Sevilla CLB xuất sắc nhất thế giới 2006

Thành công từ những điều nhỏ nhất

Thành công từ những điều nhỏ nhất

Nỗ lực - Khát vọng - Đam mê và rất hợp lý trong các kế hoạch đầu tư, FC Sevilla đã có một năm 2006 thành công rực rỡ với chiếc Cúp UEFA và Siêu cúp châu Âu.

Không phải Barcelona, ĐKVĐ Champions League và La Liga. Cũng không phải “gã nhà giàu” Chelsea hay những ông lớn ở châu Âu như Real Madrid, Milan, Inter, M.U... mà đội được Liên đoàn thống kê và lịch sử bóng đá thế giới (IFFHS) trao tặng danh hiệu CLB xuất sắc nhất trong năm 2006 là Sevilla, một trong những hiện tượng thú vị tại La Liga. Đó là sự tôn vinh đặc biệt của một trong những tổ chức có uy tín nhất trong làng bóng đá thế giới đối với đội bóng của thành Sevilla, vốn chưa được nhắc đến nhiều bên ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha.

Thành công từ những điều nhỏ nhất ảnh 1

Sevilla với chiếc Cúp vô địch UEFA.

Có lẽ, nếu không có chiến thắng “4 sao” trước Middlesbrough trong trận chung kết Cúp UEFA tại Eindhoven (Hà Lan) vào tháng 5/2006, cái tên Sevilla giờ vẫn còn xa lạ với nhiều người hâm mộ bóng đá trên khắp thế giới. Từ một đội bóng vô danh, với chỉ một lần duy nhất giành được chức vô địch La Liga, nhưng cũng cách đây hơn 60 năm (mùa giải 1945/1946).

Lần cuối cùng Sevilla giành được một danh hiệu trước khi bước lên bục vinh quang tại Einhoven là chiếc Cúp Nhà Vua năm 1948, chiếc Cúp thứ 3 trong lịch sử của CLB. Có thể nói, Sevilla chỉ là một đội thuộc hàng ngũ trung bình ở La Liga, nhưng giờ đây, đội bóng của ông chủ Del Nido trở thành một thách thức rất lớn cho các ông lớn, ở cả trong nước lẫn quốc tế.

Nhờ đâu để một đội bóng thuộc đội ngũ hàng “tỉnh” như Sevilla trở thành một quyền lực mới ở La Liga và có thể cạnh tranh công bằng với những ông lớn như Barca, Real, Valencia? Rất nhiều xuất phát điểm, và điều đầu tiên có thể kể đến là sự hợp lý trong cách xây dựng đội bóng của Chủ tịch Jose Maria del Nido Benavente. Nhưng Del Nido là ai? Một luật sư thích làm bóng đá, điều không hiếm ở Tây Ban Nha và có vẻ như đó là “mốt” của các vị luật gia ở đất nước thuộc bán đảo Iberia này khi Real Madrid cũng đang do luật sư Ramon Calderon điều hành hay Joan Laporta ở Barca.

Del Nido bước vào thế giới bóng đá 1 năm trước Joan Laporta. Tuy nhiên, những gì Del Nido kế thừa ở Sevilla thua rất xa so với Laporta, cho dù khi ấy Barca đang chìm trong cuộc khủng hoảng nặng nề. Công việc đầu tiên của Del Nido ở Pizjuan là cải tổ lại đội bóng với sự trợ giúp của HLV Joaquin Caparros, người có mặt ở đây từ năm 2000.

Bên cạnh việc chú trọng công tác đào tạo trẻ (Pizjuan là nơi cho ra đời những tài năng trẻ của bóng đá Tây Ban Nha như Reyes, Ramos), Chủ tịch Del Nido chấp nhận đưa về Pizjuan những cầu thủ bị xem là “hàng thải” của những ông lớn. Với các đội bóng khác, những loại hàng “second” đó không đáng, nhưng với Sevilla lại rất cần thiết vì chính kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao của những cầu thủ này đã hỗ trợ rất nhiều cho lực lượng trẻ của CLB.

Bên cạnh đó, Del Nido lên kế hoạch săn lùng các tài năng trẻ, đặc biệt là những cầu thủ trẻ người Brazil như Alves, Adriano, Baptista (hiện khoác áo Arsenal). Trong số này, Alves là người đến sớm nhất, chỉ ít lâu sau khi Del Nido trở thành Chủ tịch Sevilla, và vẫn còn ở lại cho đến thời điểm này.

Tuy nhiên, một khó khăn cho Sevilla vì sau đó, HLV Caparros đã bỏ sang Deportivo với những tham vọng lớn hơn. Nhưng trong cái rủi ấy lại đưa Del Nido tìm thấy Juande Ramos, dù khi ấy không ít người nghi ngờ vào sự thành công của quyết định chọn cựu HLV của Malaga. Hơn nữa, những đội bóng mà Juande Ramos từng dẫn dắt đều là những đội thuộc “chiếu dưới” ở La Liga. Thế nhưng, những nghi ngờ đó nhanh chóng bị dập tắt khi Sevilla như lột xác dưới bàn tay Juande Ramos.

