiễn đưa trang nghiêm và cảm động của nhân dân đảo Lý Sơn ngày xưa mỗi khi có thuyền vâng mệnh vua vượt biển ra Hoàng Sa làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trong nghi lễ thiêng liêng ấy, những nghĩa sĩ hùng binh được nhân dân tế sống, tức làm lễ truy điệu sống các chiến sĩ trước khi vào một trận đánh gần như cầm chắc phải hy sinh…
Từ thắng lợi của điện ảnh quân đội có thể khẳng định, thế hệ nghệ sĩ áo lính hôm nay có đủ tâm - trí - lực thể hiện bề dày truyền thống của một quân đội anh hùng, tác phẩm của họ sẽ luôn đứng ở vị trí quan trọng trong nền điện ảnh dân tộc... Có thể nói, nhiệm vụ quan trọng nhất của điện ảnh quân đội trước kia và bây giờ cũng vẫn là phải ghi lại và lưu giữ được những tư liệu sống động nhất của từng thời kỳ lịch sử, gắn với lực lượng vũ trang, với quốc phòng toàn dân. Nhưng với một hướng đi, một cách làm phim mà bên cạnh những thế mạnh truyền thống như tính chân thực, tính nhân văn và thời đại thì phim phải hấp dẫn hơn, mềm mại hơn.
Thành công của những bộ phim về người lính đã chứng minh một cách hùng hồn rằng, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn khơi nguồn cảm hứng và không bao giờ phai nhạt trong tâm khảm của biết bao thế hệ nghệ sĩ.
Bùi Lê