Câu chuyện doanh nghiệp bị quá nhiều đoàn thanh tra môi trường kiểm tra, xử phạt có lẽ không mới. Nhiều doanh nghiệp vì quá bức bối đã gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng yêu cầu được trả lời rõ về quy định thanh kiểm tra môi trường. Thế nhưng, bất chấp, doanh nghiệp nào càng phản kháng mạnh thì càng bị kiểm tra nhiều hơn.
Đại diện một công ty tại huyện Củ Chi bức xúc, chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, công ty đã phải tiếp hơn chục đoàn thanh kiểm tra môi trường. Cụ thể, đoàn kiểm tra môi trường của Tổng cục Bảo vệ môi trường, Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường, Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Cảnh sát Phòng chống tội phạm môi trường. Đó là chưa kể công ty còn phải chịu kiểm tra, giám sát của phòng tài nguyên và môi trường huyện, cảnh sát môi trường huyện…
Có những đoàn thanh kiểm tra khi đến kiểm tra chỉ để hỏi là quận hay sở đã có kiểm tra trước đó chưa. Nếu có, họ chỉ xem xét qua loa rồi về. Còn nếu chưa kiểm tra hoặc kiểm tra vài tháng trước, họ tổ chức kiểm tra lại. Điều này chứng tỏ giữa các đoàn thanh kiểm tra môi trường không phối hợp hoặc chia sẻ thông tin với nhau. Chính yếu tố này khiến doanh nghiệp rất khổ sở khi cùng một nội dung nhưng phải báo cáo với quá nhiều đoàn thanh tra. Không dừng lại đó, có những doanh nghiệp ở tỉnh này nhưng lại bị thanh tra môi trường tỉnh khác đến kiểm tra. Đại diện nhiều doanh nghiệp khác cho rằng nếu càng ý kiến lại càng bị kiểm tra nhiều hơn. Do đó, cách tốt nhất, thôi đành phải sắp xếp thời gian tiếp cho xong.
Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM khẳng định đó là bất cập đang tồn tại trong công tác thanh kiểm tra môi trường. Bản thân sở đã nhận được không ít phản ánh của doanh nghiệp về vấn đề trên. Hiện sở đang chỉ đạo các phòng chức năng tổ chức lại việc thanh kiểm tra môi trường. Theo đó, sở đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường lập kế hoạch kiểm tra doanh nghiệp trên địa bàn TP. Sau đó, thanh tra sở cũng như các cơ quan chức năng trên địa bàn TP sẽ cùng phối hợp với đoàn thanh tra của bộ để tổ chức kiểm tra một lần. Đảm bảo tần suất kiểm tra định kỳ 2 lần/năm và chỉ kiểm tra đột xuất khi phát hiện doanh nghiệp có dấu hiệu lén lút vi phạm môi trường.
Có thể nói, việc hình thành nhiều cơ quan chức năng quản lý về môi trường là cần thiết nhằm cải thiện chất lượng môi trường vốn đang bị hủy hoại nghiêm trọng. Tuy nhiên, mặt trái của vấn đề này, ngành ngành, người người đều có chức năng kiểm tra môi trường đã dẫn đến thực trạng chồng chéo trong công tác thanh kiểm tra, khiến các doanh nghiệp “ăn không ngon, ngủ không yên”, không biết “bao giờ mới đến tháng mười” để tập trung phát triển sản xuất, kinh doanh. Thiết nghĩ, Chính phủ cần phải vào cuộc lập lại kỷ cương, chấm dứt tình trạng chồng chéo trong thanh kiểm tra trong môi trường, tạo điều kiện doanh nghiệp vừa chấp hành tốt Luật Bảo vệ môi trường vừa yên tâm sản xuất.
MINH XUÂN