Kế thừa nền tảng được xây dựng dưới thời Caparros cùng những bổ sung hợp lý khác, Juande Ramos biến Sevilla thành một thế lực không chỉ ở phạm vi trong nước mà còn vượt ngoài lãnh thổ Tây Ban Nha và thành công với chiếc Cúp UEFA là minh chứng hùng hồn nhất.

Điểm nổi bật ở Juande Ramos là ông luôn tỏ ra gần gũi và hiểu khá rõ tâm tư nguyện vọng của từng cầu thủ, điều đó làm nên sự khác biệt giữa Sevilla của Caparros và Sevilla của Juande Ramos. Chính sự tận tụy của Ramos đã biến Sevilla thành một tập thể gắn kết với lối chơi đa dạng, quyến rũ, đầy hiệu quả và không phụ thuộc vào bất kỳ cá nhân nào, để từ đó, những “hàng thải” của Sevilla nhanh chóng trở thành người hùng của CLB như Maresca chưa bao giờ được thừa nhận ở Juventus, nhưng là trụ cột trong thành công của Rojiblancos trong năm qua.

Fabiano bị “thui chột” ở Porto nhưng đã tìm lại được hình ảnh của mình khi đến Pizjuan. Saviola chỉ cần một mùa giải cũng đủ để lại dấu ấn nơi người hâm mộ thành Sevilla trước khi được Barca triệu hồi. Hay Kanoute có được mùa giải bùng nổ nhất trong sự nghiệp của mình sau khi rời khỏi “địa ngục” White Hart Lane của Tottenham. Bên cạnh đó, các cầu thủ trẻ ở Pizjuan cũng không chịu kém khi thể hiện sự trưởng thành vượt bậc.

Mặc dù chưa giành được danh hiệu vô địch La Liga, nhưng với 1 Cúp UEFA, 1 Siêu Cúp châu Âu cùng những gì đang thể hiện, Sevilla của Juande Ramos có thể sánh ngang với Sevilla trong giai đoạn hoàng kim ở thập niên 40 của thế kỷ trước. Khi ấy, Sevilla với những tên tuổi như Arza, Campos, Herrera dưới sự dẫn dắt của HLV Ramon Encinas đã lần đầu tiên trong lịch sử bước lên bục cao nhất của La Liga mùa giải 1945/1946.

Hay như Sevilla của Pepe Brand đã làm nhục Barca đến 11-1, hủy diệt Valencia với tỉ số khó tin 10-3 trong mùa giải 1940/1941. Sevilla của Patrick O’Connell nổi lên như một quyền lực nhưng lại không thể giành được một danh hiệu nào từ giai đoạn 1942-1945. Tất cả đều gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch huyền thoại Ramon Sanchez Pizjuan, người được vinh hạnh lấy tên đặt tên cho sân vận động hiện tại của CLB.

Thành công của Sevilla đã chỉ ra được nhiều điều mà các ông lớn ở châu Âu chưa bao giờ rút ra được bài học cho mình: có tiền chưa hẳn đã là mua được những danh hiệu. Ở La Liga, Sevilla chính là sự đối lập rõ nhất với gã khổng lồ Real Madrid. Trong khi Chủ tịch Del Nido của Sevilla chỉ chi tiêu vào những gì thật sự cần thiết để có thể mang lại lợi ích cho CLB, thì đội bóng “Hoàng gia” liên tục vung ra những số tiền khổng lồ để đưa về những “ngôi sao” lớn nhất của bóng đá thế giới. Cách làm của những ông chủ ở “Nhà trắng” chỉ như để trang trí thêm cho vẻ đẹp bề ngoài của “dải ngân hà” để rồi rơi vào cảnh trắng tay liên tiếp trong suốt 3 năm qua.

Vượt khỏi biên giới Tây Ban Nha, “gã nhà giàu” Chelsea cũng nên học theo cách làm của Sevilla và Chủ tịch Del Nido vì đội bóng của ông trùm Roman Abramovich chỉ có thể thống trị ở Premier League nhờ chính sách “ăn xổi ở thì” chứ chưa thể trở thành một quyền lực trên đấu trường châu lục. Có thể nhìn thấy điều đó khi Chelsea vẫn chưa thể chạm tay vào những danh hiệu châu Âu.

Thành công của Sevilla còn là một bài học cho rất nhiều ông lớn khác ở châu Âu noi theo, trong hoàn cảnh bóng đá đã bị thương mại hóa quá mức. Ngoài ra, Sevilla còn là tấm gương cho những đội bóng nhỏ khác có tham vọng bước ra ánh sáng châu Âu. Và với những cách làm hợp lý cùng được sự chuẩn bị đầy đủ, tất nhiên phải kể đến tình yêu với CLB, mọi giấc mơ đều có thể trở thành hiện thực.

PHẠM LINH

Tin cùng chuyên mục