Thành phố đáng sống không thể có người bỏ học, đói nghèo, ăn xin

Sáng 26-3, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng phối hợp với Ban Thường vụ Thành đoàn tổ chức chương trình “Đối thoại tháng 3: Vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Đối thoại với thanh niên, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ:

(SGGP). – Sáng 26-3, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng phối hợp với Ban Thường vụ Thành đoàn tổ chức chương trình “Đối thoại tháng 3: Vai trò của thanh niên trong phát triển kinh tế - xã hội”.

Tại buổi đối thoại, các đại biểu thanh niên đã đặt ra những câu hỏi đối với lãnh đạo thành phố như: tại sao Đà Nẵng xây dựng “thành phố đáng sống” nhưng phần lớn sinh viên sau khi tốt nghiệp đều vào TPHCM và Bình Dương làm việc? Vậy có phải “đáng sống” ở đây chỉ là hưởng thụ, là để tiêu tiền, còn kiếm tiền ở nơi khác? Sinh viên các trường nghề tốt nghiệp ra trường có đóng góp lớn cho phát triển nhưng thành phố hiện nay chưa có sự đãi ngộ nào?

Ông Trần Thọ, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng, khẳng định: Đà Nẵng phấn đấu trở thành “thành phố đáng sống”, trong đó làm sao từ trẻ con đến người già được chăm lo chu đáo từ cái ăn, chỗ ở, đi lại, học hành, chữa bệnh, vui chơi giải trí. Thành phố đáng sống không thể có ma túy, không thể có người bỏ học, đói nghèo, ăn xin, tối ngủ lo trộm cắp, còn có người vứt rác bừa bãi… Để xây dựng “thành phố đáng sống” phải dựa vào thế hệ thanh niên, truyền thông điệp đến tất cả các bạn trẻ trên địa bàn thành phố.

Kết thúc chương trình “đối thoại tháng 3”, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng tặng các đại biểu thanh niên 2 cuốn sách: Hồi ký “Gia đình, bạn bè và đất nước” của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và sách Kỷ yếu Hoàng Sa của UBND huyện Hoàng Sa.

* UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành kế hoạch tổ chức cuộc thi “Nếu tôi là chủ tịch tỉnh” nhằm tạo điều kiện cho thanh niên tham gia đóng góp ý tưởng, giải pháp cho lãnh đạo tỉnh trong việc xây dựng phát triển kinh tế - xã hội; khuyến khích sáng tạo, dám hoài bão, mơ ước và thực hiện ước mơ của thanh niên… Người dự thi thông qua các bài viết đề xuất ý tưởng, mô hình, đề án, sáng kiến, giải pháp giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội đang nổi cộm hiện nay của tỉnh Khánh Hòa như: việc làm cho thanh niên, an toàn giao thông, phòng chống tệ nạn, chiến lược phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển. Cuộc thi có 2 vòng sơ khảo và chung khảo. Các thí sinh lọt vào vòng chung khảo sẽ thuyết trình ý tưởng của mình và trả lời những câu hỏi của ban giám khảo. Đối tượng dự thi là các đoàn viên, thanh niên, cán bộ công chức, viên chức, học sinh, sinh viên tuổi đời từ 16-35. Bài dự thi nộp về Tỉnh Đoàn Khánh Hòa, số 6 Hoàng Hoa Thám, thành phố Nha Trang; thời gian nhận bài từ nay đến tháng
11-2014.

NGUYÊN KHÔI - VĂN NGỌC

Tin cùng chuyên mục